• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 28/8/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Đã có hơn 68.000 ca mắc tay chân miệng, 6 biện pháp phòng bệnh khi năm học mới đến gần; Sử dụng thuốc nhỏ mắt ở trẻ em đúng cách tại nhà; Căn bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam, 77% số ca xảy ra ở nam giới; Người Việt ăn thiếu rau, nhưng lại thừa muối: Nhiều hệ luỵ sức khoẻ; Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 355 loại thuốc; Suy giảm trí nhớ ở người trẻ ngày càng phổ biến.

Đã có hơn 68.000 ca mắc tay chân miệng, 6 biện pháp phòng bệnh khi năm học mới đến gần

Số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia khuyến cáo năm học mới đến gần nên phụ huynh tuyệt đối không được lơ là chủ quan, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan...

Một tuần ghi nhận hơn 5.700 ca mắc tay chân miệng

Theo thống kê, trong tuần 33/2023 cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc tay, chân, miệng, không ghi nhận ca tử vong. So với tuần trước (6.535/0) số mắc giảm 12,4%. Tích lũy từ đầu năm, cả nước ghi nhận 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (44.724/3) số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp.

Tại TP Hồ Chí Minh, tính từ ngày 14/8- 20/8/2023 (tuần 33), số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm với 1.869 ca bệnh được ghi nhận, trong khi ở tuần 31, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 2.401 ca mắc bệnh tay chân miệng, tuần 30 là 2.665 ca mắc.

Các chuyên gia cho hay, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Ở nước ta bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.

6 biện pháp phòng bệnh tay chân miệng khi năm học mới đến gần

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay đang là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh tay chân miệng.

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Theo ThS Đỗ Thị Thúy Hậu – Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi TW, bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ.

Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng, cha mẹ cần chú ý:

Sốt cao không đáp ứng với điều trị:

Trẻ sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp).

Một số dấu hiệu khác: khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm (Theo Báo Suckhoedoisong.vn).

 

Sử dụng thuốc nhỏ mắt ở trẻ em đúng cách tại nhà

Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc viêm kết mạc cấp, trong đó có từ 10-20 trẻ gặp biến chứng nặng. Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách tại nhà không chỉ giúp trẻ nhanh khỏi các bệnh về mắt mà còn hạn chế được những biến chứng.

Thuốc nhỏ mắt là dạng thuốc lỏng, được pha chế và sản xuất trong điều kiện vô khuẩn. Bên cạnh đó, cũng có một số chế phẩm thuốc nhỏ mắt được bào chế dưới dạng bột vô khuẩn, cần phải được hòa tan với một chất lỏng vô khuẩn thích hợp trước khi dùng.

Thuốc mỡ tra mắt là dạng thuốc mềm, bao gồm những chế phẩm thuốc mỡ dùng cho mắt, được pha chế và sản xuất trong điều kiện vô khuẩn. Tuy nhiên, dạng thuốc này có nhược điểm là làm mờ mắt tạm thời mỗi khi tra thuốc, để khắc phục đặc điểm này, một số dạng thuốc gel tra mắt cũng đã được điều chế và lưu hành trên thị trường.

Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách không chỉ giúp trẻ nhanh khỏi các bệnh về mắt mà còn hạn chế được những biến chứng. Tra thuốc nhỏ mắt đúng cách tại nhà cho trẻ

Theo DS. Đỗ Thùy Anh, Bệnh viện Nhi Trung ương, có 8 bước tra thuốc nhỏ mắt/ mỡ tra mắt cho trẻ gồm:

Với thuốc nhỏ mắt:

- Bước 1: Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước ấm

- Bước 2: Mở nắp lọ thuốc; Đặt nghiêng nắp lọ thuốc lên bề mặt sạch (ví dụ: khăn giấy khô mới). Kiểm tra đầu nhỏ thuốc sạch sẽ, không bị nứt hoặc sứt mẻ.

