• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 2/11/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Cứu thành công bé trai 10 tuổi bị đột quỵ não; Bệnh nhi suýt mất ngón tay vì đắp thuốc lá; Giảm thời gian đóng bảo hiểm xuống 15 năm để gia tăng số người hưởng lương hưu; Căn bệnh khiến nhiều người Việt tử vong cao gần gấp đôi ung thư; Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu.

Cứu thành công bé trai 10 tuổi bị đột quỵ não

Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng kích hoạt báo động đỏ nội viện cứu sống bé trai 10 tuổi bị đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết. 

Ngày 2/11, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, các bác sĩ khoa Đột quỵ của bệnh viện vừa cứu sống bé trai 10 tuổi bị đột quỵ não bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Theo đó, bệnh nhi Nguyễn N.H. (SN 2013, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người phải, không nói được.

Người nhà cho biết, khi đang chơi thì bé nói đau đầu, sau đó méo miệng, lơ mơ, nói khó nên gia đình nhanh chóng đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng.

Tại đây, các bác sĩ đã chụp CT, sau đó hội chẩn khẩn với các bác sĩ khoa Đột quỵ, đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp.

Các bác sĩ khoa đột quỵ đã kích hoạt báo động đỏ nội viện với mức độ đặc biệt nhất để cấp cứu cho bệnh nhi.

Đồng thời hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành tại TP Hồ Chí Minh ngay trong đêm để chẩn đoán chính xác và quyết định điều trị cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết với hy vọng cứu sống bệnh nhi.

Bác sĩ Phạm Như Thông - Phó Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi bị đột quỵ như vậy chưa từng gặp tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro vì có thể có thêm biến chứng, cũng như có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến tương lai của cháu.

May mắn bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện dần sau quá trình điều trị thuốc và tập phục hồi chức năng tích cực. Hiện tại bệnh nhân đã xuất viện và đi học trở lại sau gần một tháng nằm viện.

Bác sĩ Thông cho biết thêm, qua trường hợp này cho thấy đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

“Đối với người bị đột quỵ, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như là khả năng phục hồi của bệnh nhân.

Vì vậy, người nhà bệnh nhân cần nắm rõ các dấu hiệu đột quỵ để nhận biết sớm và cấp cứu kịp thời bệnh nhân bị đột quỵ.

Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mất thị lực, mất thăng bằng... nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Thông khuyến cáo. (Giáo dục và thời đại)

 

Bệnh nhi suýt mất ngón tay vì đắp thuốc lá

Thấy tay của con nổi nhọt, gia đình đã đến thầy lang xin thuốc lá về đắp. Ngón tay bệnh nhi sau đó bị hoại tử, lộ gân xương, bốc mùi khó chịu..

Bệnh nhi N.T.M.T (14 tuổi, trú tại Tân Kỳ, Nghệ An) được đưa tới Bệnh viện Sản nhi Nghệ An với ngón tay bị nhiễm trùng, lộ gân xương, chảy mủ nhiều, bốc mùi hôi khó chịu, xung quanh sưng nề, hạn chế vận động.

Người thân của T cho biết, cách đây 1 tháng, ngón tay của T. xuất hiện khối nhọt. Nghe một số người mách, gia đình đã đến thầy lang xin thuốc lá về đắp lên nhọt với hi vọng nhọt sẽ tan.

Tuy nhiên, bệnh tình của trẻ không những không thuyên giảm mà còn diễn biến nặng, vết thương chảy mủ, sưng nề không đỡ. Lúc này gia đình mới đưa trẻ đến viện để kiểm tra thì vết thương đã nhiễm khuẩn, hoại tử, lộ gân xương và được chẩn đoán viêm xương ngón I bàn tay trái.

Các bác sĩ đã chỉ định và tiến hành phẫu thuật nạo bỏ tổ chức viêm xương, cắt lọc, tạo vạt che phủ vết thương, giữ được ngón tay bị thương cho bệnh nhi. Sau 7 ngày mổ, sức khỏe của bệnh nhi hồi phục và ổn định.

Các bác sỹ bệnh viện Sản nhi Nghệ An khuyến cáo: việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam chưa được kiểm chứng đối với các vết thương không rõ nguyên nhân (đặc biệt là các vết thương do côn trùng cắn hoặc các u, mụn nhọt,…) có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong những trường hợp này, người nhà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời. (Pháp luật Việt Nam)

 

Giảm thời gian đóng bảo hiểm xuống 15 năm để gia tăng số người hưởng lương hưu

Lần sửa đổi này giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.

Chiều 2/11, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trình tờ trình tóm tắt dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng, lần sửa đổi này đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Cạnh đó, dự thảo Luật bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo.

Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.

Theo ông Dung, dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc và tự nguyện).

Lần sửa đổi này cũng bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước; Người lao động làm việc không trọn thời gian; và trường hợp không giao kết hợp đồng lao động.

Giảm thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm

Đáng lưu ý, lần sửa đổi này cũng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.

Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Theo Bộ trưởng, điều 64 dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục…

“Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành”, ông Dung cho hay.

Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng: giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do NSNN đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng;

Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt... (Tiền Phong)

 

Căn bệnh khiến nhiều người Việt tử vong cao gần gấp đôi ung thư

Mỗi năm, hơn 200.000 người Việt tử vong vì bệnh lý tim mạch, gần gấp đôi bệnh ung thư. Trong khi đó, kiến thức chung để chủ động phòng chống bệnh của đa số người dân còn thiếu, chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ.

Số người Việt tử vong vì tim mạch cao hơn ung thư

Theo báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022, bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Mỗi năm, bệnh lý này cướp đi 19,5 triệu sinh mạng, chiếm khoảng 1/3 tử vong do mọi nguyên nhân.

Việt Nam không nằm ngoài tình trạng này. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong, cao hơn cả số ca tử vong vì ung thư hằng năm (khoảng 115.000 người).

Chia sẻ tại buổi họp báo trước khi diễn ra Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27, do Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức sáng 2/11, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực của hội, đánh giá Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch tương đương các nước trong khu vực và thế giới. Thậm chí trong can thiệp tim bẩm sinh, thầy thuốc Việt Nam được mời đi nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật.

Theo Giáo sư Việt, trước đây, nhiều bệnh nhân tim mạch nước ta phải ra nước ngoài chữa bệnh, nay người dân đã có cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học tiên tiến ngay tại chỗ mà không còn phải ra nước ngoài.

"Tỷ lệ bệnh nhân tim mạch phải ra nước ngoài gần như không có, rất ít", Giáo sư Việt khẳng định.

Lấy ví dụ, trước đây nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao, nhưng đầu tuần qua, Viện Tim mạch Việt Nam trở thành cơ sở đầu tiên ở nước ta điều trị thành công ca bệnh rung nhĩ phức tạp bằng công nghệ rất mới là bóng áp lạnh.

Kỹ thuật này nhằm ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tái phát và vãn hồi chức năng tim bị suy giảm, giúp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt bình thường trở lại.

Vì sao tỷ lệ bệnh nhân mắc và tử vong vì bệnh tim mạch cao?

Lý giải nguyên nhân, vị chuyên gia cho hay kiến thức chung để chủ động phòng chống bệnh tim mạch của đa số người dân còn thiếu, chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì, không chủ động điều chỉnh lối sống (ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện). Việc khám sức khỏe định kỳ cũng chưa được chú ý.

Ngoài ra, khi tuổi thọ bình quân tăng lên, số người cao tuổi tăng lên, các bệnh lý tim mạch (nhất là bệnh lý xơ vữa) cũng tăng lên, đó là thách thức cho ngành Tim mạch Việt Nam. 

Bổ sung ý kiến, GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cho rằng bên cạnh các yếu tố nguy cơ truyền thống, ngày nay đô thị hóa trong xã hội phát triển nhanh, các yếu tố môi trường như bụi, tiếng ồn, stress hay hậu Covid-19 cũng được tính là yếu tố nguy cơ mới xuất hiện ảnh hưởng sức khỏe tim mạch.

Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27 diễn ra từ ngày 2 - 5/11 với chủ đề Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội. Hơn 2.000 đại biểu trong, ngoài nước, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu ASEAN và thế giới, tham dự và báo cáo.

Đại hội có hơn 80 phiên khoa học, dành riêng một chuyên đề về ứng dụng AI, tiềm năng trong tim mạch. Theo Giáo sư Minh, hướng mới mà Hội Tim mạch Việt Nam nhắm đến, đó là phát triển các bảng kiểm đánh giá nguy cơ tim mạch. Bằng cách trả lời các câu hỏi trong chưa đầy 5 phút, người dùng có thể tự đánh giá mức độ nguy cơ tim mạch thấp - trung bình - cao trong 5-10 năm tới, từ đó hướng đến sự tư vấn của các thầy thuốc tim mạch. 

Bên cạnh đó, Giáo sư Minh cho biết các tiến bộ Hội Tim mạch Việt Nam đang nhắm đến trong tương lai là cần trao đổi chuyên gia về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ra sao để xử lý các phương tiện chẩn đoán hình ảnh bệnh lý tim mạch. "Câu hỏi đặt ra là trí tuệ nhân tạo có thay thế được thầy thuốc trong siêu âm tim mạch, đọc kết quả hay không... Ngoài ra, chúng ta cũng có hạn chế trong việc dùng robot, kỹ thuật số", Giáo sư Minh thẳng thắn. (Việt nam net)

 

Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu

 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 2/11, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Bộ trưởng cho biết, theo nguyên lý bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu.

Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

Đồng thời, quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng.

Một chế tài xử lý khác là quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng.

Đồng thời, cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, kinh nghiệm quốc tế cả Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều thống nhất giải pháp để gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội là phải kết hợp hài hòa cả 2 biện pháp.

Đó là quy định mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc và ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bài học của Trung Quốc khi đạt tỷ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% đến từ quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc và 40% đến từ quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt).

Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người. (Nhân dân)

Thanh Loan tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.956
Tháng 11 : 74.798
Năm 2024 : 2.656.300
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.454.814