Sở Y tế chỉ đạo tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn người bệnh và phòng ngừa sự cố y khoa
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, thời gian gần đây tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn xảy ra các sự cố y khoa gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và hình ảnh của người thầy thuốc. Tại Hà Tĩnh, qua các đợt kiểm tra, giám sát cải tiến chất lượng bệnh viện đã phát hiện các vấn đề còn tồn tại về thực hiện quy định an toàn người bệnh. Để giảm thiểu sự cố y khoa, nguy cơ xảy ra sự cố y khoa, nâng cao sự an toàn và hài lòng người bệnh; thực hiện Công văn số 2100/BYT-KCB ngày 24/4/2024 của Bộ Y tế về việc chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng, an toàn người bệnh và phòng ngừa sự cố y khoa, Sở Y tế vừa có văn bản chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn người bệnh và phòng ngừa sự cố y khoa.
Theo đó Sở Y tế yêu cầu giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế, thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập chịu trách nhiệm nghiêm túc triển khai, thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng, nâng cao an toàn người bệnh, phòng tránh các nguy cơ, sự cố y khoa. Củng cố, kiện toàn hệ thống báo cáo sự cố y khoa bắt buộc, tự nguyện và động viên, khuyến khích việc chủ động phát hiện, báo cáo phân loại sự cố và thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế (phân loại theo 11 nhóm sự cố đã được hướng dẫn tại phụ lục Thông tư số 43/2018/TT-BYT). Các đơn vị rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp báo cáo đầy đủ sự cố y khoa định kỳ, đột xuất về Sở Y tế theo Thông tư 43/2018/TT-BYT; đặc biệt lưu ý, phải báo cáo khẩn cấp các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh và nhân viên y tế để có hướng xử lý kịp thời, đồng thời có thể đưa ra khuyến cáo rút kinh nghiệm cho các đơn vị, nhân viên y tế khác.
Rà soát các nguy cơ gây mất an toàn, phân loại mức độ nguy cơ; ưu tiên xử lý, khắc phục ngay các nguy cơ gây mất an toàn cao, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và nhân viên y tế. Định kỳ rà soát các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh để chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy trình, hướng dẫn không còn phù hợp; chú trọng các quy trình phân loại người bệnh cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực và các phòng phẫu thuật/thủ thuật, quy trình sử dụng thuốc cho người bệnh... để xác định được cụ thể danh mục sự cố bắt buộc phải báo cáo của từng đơn vị, phát hiện các nguy cơ mất an toàn, nguy cơ có thể xảy ra sự cố theo đặc thù từng quy trình, từng chức năng của khoa/phòng, từng chuyên khoa của bệnh viện.
Tăng cường tập huấn, đào tạo liên tục về bảo đảm an toàn người bệnh, nâng cao trách nhiệm của mỗi nhân viên y tế, kể cả nhân viên mới, nhân viên thực tập trong việc phát hiện và tự nguyện báo cáo sự cố y khoa; khuyến khích hoạt động tự báo cáo nguy cơ, phát hiện kịp thời và kiên quyết loại bỏ hành vi cản trở báo cáo sự cố y khoa đối với các vị trí quản lý như trưởng khoa/phòng, trưởng ca trực... Hướng dẫn phổ biến cho người bệnh và người nhà người bệnh hợp tác trong việc nhận diện, báo cáo chính xác sự cố y khoa.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ việc thực hiện các quy định hướng dẫn về phòng ngừa sự cố y khoa, bảo đảm an toàn người bệnh, phòng chống, hạn chế tối đa nhầm lẫn tại đơn vị. Người kiểm tra, giám sát chịu trách nhiệm về kết quả được báo cáo về cấp quản lý .
Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tăng cường truyền thông, về hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa trong cơ sở khám chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thu Hòa