- Bước 3: Đặt trẻ ngồi hoặc nằm thẳng, ngửa cổ ra sau. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể dùng chăn quấn và bế trẻ để giữ trẻ nằm yên.

- Bước 4: Dùng ngón trỏ, kéo nhẹ phần mí mắt dưới, tạo thành túi kết mạc. Dùng tay còn lại cầm lọ thuốc cách mắt khoảng 1,5 – 2 cm, nhẹ nhàng nhỏ từng giọt vào phần túi kết mạc đã được bộc lộ (không chạm đầu ống thuốc vào mắt)

- Bước 5: Nhẹ nhàng thả tay khỏi phần mí mắt dưới. Dùng ngón tay út ấn giữ nhẹ vào góc trong của mắt (bên cạnh sống mũi) trong vòng 5 – 10 giây

- Bước 6: Giữ cho trẻ nhắm nhẹ mắt trong vòng 5 giây để đảm bảo thuốc được hấp thu, không bị trôi ra ngoài

- Bước 7: Lau nhẹ phần nước mắt trên mặt trẻ bằng khăn giấy sạch

- Bước 8: Rửa sạch lại tay bằng xà phòng và nước ấm

Với thuốc mỡ tra mắt:

- Bước 1: Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước ấm

- Bước 2: Mở nắp tuýp thuốc. Đặt nghiêng nắp tuýp thuốc lên bề mặt sạch (ví dụ: khăn giấy khô mới). Kiểm tra đầu bơm thuốc sạch sẽ, không bị nứt hoặc sứt mẻ

- Bước 3: Đặt trẻ ngồi hoặc nằm thẳng, ngửa cổ ra sau. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể dùng chăn quấn và bế trẻ để giữ trẻ nằm yên

- Bước 4: Dùng ngón trỏ, kéo nhẹ phần mí mắt dưới, tạo thành túi kết mạc. Dùng tay còn lại cầm tuýp thuốc cách mắt khoảng 1,5 – 2 cm. Bóp nhẹ tuýp thuốc để 1 lượng thuốc (kích thước khoảng 1cm hoặc bằng 1 hạt gạo) được trải đều trên bề mặt túi kết mạc đã được bộc lộ (không chạm đầu bơm của tuýp thuốc vào mắt).

- Bước 5: Nhẹ nhàng thả tay khỏi phần mí mắt dưới. Dùng ngón tay út ấn giữ nhẹ vào góc trong của mắt (bên cạnh sống mũi) trong vòng 5 – 10 giây.

- Bước 6: Giữ cho trẻ chớp nhẹ mắt trong vòng 10 giây để phần thuốc mỡ/gel tan và hấp thụ trong mắt, không bị trôi ra ngoài.

- Bước 7: Lau nhẹ phần nước mắt trên mặt trẻ bằng khăn giấy sạch

- Bước 8: Rửa sạch lại tay bằng xà phòng và nước ấm

Lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt cho trẻ em

Cũng theo DS. Đỗ Thùy Anh, khi sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

- Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt với bên mắt cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

- Đảm bảo đầu nhỏ giọt/bơm thuốc luôn sạch sẽ. Có thể dùng khăn giấy khô mới, sạch, lau nhẹ đầu nhỏ giọt/bơm thuốc sau mỗi lần sử dụng

- Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh: Giữ nguyên đầu của trẻ, nhỏ/bơm thuốc vào góc trong của mắt để đảm bảo thuốc vẫn vào được trong mắt ngay cả khi mắt trẻ nhắm lại do sợ dùng thuốc hoặc sau mỗi lần dùng thuốc. Có thể dùng ngón trỏ kéo nhẹ phần mí mắt dưới của trẻ để thuốc vào được bên trong mắt.

- Trường hợp thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt bị nhỏ/bơm trượt dẫn đến thuốc chưa vào được trong mắt, có thể lặp lại quá trình nhỏ/bơm thuốc, tuy nhiên không được lặp lại quá 2 lần.

