Tuân thủ lịch tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo, phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm chủng cho trẻ để phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 120 ca mắc ho gà, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023; hơn 130 ca mắc sởi và sốt phát ban nghi do sởi và rubella. Qua điều tra, đa số người mắc bệnh đều chưa tiêm hoặc tiêm không đầy đủ số mũi vắc-xin.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hà Tĩnh, đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch trên địa bàn được kiểm soát chặt chẽ. Toàn tỉnh ghi nhận 37 ca sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 12 ca dương tính và 5 ca mắc bệnh ho gà. Hầu hết, các ca mắc sởi và ho gà đều tiêm chưa đầy đủ số mũi vắc-xin. Các bệnh nhân sởi, ho gà đều đã ổn định sức khỏe và ra viện, không có trường hợp diễn biến nặng.
Theo cảnh báo, bệnh ho gà xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, có hơn 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ, bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.
Bạch hầu là bệnh gây nhiều biến chứng như: suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, liệt cơ hô hấp với tỷ lệ tử vong lên đến hơn 20% nếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh uốn ván có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 90% với các triệu chứng như: co giật, suy hô hấp và rối loạn thần kinh thực vật. Bệnh bại liệt gây liệt tủy sống, liệt chi không hồi phục làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động...
Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn Hib cũng có thể khiến trẻ bị viêm phổi, viêm màng não, trong đó, 30% ca viêm màng não do Hib mang di chứng thần kinh vĩnh viễn; nhiễm viêm gan B gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính, mạn tính…
Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh đang được kiểm soát hiệu quả, song theo đánh giá và dự báo của ngành y tế thì vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vì thế, việc chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là tiêm phòng vắc-xin đúng, đủ lịch là yếu tố hết sức quan trọng.
Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Mỗi loại vắc-xin đưa vào sử dụng đều đã được nghiên cứu về tính an toàn, hiệu lực, hiệu quả, liều lượng, đường tiêm và lịch tiêm theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế. Vắc-xin chỉ hiệu quả cao nhất khi tiêm đủ số mũi và cần vài tuần để tạo ra kháng thể chống lại bệnh tật. Trường hợp tiêm chủng chậm lịch, kháng thể chưa tạo đủ để bảo vệ, trẻ vẫn có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với người mang virus, vi khuẩn. Do vậy, phụ huynh cần tránh tâm lý chủ quan, khi có dịch bệnh mới đưa con em đi tiêm phòng”.
Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của vắc-xin và lợi ích của tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thường xuyên rà soát và làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình cung ứng vắc-xin từ tuyến Trung ương để kịp thời chỉ đạo cho các địa phương trong công tác tổ chức tiêm chủng.
Trong những tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi trên toàn tỉnh đạt 4.681 trẻ, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Điều này góp phần hạn chế, ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi và nắm bắt thông tin về công tác tổ chức tiêm chủng của cơ quan y tế tại địa phương. Ngoài ra, có thể lựa chọn phương án tiêm chủng dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng đảm bảo chất lượng, uy tín để đảm bảo trẻ được tiếp cận vắc-xin theo đúng lịch.
Thanh Loan