Điểm báo, ngày 09/10/2023
soyte.hatinh.gov.vn: Liên tục ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ: Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì?; Nhiều lợi ích khi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa; Vợ chồng U50 hiếm muộn hạnh phúc đón cặp song sinh đầu lòng; Tôn vinh sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch; Kiểm soát sử dụng khí cười trong cơ sở y tế.
Liên tục ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ: Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo gì?
Đến nay tại TP HCM đã ghi nhận 13 ca bệnh đậu mùa khỉ. Tại Bình Dương cũng đã ghi nhận 2 ca, Đồng Nai ghi nhận 1 ca. Vậy nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ có lây lan ra cộng đồng hay không?
Vào tối 8/10, Sở Y tế TP HCM đã báo cáo tình hình mới nhất về đậu mùa khỉ cùng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh đến UBND TP HCM.
Theo đó, trong ngày 6/10, TP HCM đã phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập.
Các trường hợp đậu mùa khỉ đang được giữ cách ly và điều trị theo dõi. Sở Y tế TPHCM đã và đang tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Trao đổi với Sức khoẻ & Đời sống sáng 9/10 về nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ có lây lan ra cộng đồng hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho rằng với những ca bệnh này, cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hay không.
"Đây là vấn đề quan trọng để từ đó đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng..."- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Tuy nhiên chuyên gia cũng lưu ý cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác. Việc phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong khoanh vùng, cách ly, tránh lây lan. Về phía người dân, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo không nên hoang mang, cần đề cao biện pháp phòng bệnh, dự phòng cá nhân.
"Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan cho tất cả mọi người trong cộng đồng, chỉ dễ lây lan trên một số nhóm người có nguy cơ như đồng tính nam (MSM), người song giới (bisexual), người có nhiều bạn tình quan hệ tình dục không an toàn, không bảo vệ bằng bao cao su... Cùng đó bệnh này có thể lây do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa khỉ vì bệnh này còn lây theo hình thức giọt bắn và qua dịch tiết. Do vậy, người dân khi đã tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ thì cần đến các cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán xác định và chủ động cách ly, tránh lây cho người khác"- PGS.TS Trần Đắc Phu nói (Theo Báo Sức khỏe đời sống).
Nhiều lợi ích khi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (Tele PrEP) tạo cơ hội cho khách hàng có nguy cơ cao ở những tỉnh không có dự án hỗ trợ được tiếp cận dịch vụ PrEP miễn phí. Tele PrEP còn giúp giảm bớt chi phí, thời gian di chuyển, giúp khách hàng không lo lắng về kỳ thị phân biệt đối xử...
TS. Đoàn Thị Thùy Linh - Phó trưởng Phòng Điều trị, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV từ xa (Tele PrEP) hướng đến sự đơn giản, thuận tiện và phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Dịch vụ Tele PrEP cho phép việc kết nối, tương tác trực tuyến (có thể thực hiện cuộc gọi video call) giữa cơ sở y tế với khách hàng trong quá trình cung cấp và nhận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV.
Tele PrEP tạo cơ hội cho khách hàng có nguy cơ cao ở những tỉnh không có dự án hỗ trợ được tiếp cận dịch vụ PrEP miễn phí.
Ngoài ra, khi được nhận gói dịch vụ từ xa, khách hàng sẽ giảm bớt chi phí và thời gian di chuyển và không lo lắng về vấn đề kỳ thị phân biệt đối xử khi phải đến cơ sở y tế nhận dịch vụ trực tiếp.
Từ tháng 8 - 10/2022, dịch vụ Tele PrEP đã được chính thức triển khai tại 20 cơ sở của 7 tỉnh/thành phố ở nước ta với gần 400 khách hàng. (Theo Báo Sức khỏe đời sống).
Vợ chồng U50 hiếm muộn hạnh phúc đón cặp song sinh đầu lòng
Vợ chồng chị T. đã thực hiện các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành. Tuy nhiên, anh chị không bỏ cuộc với niềm tin và mong mỏi sẽ được đón con..