- Nếu cần nhỏ/bơm nhiều hơn 1 giọt/lượng thuốc vào mỗi mắt, cần đợi ít nhất từ 5 – 10 giây trước lượt nhỏ/bơm thuốc tiếp theo.

- Trường hợp cần dùng nhiều loại thuốc nhỏ mắt/mỡ tra mắt/gel tra mắt với một bên mắt thì luôn sử dụng các thuốc mỡ/gel tra mắt cuối cùng và các loại thuốc được sử dụng cách nhau ít nhất từ 3-5 phút. (Theo Báo Suckhoedoisong.vn)

 

Căn bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam, 77% số ca xảy ra ở nam giới

Ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi là bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.500 ca, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư, trong đó, 77% số ca ung thư gan là nam giới...

Ung thư gan có số ca tử vong dẫn đầu, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư

Tại chương trình "Hiểu đúng về bệnh ung thư gan" do Bệnh viện K tổ chức, các bác sĩ cho biết, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi là bệnh đứng đầu ở Việt Nam với số ca mắc mỗi năm gần 26.500 ca, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư (theo Globocan - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế), trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).

Trong đó, 77% số ca ung thư gan là nam giới. Ung thư gan cũng là loại ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư. 

ThS.BSCK II Lại Phú Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Khám bệnh Tân Triều, Bệnh viện K cho hay các triệu chứng điển hình của ung thư gan thường không điển hình và dễ bị bỏ qua, vì vậy đa phần người bệnh tới khám , phát hiện bệnh và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc chữa trị và gây tốn kém về kinh phí điều trị.

Do đó các chuyên gia khuyến cáo cần quan tâm đến vấn đề tầm soát sớm, từ đó phát hiện và điều trị sớm. Đã có những bệnh nhân ung thư gan tại Bệnh viện K do phát hiện sớm, điều trị kip thời nên chất lượng sống tăng, có bệnh nhân đã kéo dài cuộc sống thêm cả chục năm...

Các nhóm đối tượng nguy cơ rất cần được sàng lọc sớm các bệnh về gan nói chung, và bệnh ung thư gan nói riêng

Theo BS Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 – Bệnh viện K, những đối tượng có nguy cơ cao cần tầm soát ung thư gan bao gồm:

Những người mắc bệnh về gan và người có tiền sử gia đình mắc ung thư gan  

Những người mắc bệnh viêm gan virus B, C, xơ gan, gan nhiễm mỡ, …hoặc trong gia đình có người mắc ung thư gan rất cần được tầm soát. Đặc biệt, nếu không may mắc viêm gan B,C thể hoạt động thì cần điều trị sớm sẽ tránh nguy cơ biến chứng thành ung thư gan. Bởi virus viêm gan B và viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tế bào gan nguyên phát.

Các bệnh viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác: như đái tháo đường typ 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,.... thì cần điều trị các bệnh tự miễn để tránh biến chứng sang gan về sau.

Với người chưa tiêm vaccine phòng virus viêm gan B thì nên tiêm phòng sớm nhất để tránh nguy cơ nhiễm bệnh về sau.

Những người béo phì, tiểu đường và uống nhiều đồ uống có cồn cũng cần tầm soát ung thư gan

Trong vài năm gần đây, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường, béo phì kèm theo ung thư gan trên thế giới đã gia tăng đáng kể. Đường máu và mỡ máu cao, sẽ được tích tụ tại gan, dẫn đến tổn thương thoái hoá các tế bào gan và dẫn tới xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Chuyên gia của Bệnh viện K cũng cho biết, rượu bia có khả năng thúc đẩy gen sinh ung thư phát triển nhanh, dẫn đến ung thư sớm. Ngoài ra, rượu còn gây tổn thương các tế bào gan đó là khi uống quá nhiều rượu, chức năng thải độc của gan sẽ bị quá tải, các tế bào gan bị tổn thương trầm trọng, hình thành nên các mô sẹo,xơ, từ đó hình thành các bè gan xơ và ung thư gan.

