Bài phát thanh về các biện pháp tránh thai hiện đại
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình là một trong những giải pháp quan trọng trong mục tiêu xây dựng “Đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”. Để thực hiện kế hoạch hóa gia đình, một trong những biện pháp hỗ trợ quan trọng đó là áp dụng các biện pháp tránh thai. Dưới đây là các biện pháp tránh thai hiện đại hiện đang được triển khai thực hiện, nêu rõ ưu điểm, nhược điểm của từng biện pháp để các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có thể lựa chọn một hình thức tránh thai phù hợp cho mình.
1. Dụng cụ tử cung (còn gọi là vòng tránh thai): Ưu điểm là hiệu quả tránh thai rất cao; khả năng mang thai trở lại sớm khi tháo ra; tác dụng kéo dài 7-10 năm. Nhược điểm là không phù hợp với người chưa sinh lần nào; đặt vào, tháo ra phải được thực hiện tại cơ sở y tế; không giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
2. Bao cao su: Ưu điểm là không có tác dụng phụ; là biện pháp giúp phòng tránh thai đồng thời phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS. Nhược điểm là mỗi bao cao su chỉ dùng được một lần khi giao hợp; có thể rách, vỡ bao khi giao hợp (tuy nhiên cũng rất hiếm gặp).
3. Triệt sản (hay còn gọi là đình sản): Ưu điểm là hiệu quả tránh thai rất cao, phù hợp với người thực sự không muốn có thêm con; không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính tình và sinh hoạt vợ chồng; triệt sản nữ còn được chỉ định áp dụng cho những phụ nữ có nguy cơ cao về sức khoẻ khi mang thai. Nhược điểm là cần cân nhắc kĩ vì đây là biện pháp thôi sinh đẻ vĩnh viễn.
4. Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai có 3 loại là thuốc uống, thuốc tiêm và thuốc cấy. Trong thuốc uống cũng có 3 loại: Loại viên uống tránh thai kết hợp: Ưu điểm là hiệu quả tránh thai cao, khả năng mang thai trở lại sớm sau khi ngừng uống thuốc; giảm đau bụng kinh và giảm mất máu khi hành kinh. Nhược điểm là giảm bài tiết sữa; không giúp phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục. Loại viên uống tránh thai đơn thuần (dùng cho người đang cho con bú): Ưu điểm là hiệu quả tránh thai cao, khả năng mang thai trở lại sớm sau khi ngừng uống thuốc; không làm giảm bài tiết sữa; bảo vệ chống lại ung thư nội mạc tử cung và viêm phần phụ. Nhược điểm là có thể gây ra máu bất thường; không giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Viên uống tránh thai khẩn cấp: Là một biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả nếu được sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi giao hợp không được bảo vệ lần đầu. Tuy nhiên nó không được khuyên dùng như là một biện pháp tránh thai thông dụng vì hàm lượng nội tiết tố cao và những tác dụng phụ. Thuốc tiêm tránh thai: Ưu điểm là hiệu quả cao (tiêm một mũi có tác dụng tránh thai 3 tháng); không làm giảm bài tiết sữa; bảo vệ chống lại ung thư niêm mạc tử cung, buồng trứng. Nhược điểm là cần thực hiện tại cơ sở y tế; khả năng mang thai trở lại chậm (6-10 tháng sau khi hết tác dụng của mũi tiêm cuối cùng); không giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
5. Nang cấy tránh thai: Cấy vào dưới da - mặt trong của cánh tay. Ưu điểm là hiệu quả tránh thai cao; không làm giảm bài tiết sữa; tác dụng kéo dài trong 3 năm. Nhược điểm là cấy vào, lấy ra phải được thực hiện bởi người có chuyên môn, tại cơ sở y tế; khả năng mang thai trở lại chậm (6-10 tháng sau khi lấy nang cấy ra); không giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Trung tâm TT-GDSK