• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hà Tĩnh thực hiện tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Kể từ năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến nay, sau 11 năm triển khai, kết quả cho thấy số trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ đã giảm, nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Du, Phòng khám tư vấn và điều trị HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh(CDC) cho biết: sau 11 năm, Hà Tĩnh hoàn thành tốt dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, khi 100% (41/41) em bé sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đều không bị nhiễm HIV từ mẹ. Hiện Trung tâm đang điều trị ARV cho 06 phụ nữ mang thai; các sản phụ này không những được điều trị dự phòng lây nhiễm mà còn được các cán bộ của Trung tâm tư vấn việc theo dõi, chăm sóc thai nhi, về chế độ dinh dưỡng…

Chị N.T.T, 38 tuổi (huyện Kỳ Anh), là một trong những “kỳ tích” của dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, khi chị là bà mẹ nhiễm HIV nhưng sinh 3 con không ai bị lây nhiễm. Chị tâm sự trong niềm hạnh phúc: “ban đầu khi biết mình nhiễm HIV, tôi không nghĩ rằng mình sẽ có may mắn được làm mẹ, rồi được sinh những đứa con khoẻ mạnh, bình thường. Nhưng khi được các cán bộ y tế hướng dẫn, sử dụng dùng thuốc, tôi đã biết rằng mình có thể. Ban đầu, tôi còn nghi ngại lắm, mãi cho đến khi cầm kết quả xét nghiệm lần 2 không bị nhiễm HIV của con, vợ chồng tôi mới hoàn toàn tin đó là sự thật. Bây giờ 3 đứa con của tôi đều khoẻ mạnh, phát triển bình thường và đều được đến trường như các bạn cùng lứa”.

Tư vấn điều trị bằng thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV

Thời gian qua, công tác dự phòng, hạn chế lây truyền HIV trong cộng đồng, nhất là từ mẹ sang con đã được ngành Y tế đẩy mạnh. Tập trung tuyên truyền, chú trọng vận động người nhiễm HIV cùng người nhà tham gia hoạt động hỗ trợ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em nhiễm HIV tại cộng đồng. Cùng với việc vận động thực hiện hành vi tình dục an toàn thì chương trình dự phòng tập trung tư vấn cho phụ nữ khi mang thai và trước khi sinh tự nguyện xét nghiệm HIV, tăng cường quản lý thai sớm để phát hiện nguy cơ và điều trị sớm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... Những phụ nữ nhiễm HIV mang thai khi tham gia chương trình này được bác sỹ tư vấn các biện pháp bảo vệ sức khỏe, chăm sóc thai nghén. Dịch vụ dự phòng sẽ chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV), thực hành sản khoa an toàn… Đặc biệt, phụ nữ nhiễm HIV sẽ được hỗ trợ trong suốt quá trình mang thai, sinh con. Cán bộ y tế sẽ luôn theo dõi sức khỏe, cung cấp cho bà mẹ nhiễm HIV những kiến thức cơ bản trong nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

Mặc dù việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có nhiều hiệu quả, nhưng việc triển khai hiện còn gặp một số khó khăn. Vẫn còn sự kỳ thị phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS và nhận thức của một số phụ nữ đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn thấp. Số phụ nữ có nguy cơ cao đồng ý làm xét nghiệm HIV thấp và chỉ đồng ý làm xét nghiệm khi vào phòng đẻ... Do đó, đa số phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ nên rất khó khăn trong việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, cũng như quản lý các bà mẹ nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Theo bác sỹ Phùng Bình Văn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: “Thực tế số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ, chiếm khoảng 20%, trong khi trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ chiếm 5-10%. Với những trường hợp phát hiện muộn lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Mặt khác, dù áp dụng điều trị dự phòng ở những trường hợp này thì hiệu quả cũng không cao. Chính vì vậy, để phụ nữ có tiếp cận được với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, việc tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhân thức cho chị em phụ nữ nhất là ở vùng sâu, vùng xa là điều hết sức quan trọng.”

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ và làm giảm bớt nỗi đau cho những người nhiễm H. Vì thế, để bảo vệ cho những đứa trẻ thân yêu, những người phụ nữ mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để làm xét nghiệm HIV tự nguyện; đặc biệt phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ khi mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời. Nếu điều trị muộn hơn, kết quả sẽ bị hạn chế.

Thanh Nhàn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.088
Tháng 07 : 192.896
Năm 2024 : 1.332.203
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 10.130.717