Ngoài ra những người hay sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, café nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, trong thời gian dài có thể gây nên các bệnh về gan, trong đó có ung thư gan.

Những người ăn thực phẩm nấm mốc

AFLATOXIN trong nấm mốc là loại độc tố gây ung thư gan mạnh nhất hiện nay. Aflatoxin gây ung thư gan bằng cách gây đột biến ở gen p53. Nấm mốc thường xuất hiện ở những thực phẩm bảo quản, lưu trữ trong môi trường nóng, ẩm như gạo, lạc, đậu tương, lúa mì, ngô…

Những người hay ăn thịt tươi sống nhiễm sán

Thực phẩm tươi sống không được chế biến kỹ càng (như ăn gỏi) thường chứa nhiều loại sán (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ…), trong đó có những loại sán khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy gan, gây ung thư gan.

Người lạm dụng thuốc, hoá chất gây tổn thương gan  

Một số thuốc, hóa chất nếu sử dụng hay tiếp xúc trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho gan và dẫn tới ung thư gan như: thorotrast (trước đây được sử dụng cho chẩn đoán hình ảnh), vinyl chloride (sử dụng trong công nghiệp nhựa)…

Theo các bác sỹ Bệnh viện K, điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức, do vậy việc lựa chọn phác đồ điều trị ung thư gan thích hợp phải phụ thuộc vào tổn thương và tình trạng xơ của gan. Các phương pháp điều trị ung thư gan phổ biến bao gồm: phẫu thuật, ghép gan, phá hủy u tại chỗ, nút hóa chất động mạch gan, xạ trị, hóa trị hay điều trị nhắm trúng đích...

Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam.

Cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C... (Theo Báo Suckhoedoisong.vn)

 

Người Việt ăn thiếu rau, nhưng lại thừa muối: Nhiều hệ luỵ sức khoẻ

Theo Bộ Y tế, có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.

Trung bình một người trưởng thành ở nước ta tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày, cao hơn khuyến cáo của WHO

Theo Bộ Y tế, khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị là mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất (tương đương với 400g) mỗi ngày

Tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%. Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.

Những thông tin trên có trong Kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện được Bộ Y tế đưa tại Tờ Trình đề nghị xây dựng Đề án Luật Phòng bệnh gửi Chính phủ.

Theo các chuyên gia, khác với các nước khác chủ yếu do người dân sử dụng thực phẩm chế biến sẵn thì ở Việt Nam việc ăn thừa muối đa số là do thói quen cho muối, gia vị vào thực phẩm khi chế biến, nấu ăn và khi chấm, trộn muối, gia vị trong bữa ăn.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm: Cũng cần làm rõ khi nói từ muối hay ăn thừa muối ở đây thì được hiểu là để chỉ tất cả các loại gia vị, thực phẩm chứa nhiều natri chứ không chỉ riêng với muối ăn, ví dụ như bột canh, nước mắm, nước chấm, dưa, cà, thịt kho, thực phẩm đóng gói sẵn có nhiều muối…

Những tác hại của ăn thừa muối với sức khỏe

TS Trần Quốc Bảo- Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho hay, mặc dù muối rất cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại gây tác hại cho sức khỏe. Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.

Ngoài ra ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây nhiều rối loạn cho sức khỏe.

Các chuyên gia của Bệnh viện K cho biết thêm sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối, ăn mặn kéo dài là thói quen không tốt cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là yếu tố nguy cơ chính, do loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP này.

Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn HP có khả năng bị ung thư cao hơn. Muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.

Cùng đó, thói quen ăn mặn sẽ làm lượng muối Natri tích tụ theo thời gian, vượt khỏi khả năng loại bỏ của thận. Natri tích tụ, kéo theo hiện tượng giữ nước trong máu để pha loãng natri. Từ đó làm tăng lượng nước trong tế bào và tế bào cơ trơn của thành mạch lúc này đã có nhiều ion natri di chuyển vào khiến mạch bị co lại.