Chiều 8/10, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết, đơn vị này vừa thực hiện thành công ca mổ lấy thai cặp song sinh cho sản phụ 48 tuổi. Đây là con đầu lòng của cặp vợ chồng này sau hành trình gian lao nhiều năm điều trị hiếm muộn. Sản phụ là chị N.T.T. (48 tuổi, trú tại Đồng Nai). Chị T. lập gia đình muộn khi ở tuổi 44 còn chồng chị ở tuổi 46. Sau khi cưới, biết cơ hội có con tự nhiên rất hiếm nhưng vợ chồng chị T. vẫn mong muốn có con nên đã đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản để được khám và tư vấn các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Sau thời gian 3 năm, vợ chồng chị T. đã lần lượt trải qua thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung và thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành. Tuy nhiên, vợ chồng chị T. không bỏ cuộc với niềm tin và mong mỏi sẽ được đón con.
Đầu năm 2023, vợ chồng chị T. tiếp tục thực hiện tiếp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và kết quả chị T. đã có thai, đặc biệt hơn, song thai 2 nhau 2 ối.
Trải qua 9 tháng thai kỳ, đến khoảng 2h ngày 7/10, thai được 38 tuần, chị T. có dấu hiệu chuyển dạ nên được đưa vào Bệnh viện Từ Dũ khám và làm thủ tục nhập viện. Tại đây, sau khi được khám, siêu âm, gắn monitoring, bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và 2 bé đều ổn định. Bác sĩ đã tư vấn phương pháp xử trí can thiệp phù hợp nhất để đón hai bé là mổ lấy thai. Sáng 7/10, BSCKII. Trần Ngọc Hải – Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ đã trực tiếp mổ lấy thai cho chị T.
Sau phẫu thuật 10 phút, hai bé chào đời khỏe mạnh. Vợ chồng chị T. hạnh phúc vì được ôm hai con vào lòng sau bao mong đợi. (Theo Báo Sức khỏe đời sống).
Tôn vinh sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch
Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” phát động cuối năm 2021 là sự tiếp nối thành công của chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” được phát động trong Tháng Công nhân năm 2021, hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động ngày 14/8/2021.
Chiều 8/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh điển hình sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Dự lễ tôn vinh còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Nguyễn Văn Thể, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Chương trình 1 triệu sáng kiến hết sức có ý nghĩa, kịp thời, đúng hướng, hòa nhập với phong trào thi đua cả cả nước, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động; quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ghi nhận, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công đoàn Việt Nam, của đoàn viên, người lao động cả nước. Sự phát triển và lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn, sức sáng tạo và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân trong tình hình mới, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung các giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh của giai cấp công nhân trong tiến trình phát triển của đất nước. Công đoàn các cấp cụ thể hóa, quyết liệt triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức hoạt động công đoàn với mục tiêu vì đoàn viên, vì người lao động. Cán bộ công đoàn chủ động nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bản lĩnh, tâm huyết, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua vượt khó, phát triển do Thủ tướng Chính phủ phát động trên tinh thần “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”.
Đồng thời, phát huy hiệu quả các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, coi đây là động lực khơi nguồn cho sức mạnh trí tuệ, sáng tạo và hiệu quả của người lao động Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững đất nước thông qua việc vận động đoàn viên công đoàn, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc… (Nhân dân, trang 1).
Kiểm soát sử dụng khí cười trong cơ sở y tế
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các sở y tế, các bệnh viện yêu cầu khẩn trương, nghiêm túc thực hiện việc không sử dụng khí dinitơ monoxide (nitrous oxide - N2O) trên người bệnh khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt; tăng cường quản lý việc sử dụng khí N2O tại cơ sở (nếu có) để tránh thất thoát, lạm dụng và sử dụng sai mục đích.
Đặc biệt, thủ trưởng đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đơn vị nào để xảy ra việc thất thoát, lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình trạng lạm dụng khí N2O để vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các đơn vị có liên quan, khí N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại VN.
Trước đó, cuối tháng 8, Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo của một số địa phương về tình trạng mua bán, sử dụng bóng cười có chứa khí N2O tại các quán bar, vũ trường, karaoke, khu vui chơi giải trí… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, đồng thời gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Khí N2O khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái. Lạm dụng N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác, làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O theo đúng quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O. (Thanh niên, trang 14).
Thanh Nhàn tổng hợp