Bỏ thuốc lá để phòng bệnh viêm mũi xoang
Các bác sỹ chuyên khoa tai- mũi-họng khuyến cáo: Tránh khói thuốc lá và không khí ô nhiễm để phòng bệnh viêm mũi xoang. Bởi bụi bẩn, không khí ô nhiễm và khói thuốc lá làm tăng nguy cơ viêm xoang nặng. Vì vậy, để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh quay trở lại, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với những tác nhân này bằng cách bỏ thuốc lá, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm mũi và các xoang cạnh mũi do nhiễm virus, vi khuẩn, nấm hoặc các phản ứng dị ứng. Các triệu chứng bao gồm tắc nghẽn và nghẹt mũi, chảy mủ mũi và đau hoặc áp lực ở mặt; đôi khi có biểu hiện khó chịu, nhức đầu hoặc sốt. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh này ngày càng tăng cao do ô nhiễm môi trường, trong đó có khói thuốc lá.
Anh P.Đ.N, phường Nguyễn Du, Tp Hà Tĩnh đã hút thuốc lá nhiều năm. Anh cũng bị viêm mũi xoang nặng và phải làm phẫu thuật cách đây hơn 1 năm. Gần đây, anh có dấu hiệu đau vùng mặt, đau đầu, nước mũi chảy, hơi thở có mùi hôi... Sau khi khám, bác sỹ chẩn đoán anh bị viêm mũi xoang mãn tính, việc điều trị của anh cũng khó khăn hơn trước rất nhiều. Anh chia sẻ: “Sau lần mổ xoang trước, bác sỹ khuyên tôi phải bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, tôi chỉ bỏ được 6 tháng thì hút lại. Vì vậy, viêm mũi xoang lại bị tái lại. Tôi cũng ngại đi khám và điều trị, nên giờ bệnh nặng và khó điều trị hơn”.
Bác sỹ Lê Thị Hà – Trưởng khoa Tai-mũi-họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Mũi là tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể chống lại các phần tử lạ. Hốc mũi và các xoang tiết ra khoảng 1-2 lít chất nhầy mỗi ngày. Thông thường, tất cả chất nhầy đó sẽ di chuyển đến phía sau cổ họng và chúng ta nuốt nó. Khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng như phấn hoa hoặc khói bụi, các lông mao và chất nhầy trong mũi xoang có thể làm sạch hốc mũi. Tuy nhiên, khi lông mao tổn thương do hút thuốc, chất nhầy bị ứ trong mũi xoang và vi khuẩn bắt đầu sinh sôi ở đó. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng trong mũi xoang. Ngoài ra, khói thuốc lá làm suy giảm khả năng của cơ thể trong việc loại bỏ vi khuẩn và virus có hại, khiến cho mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Những người hút thuốc có xu hướng bị bệnh thường xuyên hơn và dễ dàng hơn những người không hút thuốc do hệ thống miễn dịch suy giảm. Những chất độc hại trong thuốc lá có thể gây nhiễm trùng mũi xoang, ngưng thở khi ngủ, ung thư mũi xoang… nếu hút hoặc hít khói thuốc thời gian dài. Vì vậy, bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc thụ động giữ cho các xoang không bị viêm”.
Không chỉ gây hại cho người hút trực tiếp, khói thuốc lá còn ảnh hưởng tới sức khỏe của những người xung quanh. Viêm xoang mạn tính, giảm vị giác và khứu giác, ung thư mũi xoang, nhiễm trùng đường hô hấp và viêm tai ở trẻ em... là những nguy cơ cho cả người hút và người hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài.
Bác sĩ Hà khuyến nghị, bụi bẩn, không khí ô nhiễm và khói thuốc lá làm tăng nguy cơ viêm xoang nặng. Vì vậy, để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh quay trở lại, bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với những tác nhân này bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài. Những người có tiền sử hút thuốc lá nên thăm khám sức khỏe tai mũi họng định kỳ mỗi 6 tháng một lần, tầm soát một số loại ung thư có yếu tố nguy cơ cao do thuốc lá như ung thư vòm họng, ung thư mũi xoang, ung thư phổi... để dự phòng.
Thu Hòa