• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 11/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán thuốc, vật tư... mua từ nguồn ngân sách cho khám, chữa bệnh BHYT; Chấn chỉnh sử dụng hóa chất hết hạn trong kiểm nghiệm chất lượng thuốc; Hành trình ‘giành giật sự sống’ của em bé sinh non tuần 25 cân nặng 600 gram; Vết đốt nhỏ khiến cụ ông nhập viện sau 1 tuần sốt cao; Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, không để bệnh đậu mùa khỉ lây lan.

Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán thuốc, vật tư... mua từ nguồn ngân sách cho khám, chữa bệnh BHYT

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ ngành hướng dẫn áp dụng Nghị quyết số 129/NQ-CP liên quan đến BHYT.

Theo Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Ngày 21/9/2023, Bộ Y tế đã có Công văn số 6037/BYT- KHTC về việc triển khai Nghị quyết số 129/NQ-CP của Chính phủ. Để làm rõ thêm việc áp dụng liên quan đến BHYT, Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc thanh quyết toán đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng chống dịch COVID-19 khi sử dụng cho khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ BHYT, cụ thể:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và thu số tiền cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT đối với các thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuộc phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT theo đúng các quy định của pháp luật về BHYT. Giá thanh toán thuốc, vật tư, sinh phẩm, thời điểm áp dụng giá thanh toán được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 6037/BYT-KHTC của Bộ Y tế.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổng hợp chi phí tiền thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT vào bảng tổng hợp đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hằng tháng; tổng hợp báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hàng quý, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán, quyết toán theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật BHYT.

Số tiền thu được do quỹ BHYT chỉ trả và số tiền cùng chỉ trả của người bệnh có thẻ BHYT cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ ngành phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện việc thanh toán, quyết toán và nộp ngân sách nhà nước số tiền thu được theo đúng quy định; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

 

Chấn chỉnh sử dụng hóa chất hết hạn trong kiểm nghiệm chất lượng thuốc

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề nghị tăng cường công tác quản lý trong hoạt động kiểm nghiệm.

Theo đó, các đơn vị cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng của phòng kiểm nghiệm thuốc; duy trì đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt phòng thí nghiệm"; tăng cường công tác quản lý trong hoạt động kiểm nghiệm, đảm bảo các hóa chất, dung môi, thuốc thử và chất chuẩn được sử dụng là phù hợp và còn hạn sử dụng. Các đơn vị kiểm nghiệm không được sử dụng các hóa chất, dung môi, thuốc thử, chất chuẩn đã hết hạn sử dụng hoặc không đảm bảo chất lượng để kiểm nghiệm mẫu thuốc; thực hiện kiểm tra chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định hiện hành…

Mới đây, Thanh tra Bộ Y tế phát hiện một số cơ sở kiểm nghiệm thuốc nhà nước chưa đảm bảo duy trì hệ thống chất lượng đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn.Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng sử dụng hóa chất hết hạn trong kiểm nghiệm thuốc, một số hóa chất chưa được theo dõi, truy xuất đầy đủ thông tin về hạn dùng; hồ sơ kiểm nghiệm chưa đầy đủ thông tin về hạn dùng của hóa chất sử dụng…

Hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, chất lượng kết quả thử nghiệm và đánh giá đầy đủ, chính xác chất lượng thuốc, là căn cứ cho việc quản lý chất lượng thuốc. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra của Bộ Y tế mới đây đã phát hiện các tồn tại nêu trên trong kiểm nghiệm thuốc thuộc các đơn vị của nhà nước. (Theo Báo Thanh niên).

 

Hành trình ‘giành giật sự sống’ của em bé sinh non tuần 25 cân nặng 600 gram

Em bé Vũ Phong chào đời non tháng ở tuần 25 thai kỳ với cân nặng chỉ 600 gram, sau 75 ngày được nuôi dưỡng tận tâm tại Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, sức khoẻ của bé đã hoàn toàn ổn định, nặng 1,8 kg và được trở về trong vòng tay của cha mẹ.

Mang thai được 24 tuần thì chị Nguyễn Như Quỳnh (30 tuổi, trú tại thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) có dấu hiệu rỉ ối phải nhập viện. Sau 1 tuần được điều trị giữ thai tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, chị Quỳnh có cơn chuyển dạ và bé Vũ Phong đã chào đời với cân nặng 600 gram.

