Tăng cường công tác an toàn trong tiêm chủng
Thời gian vừa qua, một số cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về việc 04 trẻ nhỏ ở Thanh Hóa được tiêm vắc xin Hexaxim dịch vụ đã hết hạn sử dụng và phải nhập viện để theo dõi, điều trị phần nào đã gây tâm lý hoang mang, lo ngại ở người dân. Để duy trì thành quả của tiêm chủng mở rộng (TCMR) và đảm bảo công tác an toàn trong tiêm chủng theo quy định; Sở Y tế Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã; Các bệnh viện đa khoa trong tỉnh tăng cường công tác an toàn trong tiêm chủng.
Theo đó Sở Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn lập kế hoạch tiêm chủng, cụ thể về thời gian, đối tượng, địa điểm, các loại vắc xin tiêm chủng và có kế hoạch đáp ứng xử trí, cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin. Tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin và vật tư tiêm chủng đúng quy định. Đảm bảo dây chuyền lạnh để tiếp nhận, bảo quản và sử dụng vắc xin trong buổi tiêm chủng. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư tiêm chủng (bông, cồn, phích vắc xin, nhiệt kế, hộp chống sốc, panh, khay, các biểu mẫu thực hiện trong quá trình tiêm chủng theo quy định).
Tổ chức buổi tiêm chủng không quá 50 đối tượng/1 điểm tiêm chủng/1 buổi tiêm chủng. Trong trường hợp điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vắc xin trong một buổi thì số lượng không quá 100 đối tượng/buổi. Bố trí điểm tiêm chủng bảo đảm nguyên tắc một chiều, đủ nhân viên y tế để thực hiện khám sàng lọc. Thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng theo quy định. Thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước khi tiêm chủng để phân nhóm đối tượng tiêm chủng; kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng. Cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng. Thực hiện tiêm vắc xin cho trẻ theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng và lịch tiêm theo quy định. Liều lượng, đường dùng của từng loại vắc xin phải tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn hoặc tờ hướng dẫn sử dụng vắc xin kèm theo. Chuẩn bị hộp chống sốc theo quy định. Thực hiện theo dõi đối tượng tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng. Hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng: Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường để xử lý kịp thời khi cần thiết.
Khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng thì phải dừng ngay buổi tiêm chủng và xử trí cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân tai biến nặng sau tiêm chủng; trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.
Các cơ sở, điểm tiêm chủng cũng phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết. Thực hiện theo dõi, giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng thường xuyên, liên tục trong quá trình tiêm chủng.
Các Bệnh viện đa khoa/TTYT có giường bệnh chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tiêm cho trẻ được chỉ định tiêm tại đơn vị. Củng cố/kiện toàn đội cấp cứu nội viện và ngoại viện, đảm bảo ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động phụ trách 3 - 4 điểm tiêm chủng; kích hoạt hệ thống báo động đỏ, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xẩy ra trong tiêm chủng. Trong thời gian triển khai tiêm chủng phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định để sẵn sàng xử trí trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã là đầu mối triển khai thực hiện tiêm vắc xin trong Chương trình TCMR cho trẻ em trên địa bàn. Tăng cường giám sát các cơ sở tiêm chủng (bao gồm các cơ sở tiêm chủng dịch vụ). Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân hiểu biết về lợi ích của việc tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, các tác dụng phụ có thể gặp và cách theo dõi sau tiêm cho trẻ…
Thu Hòa