Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Bắt đầu từ ý thức của người dân
Theo nhận định của ngành y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay diễn ra sớm hơn và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu không sớm có những biện pháp chủ động phòng, chống kịp thời. Để phòng dịch bệnh SXH có hiệu quả, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế cần có ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh
Theo thông tin mới nhất, từ đầu năm 2020, đã có 58 tỉnh, thành phố đã ghi nhận các trường hợp mắc SXH. Trong tháng 5, Hà Nội ghi nhận 137 ca SXH ở nhiều quận, huyện. Còn TP Hồ Chí Minh từ tháng 3 đến nay ghi nhận hàng chục ổ dịch SXH. Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài là các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh SXH có điều kiện phát triển. Vì thế, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, bệnh SXH sẽ gia tăng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, môi trường sống ô nhiễm, ý thức của một bộ phận người dân về phòng chống SXH chưa cao, chưa chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy ngay trong hộ gia đình, thói quen tích trữ nước, không lật úp dụng cụ... là những điều kiện thuận lợi cho muỗi và lăng quăng truyền bệnh phát triển, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.
Tạ Hà Tĩnh, đến nay cũng đã ghi nhận 04 ca mắc SXH. Các ca bệnh này mắc rải rác tại các địa phương như: Sơn Kim 1 (Hương Sơn), Ích Hậu (Lộc Hà), Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc). Trong đó huyện Lộc Hà có 02 ca mắc SXH từ đầu năm lại nay.
Bác sỹ Võ Ánh Quốc – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lộc Hà cho biết: Xác định là địa bàn trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch vậy nên trước thời điểm vào mùa của dịch SXH, Trung tâm y tế dự phòng huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp chủ động phòng, chống dịch. Hiện nay tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đã triển khai nhiều chiến tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đối với những xã có chỉ số nguy cơ cao như: Ích Hậu, Thịnh Lộc, Thạch Mỹ đã tổ chức các buổi tuyến truyền về dịch SXH và biện pháp phòng tránh cho nhân viên y tế, các tổ chức đoàn thể qua đó nhằm thông tin đến tận người dân để nâng cao nhận thức trong phòng chống. Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người dân. Mỗi người dân cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong phòng chống SXH thì dịch sẽ không xảy ra trên địa bàn
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh chủ động cá biện pháp phòng chống sốt xuất huyết. Hiện tại, toàn ngành đang chú trọng triển khai việc giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh để tập trung điều trị hiệu quả; đồng thời, khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi nhằm xử lý triệt để các ổ dịch.
Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC) cho biết: Để ngăn chặn, phòng ngừa sự bùng phát, lây lan của dịch SXH, đặc biệt là thời điểm hiện tại CDC đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH và chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã thực hiện kế hoạch diệt loăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun hóa chất chống dịch.
Ngoài ra, CDC còn tăng cường chỉ đạo tuyến y tế cơ sở trong việc điều tra dịch tễ, nhất là ở các xã, phường trọng điểm của dịch SXH và các ổ dịch cũ. Cán bộ y tế làm công tác dự phòng đã chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc và chủ động thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch.
Tại các địa bàn trọng điểm, lực lượng cán bộ làm công tác y tế dự phòng đã đến tận các xã, hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân những biện pháp phòng bệnh, trong đó, tập trung vào việc diệt muỗi ở các vùng được xác định là “rốn” của dịch SXH.
Với phương châm “không có lăng quăng/bọ gậy, không có SXH”, các địa phương đã thành lập được những đội xung kích diệt lăng quăng/bọ gậy và xử lý ổ dịch; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, phòng, chống bệnh SXH tại một số khu dân cư và những nơi thường xảy ra ổ dịch nhỏ.
Song song với việc triển khai các hoạt động chuyên môn, ngành Y tế còn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức và làm thay đổi hành vi phòng bệnh của cộng đồng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc vận động người dân thực hiện tổng vệ sinh môi trường, đậy kín các vật dụng chứa nước, thả cá ăn loăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn, thường xuyên thay nước bình hoa và thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước quanh nhà như: chai, lọ, vỏ đồ hộp, lốp xe…
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, bùng phát theo chu kỳ, có khả năng lây lan nhanh và có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH là đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước. Vì vậy, để phòng bệnh SXH hiệu quả, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và nhất là sự phối hợp của cộng đồng trong việc loại trừ lăng quăng/bọ gậy cũng như phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh để được điều trị sớm nhằm phòng tránh nguy cơ lây lan diện rộng và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH gây ra.
Sốt xuất huyết là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng chống sốt xuất huyết, mọi người, mọi nhà hãy chung tay cùng ngành Y tế thực hiện “Không có loăng quăng bọ gậy không có sốt xuất huyết”.
Linh Na