• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 16/10/2023

Soyte.hatinh.gov.vn:  Bộ Y tế: Bình ổn thị trường, cung ứng đủ thuốc phục vụ điều trị; TPHCM ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ 19; Mỗi năm Việt Nam có 21.550 ca mắc ung thư vú, khuyến cáo của chuyên gia chị em cần biết; Hiểm hoạ từ trào lưu ‘nâng mũi chỉ’ quảng cáo trên mạng.

Bộ Y tế: Bình ổn thị trường, cung ứng đủ thuốc phục vụ điều trị

Bộ Y tế đã công bố 7 đợt với tổng số 11.381 thuốc (8.860 thuốc trong nước, 2.296 thuốc nước ngoài, 244 vaccine, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024.

Bộ Y tế cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm bình ổn thị trường thuốc, cung ứng đủ thuốc, như bảo đảm tiến độ cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phục vụ điều trị và sản xuất thuốc trong nước.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã công bố 7 đợt với tổng số 11.381 thuốc (8.860 thuốc trong nước, 2.296 thuốc nước ngoài, 244 vaccine, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31/12/2024 theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội; ban hành các công văn hướng dẫn các bệnh viện có phản ánh về việc thiếu thuốc để kịp thời lập dự trù và chỉ đạo việc nhập khẩu bảo đảm việc cung ứng thuốc...

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Thông tư đã giải quyết được căn bản các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện vừa qua.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Quản lý Dược tiếp tục tiếp nhận và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, kê khai lại giá thuốc theo quy định với 4.665 hồ sơ kê khai giá thuốc, 406 hồ sơ kê khai lại giá thuốc và 1.304 hồ sơ đề nghị bổ sung, thay đổi thông tin của thuốc đã kê khai, kê khai lại.

Thực hiện quy định kê khai giá trang thiết bị y tế tại Nghị định số 07/2023/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban soạn thảo và giao đơn vị đầu mối đang khẩn trương rà soát, dự thảo thông tư quy định về danh mục và hướng dẫn thông tin trang thiết bị y tế phải kê khai giá để triển khai.

Dự kiến Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư trong năm 2023, đồng thời, để triển khai nội dung niêm yết giá theo Nghị định 07/2023/NĐ-CP, các cục chức năng của Bộ đang xây dựng phần mềm niêm yết giá trang thiết bị.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi tình hình cung ứng thuốc của nhà thầu trúng thầu các gói cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cho các cơ sở y tế trên toàn quốc giai đoạn 2022-2023.

Ngày 29/8, Giám đốc Trung tâm Mua sắm Tập trung Thuốc Quốc gia đã ký ban hành ba quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu cung cấp thuốc.

Tỷ lệ giảm giá so với giá kế hoạch của ba gói thầu trên là 7,38%, giảm giá 39,5 tỷ đồng so với giá kế hoạch các mặt hàng trúng thầu.

Hà Nội: Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Về công tác đấu thầu thuốc ARV đợt 2 năm 2023, tháng 4/2023, Giám đốc Trung tâm đã ký ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp thuốc ARV sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế và Chi phí cùng chi trả cho các cơ sở điều trị trên toàn quốc.

Giá trị trúng thầu là 37,3 tỷ đồng, giảm giá 0,15% so với giá kế hoạch các mặt hàng trúng thầu.

Về công tác đàm phán giá, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 21 thuốc biệt dược gốc thuộc danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá, giảm 231,3 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm 4,56%).

Bộ Y tế (Trung tâm Mua sắm Tập trung Thuốc Quốc gia) đã tiến hành ký thỏa thuận khung và hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện Thỏa thuận khung với hiệu lực trong 24 tháng kể từ ngày ký./. Theo Thông tấn xã Việt Nam

 

TPHCM ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ 19

Chỉ trong 1 tuần, TPHCM đã ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc đậu mùa khỉ mới, nâng tổng số ca bệnh lên 19 ca. Theo Sở Y tế TPHCM, địa phương này đang phải cùng lúc đối phó với 5 dịch bệnh bao gồm sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, đậu mùa khỉ và COVID-19.

Sở Y tế TPHCM vừa thông báo, trong tuần qua TPHCM đã phát hiện thêm 6 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, đưa tổng số ca mắc bệnh trên địa bàn TP lên con số 19 (trong đó có 2 ca nhập cảnh và 1 ca xuất cảnh sang Đài Loan (Trung Quốc)). Hiện tại, TPHCM đang cách ly và điều trị 12 trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, tất cả đều đang ổn định về tình trạng sức khỏe.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, TPHCM đã ghi nhận tổng cộng 14.126 ca mắc sốt xuất huyết. Trong tuần qua, TP đã ghi nhận thêm 422 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 5,3% so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân gồm có Quận 1, Quận 8 và Quận Bình Thạnh. Hiện, TPHCM đang điều trị tổng cộng 200 ca sốt xuất huyết, trong đó có 103 ca trưởng thành và 96 ca trẻ em.

