• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 12/10/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Ngành Y tế hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia; Bộ Y tế gia hạn số đăng ký thêm hơn 1.000 thuốc, là những sản phẩm gì?; Y tế thôn bản 'cánh tay nối dài' của ngành y tế với người dân; Cần những giải pháp nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tâm thần; TP Hồ Chí Minh: Sắp thiếu hụt nhiều loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngành Y tế hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia

Vừa qua, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia đã tổ chức hội nghị "Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10" tại TP. Hồ Chí Minh. Tham dự và chủ trì có ông Đỗ Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia. Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia. Ông Phạm Xuân Viết - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. Cùng lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố gồm TP.HCM, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước và các bệnh viện tại TPHCM.

Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi về công tác chuyển đổi số y tế và các vướng mắc gặp phải khi triển khai tại các cơ sở y tế. Hội nghị cũng là nơi để các đơn vị cùng học tập, rút kinh nghiệm và trao đổi các kiến thức nhằm đưa ra định hướng đi chung cho các địa phương hướng tới mục tiêu chung trong chuyển đổi số y tế mà Bộ Y tế đã đề ra.

Tại Hội nghị, Ông Đỗ Trường Duy cho biết, chuyển đổi số y tế trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả có giá trị thiết thực cho ngành y tế và người dân. Bộ Y tế cũng đã thực hiện nhiều hoạt động chuyển đổi số y tế với các mục tiêu gia tăng lợi ích cho người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ y tế hoạt động, cung cấp các dịch vụ y tế hiệu quả trên môi trường số. Phát triển các nhà cung cấp dịch vụ y tế số. Tạo môi trường cho các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế cùng phát triển.

Tính tới 26/9/2023, trên nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử đã có 1.040 bác sĩ, 177.528 tài khoản, 50 cơ sở y tế và 217.360 người dân tham gia nền tảng. Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan đang hỗ trợ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại Thành phố Hà Nội.

Nhờ vào hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân sẽ tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng hơn. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phục vụ công tác quản lý điều hành tại địa phương, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng mô hình bệnh tật, dự báo phòng chống dịch bệnh.

Tại Hội nghị, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia và Sở Y tế Bình Dương đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác chuyển đổi số. Hai bên thống nhất, phối hợp trong các lĩnh vực như: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế; Công tác xây dựng cơ sỏ dữ liệu về y tế; Công tác triển khai các nền tảng; Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; Công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Cũng tại hội nghị, Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia cũng đã công bố quyết định thành lập Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, công bố Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia kiêm nhiệm Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia tại TPHCM từ ngày 9/10/2023 (Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe trung ương).

 

Bộ Y tế gia hạn số đăng ký thêm hơn 1.000 thuốc, là những sản phẩm gì?

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa công bố quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 1.000 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch. Hiện nước ta có khoảng hơn 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại...

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa công bố quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 1.000 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch. Hiện nước ta có khoảng hơn 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại... Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, các sản phẩm thuốc được gia hạn số đăng ký lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều để phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc. Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn theo quy định.

Cục Quản lý Dược nêu rõ, các thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này được tiếp tục sử dụng số đăng ký đã cấp trước khi gia hạn trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày được cấp số đăng ký gia hạn.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý Dược, cùng với việc nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành có hiệu lực 3 năm hoặc 5 năm theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc, để thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về gia hạn sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, Bộ Y tế đã nhiều lần công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80. Tính đến nay Bộ Y tế đã có hơn 10 đợt công bố.

Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở nước ta còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 loại khác nhau. (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

 

Y tế thôn bản 'cánh tay nối dài' của ngành y tế với người dân

Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế tại cơ sở; đóng góp lớn trong việc trực tiếp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại các xã miền núi của tỉnh Nghệ An. Tuy khó khăn vất vả nhưng họ luôn nhiệt huyết, yêu nghề, băng rừng vượt suối đem sức khoẻ đến với người dân.

Có mặt tại Trạm Y tế xã Nậm Càn, một xã vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) vào những ngày đầu tháng 10, trao đổi với bác sĩ Trần Thị Giang chúng tôi phần nào hiểu được những gian nan, vất vả của những nhân viên y tế thôn bản vùng cao.

Theo lời bác sĩ Giang, mỗi lần đi vào bản là một lần khó. Chị cho hay, người Mông họ thường sống nơi núi cao. Chính vì thế mỗi lần đi tuyên truyền chị em trong trạm phải đi mất nửa ngày.

