• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phẫu thuật trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler cho gần 600 bệnh nhân

Sau khi áp dụng kỹ thuật phẫu thuật trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler (từ năm 2014), đến nay Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đã phẫu thuật thành công cho gần 600 bệnh nhân. Đây là kỹ thuật mới đến nay mới chỉ áp dụng tại 6 Bệnh viện trên toàn quốc, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh áp dụng kỹ thuật này - Bác sĩ Phan Việt Song, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh thông tin.

Sau khi áp dụng kỹ thuật phẫu thuật trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler (từ năm 2014), đến nay Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đã phẫu thuật thành công cho gần 600 bệnh nhân. Đây là kỹ thuật mới đến nay mới chỉ áp dụng tại 6 Bệnh viện trên toàn quốc, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh áp dụng kỹ thuật này - Bác sĩ Phan Việt Song, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh thông tin.

Các bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền thực hiện ca phẫu thuật trĩ cho bệnh nhân

Bệnh trĩ là bệnh lý thường gặp và đứng hàng đầu trong các bệnh lý của vùng hậu môn - trực tràng. Tổn thương tuy nhỏ và tại chỗ nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống tinh thần, khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều trị ngoại khoa bệnh trĩ cho đến nay đã có rất nhiều kỹ thuật được áp dụng, từ đơn giản như: thắt trĩ, các phương pháp Milligan-Morgan, Parks, Ferguson... đến ứng dụng phẫu thuật bằng dao điện, Lazer, Plasma, siêu âm, nitơ lỏng, điện cao tần, thắt trĩ bằng máy nội soi, phẫu thuật Longo... Tuy nhiên, các phương pháp này đều phẩu tích vùng da niêm mạc quanh ống hậu môn, hoặc cắt bỏ lớp niêm mạc quanh ống hậu môn vì thế vết mổ rất đau, lâu lành, rỉ dịch và dễ chảy máu gây phiền toái cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phan Việt Song cho hay: "Được sự giúp đỡ của UBND tỉnh hỗ trợ hệ thống máy trên 400 triệu, Bệnh viện đã cử cán bộ đi học tập đào tạo "cầm tay chỉ việc" tại tuyến Trung ương. Đây là phương pháp vừa kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Nguyên lý của phẫu thuật này là các động mạch trĩ chính được xác định bởi chùm siêu âm doppler và được khâu thắt lại, do đó thể tích máu tới búi trĩ giảm và sự cân bằng giữa thể tích máu đến và đi ở các đệm trĩ được lập lại, làm cho các búi trĩ tự thu nhỏ lại, cùng với sự co nhỏ lại của các búi trĩ là sự phục hồi tổ chức liên kết của đệm trĩ. Đối với các búi trĩ có kèm sa trượt niêm mạc trực tràng, phần sa trượt sẽ được nâng và cố định vào lớp sâu của cơ thắt trong, do đó các búi trĩ  được thu nhỏ và trở về vị trí bình thường. Do hoàn toàn không cắt tổ chức, bảo tồn được đệm hậu môn, nên bệnh nhân sau phẫu thuật ít đau; ít biến chứng; ít xâm lấn; không để lại sẹo hậu môn; thời gian nằm viện ngắn, trung bình 24h, có một số bệnh nhân nằm viện lâu hơn là do họ có mang trong mình một số bệnh khác nên phải ở lâu hơn để theo dõi; thời gian phẫu thuật nhanh khoảng 30 đến 40 phút; thời gian trở lại làm việc bình thường sớm hơn, thường sau 2 ngày phẫu thuật".

Bác sĩ Phan Việt Song tư vấn cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật

Bệnh nhân Trần Chất, 65 tuổi, ở xã Song Lộc, Can Lộc chia sẽ: "Ông bị bệnh trĩ 3 năm rồi, ban đầu mới chỉ khó đi ngoài, thỉnh thoảng ra máu khi đi ngoài. Nhưng về sau bệnh lại nặng hơn, liên tục đi ngoài ra máu, mỗi lần đi ngoài phải mất gần 1h, thậm chí trĩ bị trồi ra ngoài, phải lấy tay đẩy vào. Thường xuyên khó chịu, bất rất, không làm được việc nặng. Gia đình khuyên đi Bệnh viện Trung ương phẫu thuật, nhưng do ngại đi xa nên cứ chần chừ mãi. Sau khi được biết Bệnh viện Y học cổ truyền áp dụng mổ trĩ bằng phương pháp mới hiệu quả, ông đã đến đây phẫu thuật. Sau phẫu thuật 1 ngày ông được ra viện, về nhà lao động bình thường, đến nay cũng đã mổ được gần 1 năm rồi. Ông thấy rất hiệu quả. Con trai ông cũng bị, nên lần này ông đem con trai vào bệnh viện để mổ bằng phương pháp này".

Còn bác Lê Thanh Chương, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, người nhà của bệnh nhân Lê Anh Ngọc chia sẽ: "Anh Ngọc bị bệnh Trĩ gần 5 năm, đi ngoài ra máu, lòi trĩ ra ngoài, phải dùng tay đẩy mới vào, thường xuyên đau bụng, sụt cân. Được mọi người giới thiệu, bác đã đem con đến đây điều trị. Sau phẫu thuật bằng phương pháp mới này, bác thấy rất tốt, con trai bác không kêu đau, đi lại, sinh hoạt, ăn uống bình thường, bác sĩ bảo một ngày sẽ được xuất viện".

Bác sĩ Song cho biết thêm: hầu hết bệnh nhân khi đến viện bệnh đã nặng, đại tiện ra máu tươi, có khối sa ra ngoài hậu môn, đau, phải dùng tay đẩy mới lên được, do đó gây mất máu mãn tính. Đặc biệt, có đến 30% bệnh nhân vào viện khi bệnh đã có biến chứng tắc mạch, viêm loét, hoại tử. Do vậy, để phòng tránh bệnh trĩ, bác sĩ khuyên mọi người cần ăn  thực phẩm nhiều chất xơ như: rau, hoa quả, uống nhiều nước, thường xuyên vận động tập thể dục, tập thói quen đi ngoài vào một thời điểm buổi sáng mỗi khi thức dậy, không nên nhịn đi cầu sẽ gây táo bón, tránh ngồi lâu, tránh đứng lâu, hạn chế chất kích thích như rượu, bia, chất cay nóng. Ngoài ra, khi thấy có các biểu hiện bất thường như: đi ngoài khó, chảy máu, hoặc có khối sa ra ngoài hậu môn, cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên xấu hổ mà để tình trạng bệnh nặng thêm…. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, bác sỹ sẽ lựa chọn hướng điều trị phù hợp, có thể uống thuốc hay can thiệp bằng phẫu thuật để điều trị bệnh và tránh các biến chứng, loại trừ các bệnh lý ác tính ở vùng hậu môn trực tràng.

Theo khảo sát của Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh trĩ tại Việt Nam ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 55% dân số Việt Nam. Số người mắc bệnh ở độ tuổi 40 trở lên chiếm khoảng 60 đến 70%. Tỷ lệ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam (chiếm 61%). Bệnh tập trung ở thành phố công nghiệp và liên quan đến công việc. Những nghề nghiệp có tỷ lệ mắc trĩ cao nhất là nông dân, công chức hành chính, công nhân và học sinh, sinh viên. Khoảng 2/3 số bệnh nhân trĩ không được điều trị.

Thanh Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.239
Tháng 07 : 28.811
Năm 2024 : 1.168.118
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.966.632