Số ca mắcbệnh tay chân miệng tại TPHCM từ đầu năm đến nay là khoảng 30.000 ca. Riêng trong tuần qua, TPHCM đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm Quận Bình Tân, Huyện Nhà Bè và Huyện Bình Chánh. Hiện TP đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TPHCM.

Sở Y tế TPHCM cho biết đơn vị đã chủ động trong việc đối phó và thành công trong việc giải mã gen của các loại virus gây bệnh đậu mùa khỉ và đau mắt đỏ. Ngành y tế TPHCM tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và ứng phó kịp thời với mọi tình huống có thể xảy ra.

Tiếp tục hợp tác mật thiết với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận huyện, cũng như TP. Thủ Đức trong việc chỉ đạo, kiểm tra và giám sát triển khai công tác phòng chống dịch, để đảm bảo tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế trong công việc phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ và đậu mùa khỉ. (Theo Báo SK&ĐS)

 

Mỗi năm Việt Nam có 21.550 ca mắc ung thư vú, khuyến cáo của chuyên gia chị em cần biết

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25.8 % tổng số các bệnh ung thư ở nữ giới. Khi phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi của ung thư vú lên tới hơn 90%...

Ung thư vú chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới tại Việt Nam

Tháng 10 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Tháng Nâng cao nhận thức về ung thư vú trên toàn cầu. Các chuyên gia ung thư cho hay, ung thư vú là bệnh phổ biến hàng đầu ở nữ giới. Tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi khu vực Đông Nam Á là 41,2/100.000 phụ nữ và tử vong là 15/100.000 phụ nữ, con số này ở Việt Nam lần lượt là 34,2/100.000 nữ giới và 13,8/100.000 phụ nữ.

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2020 có tới hơn 2,2 triệu phụ nữ được phát hiện ung thư vú và có tới gần 685.000 trường hợp tử vong. Tại châu Á, hiện chiếm tới 45% số ca ung thư vú toàn cầu và số ca mắc ung thư vú dự kiến sẽ tăng 20,9% và tỷ lệ tử vong tăng 27,8% trong giai đoạn 2020-2030.

Ở Việt Nam, ung thư vú cũng là loại ung thư đứng hàng đầu, chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới với 21.555 người mới được phát hiện bệnh và 9.345 bệnh nhân tử vong.

Việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh ung thư có vai trò quan trọng trong điều trị và tiên lượng. Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy, nếu ung thư vú được chẩn đoán sớm khi bệnh còn khu trú trong tuyến vú thì tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau điều trị lên tới trên 90%.

Nghiên cứu ở các nước châu Á đã chỉ ra tỷ lệ sống thêm 5 năm trong khoảng từ 56,5% đến 86,7%.

Ở một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, những bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (I, II) có tỷ lệ sống thêm 5 năm có thể từ 80,7% - 94,4%, trong khi nếu chẩn đoán ở giai đoạn muộn (III, IV) chỉ là 23,3% đến 59,7%.

Tuy nhiên khi ung thư đã lan ra ngoài tuyến vú, tới hạch bạch huyết và các tổ chức xung quanh tỷ lệ này giảm xuống còn 86%. Khi ung thư đã di căn tới các cơ quan khác của cơ thể như di căn phổi, gan, xương, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn có 30%.

Phát hiện sớm, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh ung thư vú lên đến hơn 90%

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh, ung thư vú là căn bệnh có tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 90% được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là việc điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm.

Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ độ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng. Mặc dù trong những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư vú đã được triển khai tại các tỉnh/thành phố nhưng vẫn còn rất nhiều chị em phụ nữ Việt Nam vẫn chưa chủ động trong việc tự đi khám sàng lọc bệnh ung thư vú.

Vẫn có một số trường hợp vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khám, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, thậm chí có không ít chị em khi mắc ung thư vú đã không tuân thủ điều trị mà tin vào các phương pháp điều trị chưa được chứng thực như thực dưỡng, đắp lá... đã khiến cho bệnh ung thư mất đi thời gian vàng chữa trị...

"Khi bệnh ung thư vú đã tiến triển và di căn, cơ hội chữa khỏi bệnh đã giảm đi nhiều. Vì vậy, người bệnh cần đi khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc để được chẩn đoán, điều trị sớm" - chuyên gia khuyến cáo.

Về phía Bộ Y tế và các cơ sở điều trị chuyên khoa ung thư, nhiều tổ chức xã hội đã và đang nỗ lực truyền thông, vận động, triển khai các chính sách để thúc đẩy chị em quan tâm hơn đến 'vòng 1' của mình thông qua việc khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú.

Trong những năm gần đây Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong công tác sàng lọc phát hiện sớm và điều trị ung thư vú. Các cơ sở y tế đã triển khai nhiều chương trình sàng lọc giúp phát hiện sớm ung thư vú giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội chữa khỏi bệnh hoặc ổn định bệnh lâu dài.

Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cũng cho biết thêm, song song với phương pháp điều trị truyền thống, người bệnh ung thư vú hiện nay đang được tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị tiến bộ mới và cá nhân hóa, đem lại hiệu quả cao và chất lượng cuộc sống được cải thiện tốt hơn rất nhiều...