Thế nhưng, theo chị Giang quãng đường đi đôi khi không thấm vào đâu so với việc bị bà con "bỏ bom". "Không ít lần đã hẹn đến nói chuyện nhưng khi tới nơi, cửa đóng then cài, gọi điện thoại "tìm người" thì bà con nói đang ở trên rẫy xa lắm về không được… Hay mỗi lần mời bà con ra trạm, cũng chỉ "xúi" vợ đi còn người chồng chẳng thấy đâu", BS Giang nói. Mỗi khi lỡ hẹn, tôi thường phải đi lại nhiều lần và ngồi "tỉ tê" nửa ngày người dân mới đồng ý đưa con đi uống vitamin A tại Trạm Y tế, đi khám thai sản và sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại…

Chỉ tay về phía ngôi nhà sàn phía xa, BS Giang kể, có gia đình bên xã Liên Sơn người vợ sinh năm 1980 và đang làm mẹ của 9 đứa con, đứa bé nhất mới lên 3. Để nâng cao nhận thức cho người đân về chăm sóc sức khỏe sinh sản… nhiều lần nhân viên y tế đã mời người phụ nữ lên trạm xá để gặp gỡ, tâm sự, nhưng vẫn bị "bùng" vào phút cuối.

Theo BS Giang, bên cạnh việc di chuyển, đi lại không thuận tiện thì nhận thức hạn chế và gánh nặng mưu sinh của người dân nơi đây chính là rào cản lớn nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản ở xã vùng cao Nậm Càn.

Khó khăn là thế, nhưng nhận thức của bà con dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe mới là trở ngại lớn nhất đối với nhân viên y tế thôn bản (Theo Báo Sức khỏe đời sống).

 

Cần những giải pháp nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe tâm thần

Sức khỏe tâm thần là một trong ba yếu tố hình thành nên sức khỏe của mỗi con người. Tại Việt Nam, có khoảng 15 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tuy nhiên mạng lưới cơ sở y tế cũng như đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành sức khỏe tâm thần đang rất thiếu, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan cần có những giải pháp để công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng được cải thiện. Theo Tổ chức Y tế thế giới, “sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau”; “không có sức khỏe nếu không có sức khoẻ tâm thần”. Như vậy, vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm một nửa trong định nghĩa về sức khỏe, cho thấy vai trò rất quan trọng của chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Hiện nay mô hình bệnh tật đang thay đổi. Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm cũng là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước trên thế giới. Hằng năm các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới. Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.

Mặc dù các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, bởi vì các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần. (Theo Báo Nhân dân).

 

TP Hồ Chí Minh: Sắp thiếu hụt nhiều loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Chiều 11/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, hiện nguồn vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ đủ tiêm trong vòng 2 tuần nữa. Trước tình hình này, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, vaccine 5 trong 1 chỉ còn khoảng 3.000 liều, vaccine ngừa sởi còn 600 liều, vaccine ngừa sởi - rubella còn 2.300 liều, vaccine ngừa uốn ván còn 600 liều, vaccine ngừa viêm gan siêu vi B còn 89 liều… Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số vaccine này chỉ đủ tiêm trong vòng 2 tuần nữa. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ nhiềm năm qua, việc cung ứng vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm trách. Tuy nhiên, kể từ năm 2022 đến nay, việc cung ứng vaccine này bị gián đoạn do thay đổi về cơ chế mua sắm vaccine sau khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Điều này đã làm gián đoạn cung ứng một số vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP Hồ Chí Minh trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó có vaccine sởi, bạch hầu - ho gà - uốn ván và vaccine 5 trong 1.

Để giải quyết các vướng mắc trong cung ứng vacicne thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng trên phạm vi cả nước, ngày 10/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 và giao Bộ Y tế mua vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định. Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nỗ lực thực hiện quy trình mua sắm vaccine trở lại.

Tuy nhiên, vào ngày 6/10/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có văn bản số 1983/VSDTTƯ gửi các địa phương đề nghị rà soát lại số lượng nhu cầu vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine 5 trong 1). Cũng tại văn bản này, Viện cho biết dự kiến nhanh nhất phải đến cuối tháng 12/2023 mới có nguồn cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vaccine 5 trong 1.

Trước tình hình trên, ngành y tế Thành phố tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vacccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vaccine còn lại giữa các địa phương trên địa bàn và hướng dẫn các trạm y tế phường, xã rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại để kịp thời nhắc và triển khai tiêm sớm nhất khi có nguồn vaccine được cung ứng trở lại.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay nguồn vaccine 5 trong 1 thuộc nguồn dịch vụ vẫn có. Trong trường hợp cần thiết, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vaccine theo nhu cầu. (Theo Thông tấn xã Việt Nam).

Thanh Nhàn tổng hợp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.265
Tháng 05 : 134.513
Năm 2024 : 853.812
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.652.326