Chuyên gia tiêm chủng nói gì trước thông tin vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca có thể gây đông máu?
Trước thông tin vaccine vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 đang bị cáo buộc gây ra tác dụng hiếm gặp có khả năng dẫn đến đông máu, PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhấn mạnh: Người dân cần hiểu rõ thông tin để tránh hoang mang không cần thiết.
'Vấn đề huyết khối đã ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vaccine'
Theo PGS.TS Phạm Quang Thái, khi đưa vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam tiêm chủng phòng chống dịch, ngành y tế đã rất thận trọng vấn đề về huyết khối đã ghi nhận ở châu Âu. Thực tế vừa triển khai tiêm chủng, chúng ta vừa kiểm tra, theo dõi, giám sát rất chặt.
Đã có hàng chục triệu liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.
"Đây là một tỷ lệ vô cùng thấp. Tại Việt Nam chưa ghi nhận sự chênh lệch có ý nghĩa trong cộng đồng. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vaccine có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm" - PGS.TS Phạm Quang Thái phân tích.
PGS Thái cũng cho biết thêm, vấn đề huyết khối đã ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vaccine. Hiện tại, Việt Nam đã dừng triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khá lâu.
Thêm vào đó, thực tế hiện nay tỷ lệ phản ứng phụ ghi nhận sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cũng rất thấp. Vì vậy người dân đã tiêm vaccine không nên hoang mang, lo lắng về thông tin nêu trên mà cần thấy rằng trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mang lại lợi ích về sức khỏe lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ gây ra.
Theo chuyên gia này, các loại vaccine khi được cấp phép sử dụng đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt rất nghiêm ngặt.
PGS Thái cũng đồng thời thông tin thêm, trên thực tế, trong thời gian đầu loại vaccine này được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu cũng đã nhận thấy một tỷ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện huyết khối.
Do đó, Ủy ban Dược châu Âu đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kết quả cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ người bị huyết khối trước và sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng là rất thấp và gần như không có ý nghĩa thống kê.
Chuyên gia này cũng thông tin thêm: ở cộng đồng châu Âu có tỷ lệ huyết khối tự nhiên cao nếu so với các cộng đồng khác, đặc biệt là châu Á.
Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ
Trước đó, thông tin với báo chí sáng 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, vấn đề đông máu là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca cũng đã được cảnh báo.
"Ban đầu khi triển khai tiêm vaccine COVID-19, chúng ta rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.
Sau đó, chúng ta cũng điều chỉnh dần khi theo dõi thấy vaccine không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khoẻ. Từ lúc ban đầu chỉ tiêm tại cơ sở y tế, sau đó hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được triển khai rộng hơn"- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Đồng thời, PGS Khuê cũng cho biết, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 đã được vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng, do đó người dân cũng không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.
Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vaccine COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Số vaccine này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong năm 2022. Hàng trăm triệu người đã được tiêm từ 2-4 liều vaccine COVID-19, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna…
Đến giữa năm 2023, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.