Các chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo phụ nữ cần tự bảo vệ sức khỏe, vẻ đẹp của mình chỉ với 5 phút đơn giản khám vú tại nhà:

Bước 1: Bạn đứng trước gương, xuôi hai tay và quan sát 2 bên tuyến vú có đều nhau không, màu sắc da tuyến vú có bất thường không, kiểm tra các dấu hiệu như co kéo da vú, núm vú.

Bước 2: Hai cánh tay dang rộng, bàn tay để sau đầu tìm các bất thường như bước 1.

Bước 3: Nằm ngửa trên giường đưa tay trái qua gáy, dùng tay phải khám ngực trái. Lấy 3 ngón tay xòe thẳng ấn nhẹ lên bầu vú và day tròn theo hình xoắn ốc tìm khối u, mảng dày bất thường từ quầng vú ra ngoài.

Bước 4: Di chuyển lên khu vực nách sờ các hạch quanh nách, hạch thượng đòn, hạch cổ.

Bước 5: Lấy ngón tay ấn lên núm vú phát hiện dịch tiết núm vú bất thường.

Sau đó, bạn làm tương tự như vậy với vú bên trái. Nếu thấy các bất thường khi tự khám, bạn nên đi tới bệnh viện ngay để xác định có phải biểu hiện của ung thư hay không. Theo Báo SK&ĐS

 

Hiểm hoạ từ trào lưu ‘nâng mũi chỉ’ quảng cáo trên mạng

Hiện nay, có rất nhiều spa không chính thống quảng cáo và giới thiệu dịch vụ "nâng mũi chỉ" với những lời hoa mỹ và gây ra hậu quả khôn lường cho nhiều nạn nhân.

Ngày 15/10, Bệnh viện JW Hàn Quốc (TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân tên V.S.N. (30 tuổi, Hà Nội) đến khám trong tình trạng mũi thâm đen, sống mũi gồ chỉ xuất hiện nhiều dấu hiệu nhiễm trùng.

Qua khai thác bệnh sử, anh N. cho biết cách đây không lâu do xem nhiều quảng cáo trên mạng về phương pháp nâng mũi chỉ không đau, không phẫu thuật, nhanh chóng, anh đã đến một spa tại địa phương để thực hiện nâng cấp dáng mũi. Tại đây, nhân viên spa dùng một dụng cụ đâm vào đầu mũi anh và thực hiện luồn những sợi chỉ được quảng cáo là chỉ sinh học tự tiêu vào bên trong.

Mới đầu thực hiện, mũi anh có độ cao hài hòa khiến anh khá ưng ý, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, bắt đầu xuất hiện nhiều vết tím thâm đen trên sống mũi và đầu mũi. Mũi còn liên tục căng tức, đau nhức. Khi sờ vào, anh thậm chí còn có thể cảm nhận từng sợi chỉ đang lồi lên. Sau đó, anh N. đã vào TP Hồ Chí Minh để khám và rút chỉ ra.

Qua thăm khám lâm sàng và chẩn đoán bằng hình ảnh, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng Giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc cho biết mũi bệnh nhân đã bị nhiễm trùng nghiêm trọng do các sợi chỉ dính chặt vào các mô cơ, đầu mũi sắp thủng, xuất hiện vết thâm bầm và phải lập tức rút hết chỉ ngay trước khi hoại tử.

Ngay khi bóc tách mũi, các bác sĩ thấy búi chỉ rối như tơ vò bên trong, che khuất toàn bộ phẫu trường. Bác sĩ Tú Dung đã tỉ mỉ đế rút từng sợi chỉ một, tránh ảnh hưởng đến các mô bên trong, bảo toàn cấu trúc mũi. Trải qua 2 giờ phẫu thuật, ê kip phẫu thuật đã rút toàn bộ búi chỉ gồm hàng trăm sợi chỉ đan chặt trong mũi bệnh nhân, kịp thời cứu chữa chiếc mũi lành lặn.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung cho biết, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu không ít bệnh nhân bị biến chứng nguy hiểm như biến dạng mũi, nhiễm trùng hoại tử, cong sống mũi vĩnh viễn không thể hồi phục…sau khi đang nâng mũi chỉ

“Nâng mũi chỉ là phương pháp làm đẹp không chính thống và cực kỳ phản khoa học. Tuyệt đối không có phương pháp nào đút sợi chỉ vào giúp mũi cao lên được. Hiện có rất nhiều người tay ngang học các lớp thẩm mỹ cấp tốc, tự sáng tạo ra nhiều phương pháp làm đẹp không chính quy để lừa dối khách hàng. Vì vậy bất kỳ ai khi đi làm đẹp cũng phải cực kỳ chú ý, lựa chọn những cơ sở làm đẹp chính quy được Bộ Y tế cấp phép. Đặc biệt, bác sĩ thực hiện phải là người có chuyên môn, và chứng chỉ hành nghề rõ ràng”, bác sĩ Tú Dung cảnh báo. (Theo Thông tấn xã Việt Nam)

Tổng hợp Tuấn Dũng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.501
Tháng 12 : 169.330
Năm 2024 : 2.969.918
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.768.432