• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Người cán bộ tận tụy trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

 “Tôi xem anh ấy như người anh trai ruột thịt của mình, nhờ anh ấy mà tôi đã thoát được sự tự kỳ thị với bản thân khi mang trong mình vi rút HIV. Tôi đã được tư vấn cách điều trị, uống thuốc ARV, cách phòng tránh cho người thân trong gia đình, cộng đồng và có được sức khỏe, gia đình hạnh phúc như hôm nay…” Đó là tâm sự của bệnh nhân Trần Thị L. xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) khi nói về cử nhân y tế dự phòng Hồ Văn Thọ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh và phòng chống HIV, Trung tâm Y tế dự phòng Nghi Xuân.

Gắn bó với chương trình phòng chống HIV/AIDS của huyện từ năm 2008, cử nhân Hồ Văn Thọ đã luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Anh chia sẻ: “12 năm phụ trách chương trình HIV/AIDS, bao lần gặp gỡ, tư vấn bệnh nhân HIV là bấy nhiêu hoàn cảnh khác nhau. Khi mới nhận nhiệm vụ tôi cũng e rè, lo lắng. Nhưng đến khi đi tuyên truyền, gần gũi, tiếp xúc, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân, tôi thấy HIV cũng như các căn bệnh khác. Chỉ khác là đa phần bệnh nhân HIV tự kỳ thị với bản thân, họ cũng bị cộng đồng xa lánh. Từ những lý do đó, họ sống khép mình, sợ lộ thân phận dẫn đến không được điều trị kịp thời, nhiều người bệnh nặng và tử vong do không điều trị ARV”.

Hồ Văn Thọ tư vấn bệnh nhân điều trị Methadone

 

“Qua nhiều đợt xuống các gia đình tiếp xúc, tư vấn tôi gặp rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhi HIV thương tâm lắm, có cháu bố mẹ đã mất, cháu bị nhiễm HIV ở với ông bà. Do kinh tế khó khăn, không có tiền đi khám, tôi đã phải động viên, tư vấn đồng thời mua sữa và vận động quyên góp hỗ trợ cháu tiền đi khám bệnh. Hiện, cháu đã được uống ARV, sức khỏe ổn định. Có những gia đình, cả bố, mẹ đều có HIV, dù biết tình trạng của mình nhưng không đi điều trị và có thai mà không chịu uống thuốc ARV. Tôi phải kiên trì tư vấn, họ mới đi khám. Nhờ được uống thuốc ARV và tuân thủ điều trị, giờ cả 2 người con sinh ra đều âm tính với HIV. Có những bệnh nhân vừa sử dụng ma túy vừa có HIV, lúc ốm đau không ai thăm hỏi, tôi cũng phải động viên, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ cách tự chăm sóc bản thân, dần dần bệnh nhân hiểu ra và tự đăng ký điều trị ARV, điều trị Methadone, do đó sức khỏe tiến triển rất tốt”, anh Hồ Văn Thọ chia sẻ thêm.

Ngoài phụ trách chương trình phòng chống HIV/AIDS, cử nhân Hồ Văn Thọ còn được lãnh đạo đơn vị giao phụ trách cơ sở cấp phát thuốc, tư vấn điều trị Methadone. Nhiệm vụ này cũng vất vả không kém so với công tác phòng chống HIV/AIDS. Trước hết phải chịu khó vất vả, thường xuyên bám sát sở cơ, nắm bắt rõ thông tin từng trường hợp, nếu phát hiện có ý kiến trái chiều trong việc kê đơn thuốc, liều thuốc lúc đó cần phải kịp thời tuyên truyền vận động, tư vấn, qua đó để các trường hợp không bỏ trị giữa chừng. Anh cho biết, vất vả nhất là các trường hợp ốm đau, tai nạn..Nhưng người thân đi vắng, cơ sở phải cử cán bộ chia nhau đưa thuốc hàng ngày cho bệnh nhân. Nhớ nhất có trường hợp bị tại nạn nằm điều trị ở bệnh viện 115 thành phố Vinh – Nghệ An. Theo quy định là cán bộ trung tâm chỉ chuyển thuốc trong huyện, thế nhưng do bệnh nhân đã uống thuốc điều trị từ lâu, tuân thủ quy trình điều trị tốt và sự mong muốn của gia đình nên bản thân đã phải chuyển thuốc qua bệnh viện 115 cho bệnh nhân suốt 01 tuần tròn, sau khi xuất viện bệnh nhân tiếp tục uống thuốc đều đặn, sức khỏe tốt. Nhờ làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền nên cơ sở duy trì được 38 bệnh nhân đến uống thuốc đều đặn từ nhiều năm nay, tất cả các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định, có việc làm, phát triển kinh tế gia đình.

Hồ Văn Thọ đã chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ lồng ghép tuyên truyền phòng chống ma túy mại dâm, HIV

 

Bác sỹ Ngô Văn Hiến, Trưởng phòng Y tế, kiêm Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghi Xuân cho biết: Những năm trước, Nghi Xuân là địa bàn trọng điểm, phức tạp trong công tác phòng chống HIV/AIDS và là một trong những huyện có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh Hà Tĩnh. Công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện vô cùng khó khăn do sát với thành phố Vinh - Nghệ An, có khu du lịch bãi tắm Xuân Thành với số lượng lớn người di cư biến động, nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm, nguyên nhân chính làm gia tăng số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Toàn huyện có 153 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, có hơn 200 trường hợp nghiện ma túy, trong đó 71 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, công tác nắm bắt thông thông tin, tuyên truyền vận động uống thuốc điều trị của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nghi Xuân, trong đó có sự tận tâm, bám sát cở sở, với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền của cử nhân Hồ Văn Thọ, nên số bệnh nhân mới nhiễm HIV giảm đáng kể, toàn huyện đã 5 năm liền duy trì 38 bệnh nhân uống thuốc methadon, điều trị đều đặn, sức khỏe tốt”.

Nhận xét về người cán bộ gương mẫu của mình, Bs. Ngô Văn Hiến cho biết thêm: trong công việc anh Hồ Văn Thọ luôn nghiêm túc, tận tụy,  giúp đỡ đồng nghiệp, đối với bệnh nhân, anh rất cởi mở, gần gũi, được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ. Dù ở vị trí nào, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng cho tất cả mọi cán bộ viên chức trong đơn vị học tập./.

Nhật Thắng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.785
Tháng 01 : 75.834
Năm 2025 : 75.834
Năm trước : 3.028.770
Tổng số : 11.903.118