Ngay khi sinh ra, bé Vũ Phong có hiện tượng tím tái toàn thân, rút lõm lồng ngực rõ, các bác sĩ sơ sinh chẩn đoán bé bị suy hô hấp độ 3 rất nặng. Bé không tự thở được nên đã được các bác sĩ cấp cứu bóp bóng hỗ trợ hô hấp đồng thời đặt ống nội khí quản ngay tại phòng sinh rồi chuyển tới Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh. Từ đây bé Vũ Phong cách ly mẹ và được chăm sóc hoàn toàn bởi các bác sĩ của Khoa Sơ sinh.

Bác sĩ CKI Đỗ Thị Dung - Bác sĩ trực tiếp chăm sóc cho bé Vũ Phong tại Phòng Hồi sức cấp cứu sơ sinh cho biết: "Với cân nặng 600 gram, Vũ Phong là trẻ sơ sinh nhẹ cân nhất từ trước đến nay được Khoa điều trị. Sau khi được bóp bóng Ambu qua mặt nạ có oxy thì độ bão hoà oxy trong máu (SPO2) đã tăng từ 70% lên 92%, da bé hồng hơn.

Chúng tôi nuôi dưỡng bé trong lồng ấp, bơm thuốc trưởng thành phổi Surfactant, cho bé thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch rốn để truyền dịch nuôi dưỡng kết hợp phác đồ nuôi dưỡng tối thiểu qua đường tiêu hoá nhằm kích thích đường tiêu hoá của bé hoạt động, tránh tình trạng viêm ruột. (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

 

Vết đốt nhỏ khiến cụ ông nhập viện sau 1 tuần sốt cao

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện tại vị trí bẹn phải có nốt điển hình do ấu trùng đốt, nốt hình bầu dục, viền đỏ ở giữa, đóng vảy đen.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh nam 65 tuổi (trú tại Phù Ninh, Phú Thọ) được phát hiện sốt mò ngay khi đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện.

Hơn một tuần trở lại đây, bệnh nhân N.V.T xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, đã tự dùng thuốc kháng sinh tại nhà nhưng không thuyên giảm.

Tại Khoa Cấp cứu, qua thăm khám, bác sĩ phát hiện tại vị trí bẹn phải có nốt điển hình do ấu trùng đốt với đặc điểm nốt hình bầu dục, viền đỏ ở giữa, đóng vảy đen.

Người bệnh được định hướng chẩn đoán sốt mò, chuyển điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị sốt mò.

Sau thời gian điều trị 6 ngày, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được ra viện.. (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

 

Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, không để bệnh đậu mùa khỉ lây lan

Từ đầu năm 2023 đến ngày 7/10, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, riêng trong ngày 6/10 ghi nhận bốn trường hợp mắc bệnh. Người dân lo ngại về khả năng mầm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đậu mùa khỉ không dễ lây lan và khó bùng phát thành dịch.

Ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 26/9. Một người tiếp xúc gần với nam bệnh nhân này cũng đã được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ. Điều tra bệnh sử, bệnh khởi phát trước đó khoảng một tuần với các triệu chứng nổi hạch hai bên bẹn, sốt, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi hai, ba mụn nước nhỏ. Sau đó, nổi thêm các nốt mủ ở tay, chân, ngực, các nốt loét xuất hiện toàn thân (tay, chân, niêm mạc miệng, ngực, cơ quan sinh dục), ngứa, khó chịu, không sốt.

Sau khi nhận thông tin trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã tiến hành điều tra dịch tễ, tiền sử đi lại, lập danh sách tám người tiếp xúc gần với bệnh nhân (bốn người tại Thành phố Hồ Chí Minh, một người ở Bình Dương, ba người ở Đồng Nai). Sau đó, lần lượt xuất hiện thêm các ca bệnh vào các ngày 28/9, 4/10 và 6/10.

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận trên địa bàn có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca xâm nhập, những ca còn lại phát hiện trong nước. Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và dịch bệnh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện HCDC cho biết, theo thông tin điều tra được, thì chưa thấy có sự liên quan giữa các ca bệnh đậu mùa khỉ trong nước.

Tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đầu tiên các bệnh nhân đến thăm khám, bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ thường là một bệnh tự giới hạn với các triệu chứng kéo dài từ hai đến bốn tuần. Các trường hợp nặng có thể xảy ra, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trước đây dao động từ 0 đến 11% trong dân số nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ.

Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong theo ca bệnh dao động trong khoảng 3 đến 6% (theo Tổ chức Y tế thế giới). Những người tiếp xúc gần với người có khả năng lây nhiễm sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn, bao gồm nhân viên y tế, các thành viên trong gia đình và bạn tình. “Các ca bệnh đến khám tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh có những ca có dấu hiệu ban đầu rất dễ nhầm tưởng với các bệnh nam khoa. Tuy nhiên, đã được các bác sĩ phát hiện bệnh sớm, xử lý đúng theo quy trình cho nên quá trình điều trị rất thuận lợi; đồng thời, bệnh viện cũng đã xây dựng một quy trình tầm soát, xử lý đặc biệt cho những trường hợp có triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ, nhân viên y tế đã được tập huấn đầy đủ” - bác sĩ Thảo khẳng định.

Để tiếp tục trau dồi thêm kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ, từ ngày 9 đến 11/10, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều lớp tái tập huấn cho các nhân viên y tế chẩn đoán, quy trình xử lý ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Chị Lữ Thị Uyên (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Tôi đã từng nghe thông tin về bệnh đậu mùa khỉ, vẫn nghĩ đậu mùa khỉ chỉ có ở châu Phi. Hiện giờ, ngay cả người Việt Nam không đi nước ngoài, không tiếp xúc với người nước ngoài mà vẫn mắc bệnh thì tôi thấy rất đáng lo ngại.Giải đáp cho những lo lắng này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Người dân không nên quá lo lắng, bởi đậu mùa khỉ không dễ lây lan trong cộng đồng.

Về khả năng mầm bệnh có thể đang tiềm ẩn trong cộng đồng, bác sĩ Khanh cho rằng, nếu có mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng thì cũng không phải vấn đề đáng lo ngại. “Đậu mùa khỉ chỉ lây lan khi có tiếp xúc cọ xát gần, da với da, miệng với miệng điển hình là quan hệ tình dục cho nên việc lây lan và phòng bệnh cũng tương tự như với HIV/AIDS chứ không phải lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc cho nên người dân không cần quá lo lắng, hoang mang”, bác sĩ Khanh nhận định.

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần gũi, nên tập trung vào những người bị ảnh hưởng và những người tiếp xúc gần gũi của họ. Không kỳ thị những nhóm người bị bệnh này vì có thể là một rào cản ngăn cản người bệnh tìm kiếm sự chăm sóc, dẫn đến sự lây lan không bị phát hiện.

Trước tình hình số ca đậu mùa khỉ tăng, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu HCDC và các bệnh viện, phòng khám... tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát chặt chẽ và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh trong cộng đồng. Việc phát hiện ca mắc đầu tiên để cách ly, tìm nguồn lây là vô cùng quan trọng, giúp ngăn chặn sự lây lan. Các địa phương phải đánh giá nguy cơ để đáp ứng phù hợp, không để mất kiểm soát dịch.

Tuy nhiên, cũng không nên phản ứng thái quá mà triển khai đầu tư không cần thiết, nhất là trong bối cảnh, đang có nhiều dịch bệnh lan rộng và diễn biến phức tạp trên cả nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, bạch hầu… Cần truyền thông để người dân không hoang mang và nắm được các biện pháp phòng bệnh để chủ động bảo vệ bản thân.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần đi khám và thực hiện xét nghiệm để loại trừ; chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục; nhất là với những người có yếu tố dịch tễ như: đi từ vùng dịch ở nước ngoài về, có tiếp xúc với những người mắc bệnh, hoặc người có triệu chứng nghi ngờ…

Để phòng bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác đang diễn tiến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa: Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; tốt nhất, che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. (Nhân dân, trang 8).

Thanh Nhàn tổng hợp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.938
Tháng 05 : 134.186
Năm 2024 : 853.485
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.651.999