Tăng thể tích máu nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn. Theo thời gian áp lực máu trên thành mạch tăng sẽ dẫn đến cao huyết áp, đau tim, đột quỵ. Tình trạng này kéo dài dẫn đến suy tim.

Ăn mặn trong thời gian dài còn gây ức chế hấp thu và sử dụng canxi của cơ thể, dẫn đến sự mất mát khối lượng xương gây loãng xương. Phụ nữ sau khi mãn kinh, bệnh nhân tiểu đường và người già có nguy cơ cao của bệnh loãng xương, thậm chí người khỏe mạnh ăn mặn trong thời gian dài cũng nằm trong nhóm nguy cơ.

Ăn nhiều muối khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu, về lâu dài ảnh hưởng đến chức năng thận. Muối cũng là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - nguy cơ chính gây ung thư dạ dày.

Chế độ ăn nhiều muối tích tụ lâu tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt, bệnh cao huyết áp đang dần xuất hiện nhiều ở người dưới 40 tuổi. Khi còn trẻ, cơ thể khỏe mạnh nên nhiều người không nhận thức tác hại của ăn mặn. Cần nâng cao ý thức và thực hiện ăn giảm mặn sớm để bảo vệ sức khỏe cho hiện tại và tương lai.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 gam muối/người/ngày để bảo vệ sức khỏe.

Các chuyên gia của Bệnh viện K cũng khuyến cáo, mỗi người nên bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách giảm lượng muối trong các bữa ăn:

Hạn chế tối đa các thực phẩm có chứa nhiều muối (NaCl) và các gia vị/phụ gia có gốc Na như thịt nguội, mì gói, bánh snack (bim bim), các loại sốt chế biến sẵn, phô mai, cá khô, các loại đậu hạt rang muối. ....

Giảm lượng muối và gia vị nêm nếm trong mỗi bữa ăn.

Tập thói quen không chấm thêm bất kỳ loại nước chấm gì trong bữa ăn.

Thay thế nước chấm thông thường bằng loại giảm muối.

Mục tiêu mà Việt Nam đặt ra là đến năm 2025 sẽ giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày.

Từ năm 2018 Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác. Kế hoạch là cơ sở để các đơn vị, các địa phương tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch truyền thông giảm tiêu thụ muối. (Theo Báo Suckhoedoisong.vn)

 

 

Bộ Y tế cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 355 loại thuốc

Cục trưởng Cục Quản lý Dược vừa có 4 quyết định công bố gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài. Theo đó có 355 loại thuốc được gia hạn, cấp mới giấy đăng ký lưu hành, trong số này có loại được cấp mới, gia hạn 3 năm, có loại được 5 năm tuỳ theo từng điều kiện cụ thể.

Các thuốc được gia hạn cấp mới lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý bao gồm các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác...

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốctheo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc.

Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Cùng đó, thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thông tư số 03/2020/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Thực hiện, phối hợp với cơ sở nhập khẩu thực hiện theo đúng quy định tại Công văn số 5853/QLD-CL ngày 19/4/2019 của Cục Quản lý Dược về việc kiểm tra chất lượng nguyên liệu làm thuốc nhóm sartan đối với các thuốc thuộc danh mục tại Điều 1 ban hành kèm theo Quyết định này có chứa dược chất thuộc nhóm sartan.

Cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày ký ban hành Quyết định này, theo hình thức thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phối hợp với các cơ sở điều trị để thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định...

Cơ sở đăng ký thuốc phải bảo đảm duy trì điều kiện hoạt động trong thời gian hiệu lực của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong trường hợp không còn đáp ứng đủ điều kiện hoạt động, cơ sở đăng ký phải có trách nhiệm thực hiện thay đổi cơ sở đăng ký theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BYT trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ sở đăng ký không còn đủ điều kiện hoạt động.

