Hà Tĩnh khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS dưới mức 0,15%
Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 92 của HĐND tỉnh, Hà Tĩnh đã khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,15% .
Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở mức 0,14%
Ngày 16/7/2014 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 92 về việc “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 tỉnh Hà Tĩnh”. Từ đó đến nay, tổng nguồn ngân sách thông qua nghị quyết được cấp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là trên 26 tỷ đồng.
Các chị em bị HIV khi quyết định mang thai được các bác sỹ tư vấn dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.
Theo bác sỹ Phùng Bình Văn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh, Nghị quyết 92 đã có vai trò quan trọng, tạo nguồn lực để triển khai các mục tiêu phòng chống HIV/AIDS. Đến nay sau gần 6 năm thực hiện, Hà Tĩnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu và nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra.
Hiện, Hà Tĩnh đã khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở mức 0,14% (dưới 0,15% theo nghị quyết) và đạt mục tiêu 3 giảm: "Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS”, qua đó giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân tại cơ sở điều trị HIV/AIDS (ảnh: Thanh Loan).
Nghị quyết đã cung cấp nguồn lực để đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức truyền thông trong Nhân dân, nhất là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ lây nhiễm HIV.
Theo kết quả hàng năm được đánh giá, thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, qua tổ chức điều tra, giám sát thì nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về phòng, chống HIV/AIDS được nâng lên rõ rệt, trên 85% người dân trong độ tuổi từ 15 -49 hiểu biết các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS.
CLB Tình thương tại xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) là mái nhà chung để những người không may mắn nhiễm HIV gặp gỡ, sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau. Ảnh: Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ (Ảnh: Thu Phương).
Hiện mỗi năm ngành y tế tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV từ 3.500 - 6.000 mẫu. Có 87% bệnh nhân được điều trị ARV. Việc tham gia điều trị bằng thuốc ARV làm giảm lây lan HIV trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong do AIDS, giảm số lượng bệnh nhân HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, giúp cải thiện, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Hiện toàn tỉnh có 6 cơ sở Methadone, trong đó có 3 cơ sở điều trị, 3 cơ sở cấp phát thuốc với tổng số bệnh nhân được đăng ký điều trị là 206 người.
Cơ sở điều trị Methadone tại huyện Hương Sơn.
Đặc biệt, đến nay Hà Tĩnh đã hoàn thành mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm và được chi trả các dịch vụ chăm sóc, điều trị theo quy định của pháp luật. Đối với phụ nữ mang thai khi phát hiện nhiễm HIV đều được cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nhờ đó cho đến nay không có trẻ nào bị lây nhiễm qua con đường này.
Vẫn còn nguy cơ bùng phát và lây lan HIV/AIDS
Dù đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng chống, song theo đánh giá của ngành y tế, Hà Tĩnh vẫn là tỉnh có nguy cơ HIV/AIDS bùng phát và lan rộng trong cộng đồng.
Đại diện BHXH tỉnh và Sở Y tế Hà Tĩnh trao tượng trưng nguồn thuốc ARV cho CDC Hà Tĩnh
Nguyên nhân là do các khu công nghiệp ngày càng phát triển, tỷ lệ công nhân di biến động đông, điều này khó tránh khỏi đến vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội như mại dâm, tiêm chích ma túy dẫn đến lây nhiễm HIV.
Mặt khác trong những năm gần đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục có xu hướng ngày càng gia tăng, trong đó có cả nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.
Một nguy cơ khác, có nhiều trường hợp đang sử dụng các chất dạng thuốc phiện và ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh. Nếu không tăng cường quản lý và can thiệp dự phòng thì việc lây nhiễm HIV từ nhóm này ra cộng đồng là rất cao.
Trong khi đó đến hết năm 2020, Nghị quyết 92 của HĐND tỉnh sẽ hết hiệu lực, các nguồn ngân sách cho công tác phòng, chống HIV/AIDS của Trung ương đã cắt giảm.
Cán bộ Hội LHPN phường Nam Hồng và Công an thị xã Hồng Lĩnh trao đổi với thành viên CLB “Tình thương và trách nhiệm” trong buổi sinh hoạt (Ảnh: Tư liệu)
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh Phùng Bình Văn, việc tiếp tục ban hành nghị quyết bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo là hết sức cần thiết. Mục tiêu quan trọng nhất của nghị quyết là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS tại Hà Tĩnh ở mức thấp hơn tỉ lệ nhiễm trong toàn quốc và các tỉnh Bắc Trung bộ.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh đang giao Sở Y tế xây dựng tờ trình về việc phê duyệt dự thảo nghị quyết “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua vào kỳ họp sắp tới.