Lưu ý khi dùng các thuốc giảm đau do bệnh gout
Cơn đau do bệnh gout có thể nghiêm trọng và thường xảy ra vào ban đêm. Việc dùng thuốc điều trị kịp thời giúp người bệnh dễ chịu, ngủ ngon hơn và giảm các nguy cơ biến chứng sau này…Tuy nhiên, sử dụng thuốc cũng cần phải lưu ý để tránh hậu quả.
1. Nguyên nhân gây đau do gout
Cơn đau do bệnh gout là sự tích tụ các tinh thể axit uric. Cơ thể tạo ra axit uric khi phân hủy purin, một chất có trong cơ thể và thực phẩm ăn hàng ngày.
Khi có quá nhiều axit uric, các tinh thể này sẽ tích tụ trong khớp, chất lỏng và mô trong cơ thể. Những tinh thể nhỏ này giống như những hạt cát trong khớp, ngăn cản phạm vi chuyển động trơn tru, gây đau và viêm.
Người bệnh thường cảm thấy đau đột ngột, dữ dội, đỏ, sưng tấy ở các khớp mắt cá, ngón chân cái, ngón tay, đầu gối, vai…
2. Dùng thuốc giảm đau trong bệnh gout
2.1. Thuốc chống viêm không steroid
Để giảm đau, có thể dùng NSAID (thuốc chống viêm không steroid) như: Aspirin, ibuprofen, naproxen... Thuốc an toàn cho người bệnh dưới 60 tuổi và không có bệnh lý ở thận, tim mạch hoặc đường tiêu hóa.
Ngoài ra, với cơn đau không quá nghiêm trọng, có thể dùng acetaminophen. Lưu ý, không dùng quá liều chỉ định. Tuyệt đối không lạm dụng các loại thuốc mobic, indomethacin, meloxicam... vì có thể gây viêm loét dạ dày, suy thận hoặc các bệnh liên quan tới tim mạch... Bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
2.3. Colchicine
Các trường hợp chống chỉ định sử dụng NSAID, có thể uống colchicin để giảm đau do gout. Thuốc có hiệu quả cao nhất trong vòng 12 giờ sau khi dùng. Lưu ý, colchicin có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Ngộ độc ở liều cao, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... Cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận hoặc dùng các thuốc có khả năng gây tương tác nguy hiểm.
2.3. Các thuốc corticosteroid
Thuốc thường được sử dụng là prednisone, giúp giảm sưng, giảm viêm nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc này cũng gây ức chế quá trình bài tiết acid uric ở thận, khiến bệnh gout càng thêm nghiêm trọng. Đồng thời, loại thuốc này khi sử dụng lâu dài có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tăng huyết áp, đục thủy tinh thể và đái tháo đường. Do đó, chỉ dùng prednisone khi thuốc NSAID và colchicin không hiệu quả và dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Có thể sử dụng bằng đường uống hoặc tiêm. Lưu ý, những bệnh nhân viêm loét dạ dày không nên uống thuốc này. Cần cân nhắc sử dụng thuốc cho các bệnh nhân đái tháo đường, nhiễm trùng hoặc mới phẫu thuật.
3. Lưu ý khi dùng thuốc
Để đảm bảo việc dùng thuốc trị gout hiệu quả, cần tuân thủ:
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Nên uống sau bữa ăn để tránh ảnh hưởng đến dạ dày.
- Nên uống thuốc vào một giờ cố định. Nếu bỏ lỡ 1 liều, phải uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với thời gian uống liều tiếp theo thì nên bỏ qua liều này và uống liều tiếp theo như chỉ định. Tuyệt đối không được uống gấp đôi liều để bù vào liều đã lỡ, vì có thể dẫn đến quá liều.
- Nếu gặp các triệu chứng trầm trọng sau khi dùng thuốc cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, người bệnh gout cần kết hợp với lối sống lành mạnh: Chế độ ăn đủ dưỡng chất, duy trì cân nặng khỏe mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên. Đồng thời kết hợp một số biện pháp không dùng thuốc để giảm đau do gout gây ra:
- Chườm đá lên các khớp bị đau khoảng 20 - 30 phút cũng giúp giảm cơn đau do gout.
- Sử dụng các thiết bị hỗ trợ như gậy hoặc xe tập đi để giúp đi lại dễ dàng khi bị đau.
- Khi nằm nên đặt chân lên cao hơn ngực bằng cách kê gối bên dưới chân để máu được lưu thông, chỗ sưng thoáng mát, từ đó cơn đau sẽ dịu đi.
- Uống nhiều nước hơn mỗi ngày giúp tăng cường thanh lọc và đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.