Theo Bộ Y tế, hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. (Theo báo Nhandan.vn)

 

Suy giảm trí nhớ ở người trẻ ngày càng phổ biến

Nhắc đến suy giảm trí nhớ, nhiều người thường sẽ nghĩ đến những người già. Tuy nhiên, do cuộc sống và sinh hoạt hiện nay cũng làm cho não bị ảnh hưởng nên không ít người trẻ lúc nhớ, lúc quên.

Chị H.T.T (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) sau khi sinh con thứ 2 được một thời gian, những lần chị quên đồ, quên tắt bếp, quên chìa khoá xe… tần suất ngày càng tăng. Ban đầu, chị chỉ nghĩ đây là những biểu hiện sau sinh, một thời gian sau sẽ hết. Nhưng tình hình ngày càng không ổn nên chị quyết định đi gặp bác sĩ để được theo dõi và chẩn đoán.

Ngoài chị T., chị N.T.P (28 tuổi, ngụ tại Quận Phú Nhuận) cũng chung cảnh lúc nhớ, lúc quên. Theo chị P., có nhiều áp lực công việc và mối quan hệ xung quanh khiến chị luôn trong trạng thái mơ hồ khi cố gắng nghĩ về một người hay một việc nào đó. Có nhiều thời điểm, chị P. làm việc nhưng quên chi tiết công việc liên tục. "Thậm chí, đến bản thân mình còn nghi ngờ việc mình mới hoàn thành, chuyện này khiến tôi phiền lòng", chị P. chia sẻ.

BS.CKII Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, trung bình mỗi tháng, khoảng 50-100 người đến bệnh viện này khám các vấn đề liên quan đến trí nhớ. Trong đó, người trẻ tuổi chiếm khoảng 1/3.

Theo bác sĩ Nga, hiện tỉ lệ người dưới 30 tuổi bị suy giảm trí nhớ lên đến 14%, tuổi trung niên (40-50 tuổi) chiếm 22% trong tổng số người đến khám bệnh. Trong khi đó, người cao tuổi chiếm khoảng 26%.

Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ thường liên quan đến các yếu tố như căng thẳng, áp lực công việc, phải làm nhiều việc cùng lúc, rối loạn giấc ngủ, lạm dụng rượu bia, sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, bóng cười... Suy giảm trí nhớ còn là biểu hiện của một số chứng tâm lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu... Một số bệnh lý khác cũng gây giảm trí nhớ như suy tuyến giáp, thiếu máu, u não, máu tụ mạn tính trong não.

Biểu hiện của suy giảm trí nhớ là kém tập trung, lơ đãng trong công việc, tâm lý, cảm xúc không ổn định. Điều đáng báo động là những người này lại luôn không thừa nhận mình mắc chứng suy giảm trí nhớ.

Cũng theo các chuyên gia, bộ não ở người trưởng thành có khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh (còn gọi là nơron thần kinh). Các tế bào này có nhiệm vụ ghi nhớ và xử lý thông tin một cách nhanh chóng. Tế bào thần kinh trong não sẽ suy giảm dần khi chúng ta bước sang tuổi 20 và từ tuổi 25 trở đi, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào biến mất.

Khi não bộ mất quá nhiều tế bào thần kinh sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trí nhớ ở người già. Bên cạnh đó, một số yếu tố khiến trí nhớ suy giảm như: lạm dụng thuốc lá, bia rượu; dùng nhiều chất béo xấu (thức ăn nhanh); không bảo đảm chất lượng giấc ngủ, thiếu ngủ; lười vận động.

Thực tế, không phải tất cả nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ đều có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, tế bào não sẽ được bảo vệ, duy trì hoạt động tối ưu nếu chúng ta sớm thực hiện các phương pháp tốt cho não, từ đó góp phần hạn chế nguy cơ mất nhận thức ở tuổi già. (Theo báo Laodong.vn).

                                                                                   Huy Hoàng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.061
Tháng 05 : 123.889
Năm 2024 : 843.188
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.641.702