4 dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc hội chứng động mạch vành
Động mạch vành là hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng tim. Bệnh động mạch vành xảy ra khi lòng động mạch bị tắc nghẽn dẫn đến cơ tim thiếu dưỡng khí, làm bệnh nhân đau thắt ngực, đau tim thậm chí là tổn thương cơ tim. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm mắc phải hội chứng này là vô cùng quan trọng.
Yếu tố nguy cơ mắc động mạch vành mạn
Bệnh động mạch vành là thuật ngữ liên quan đến việc cung cấp máu không đủ cho cơ tim do động mạch vành bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn, thường là do xơ vữa động mạch. Bệnh mạch vành gồm 2 thể là bệnh mạch vành mạn tính (ổn định) và bệnh mạch vành cấp tính (không ổn định).
Hội chứng động mạch vành mạn là thuật ngữ mới được đưa ra thay cho tên gọi trước đây là đau thắt ngực ổn định, bệnh động mạch vành ổn định, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc suy vành.
Bệnh động mạch vành do nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chính là do xơ vữa; dị dạng, bẩm sinh.
Các yếu tố nguy cơ bao gồm tuổi, giới, tiền sử gia đình, yếu tố stress tâm lý. Thông thường nam trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra, các ghi nhận cho thấy những người mắc cao huyết áp trong thời gian dài làm tổn thương các động mạch. Tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài sẽ phá hủy các động mạch dẫn đến tim, khiến các mảng bám cholesterol tích tụ và làm tắc nghẽn dòng chảy của máu… làm gia tăng nguy cơ mắc phải hội chứng này.
Bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành, dẫn đến đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, làm tăng khả năng xơ vữa động mạch và tăng nồng độ cholesterol máu.
Biểu hiện hội chứng động mạch vành mạn
Hội chứng động mạch vành mạn là bệnh lý liên quan đến sự ổn định tương đối của mảng xơ vữa động mạch vành, khi không có sự nứt vỡ đột ngột hoặc sau giai đoạn cấp hoặc sau khi đã được can thiệp/phẫu thuật. Khi mảng xơ vữa tiến triển dần gây hẹp lòng động mạch vành một cách đáng kể (thường là hẹp trên 70% đường kính lòng mạch) thì có thể gây ra triệu chứng, điển hình nhất là đau thắt ngực/khó thở khi người bệnh gắng sức và đỡ khi nghỉ.
Các biểu hiện lâm sàng
Cơn đau thắt ngực là triệu chứng quan trọng nhất, một số lại không có cơn đau ngực (bệnh động mạch vành thầm lặng).
- Đặc điểm cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực thường đau ở sau xương ức và là một vùng không phải một điểm. Đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng. Hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4, 5.
- Hoàn cảnh xuất hiện cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá.
Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên. Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế, hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.
- Tính chất của cơn đau thắt ngực
Hầu hết các bệnh nhân mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, bóp nghẹt, hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá, bỏng rát.
Một số bệnh nhân có khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi…
– Thời gian cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực thường kéo dài khoảng vài phút (3 – 5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút (nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim). Những cơn đau xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau mà chỉ kéo dài dưới 1 phút thì nên tìm những nguyên nhân khác ngoài tim.
Cần làm gì khi nghi ngờ mắc hội chứng động mạch vành mạn?
Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc hội chứng động mạch vành mạn cần đến cơ sở y tế để được thăm khám. Khám lâm sàng giúp các bác sĩ phát hiện các yếu tố nguy cơ, các biến chứng, phân tầng nguy cơ, các bệnh đồng mắc cũng như chẩn đoán phân biệt.
Các bác sĩ sẽ đếm mạch, nhịp tim, đo huyết áp để chẩn đoán tăng huyết áp, hoặc hạ huyết áp. Các xét nghiệm chẩn đoán sẽ được chỉ định như: điện tâm đồ, siêu âm tim… để chẩn đoán và phân biệt với các bệnh khác.
Mục tiêu điều trị là giảm triệu chứng đau thắt ngực, thiếu máu cục bộ cơ tim do gắng sức, phòng ngừa biến cố tim mạch.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ bệnh nhân cần thay đổi lối sống sinh hoạt khoa học. Theo khuyến cáo chung trong bệnh lý động mạch vành người bệnh cần bỏ thuốc lá, có chế độ ăn lành mạnh, hạn chế rượu, kiểm soát cân nặng, tập luyện thể dục thường xuyên, điều trị các rối loạn tâm lý nếu có. Bên cạnh đó cần tránh môi trường ô nhiễm, tiêm phòng cúm hàng năm…