Phát huy di sản quý báu của Hải Thượng Lãn Ông tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh
Cùng với đội ngũ thầy thuốc Hà Tĩnh, mỗi cán bộ, nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh luôn tâm niệm những lời y huấn của Hải Thượng Lãn Ông trong hành nghề cũng như trong cuộc sống.
“Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” - ứng dụng trong lâm sàng
Đặc điểm bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đa số là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, mắc bệnh lâu ngày. Trong tác phẩm “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi tập trung chú trọng vào Quyển 6 “Huyền tẫn phát vi” nói về tiên thiên thủy hỏa - “Mệnh môn”, cơ năng sinh lý, và bệnh lý của chân thủy, chân hỏa, cùng phép chữa; Quyển 7 “Khôn hóa thái chân” bàn về hậu thiên tỳ vị, cơ năng tiêu hóa và tác dụng của khí huyết, bệnh lý và phép chữa.
Bác sỹ Phan Việt Song - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh châm cứu cho bệnh nhân. Ảnh Phúc Quang
Hải Thượng Lãn Ông là người đã hoàn thiện học thuyết thủy hỏa, sử dụng 2 bài thuốc “lục vị”, “bát vị” và biến phương của nó một cách tinh thông để điều chỉnh lại sự mất thăng bằng âm dương thủy hỏa, nguyên nhân của các chứng bệnh.
Theo Hải Thượng Lãn Ông: “Chữa bệnh nặng không biết đến thủy hỏa, chữa bệnh nhẹ mà không biết đến khí huyết thì cũng như trèo cây tìm cá”.
Việc kê đơn, bốc thuốc được Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh thực hiện chặt chẽ, thận trọng. Ảnh Phúc Quang
Hải Thượng Lãn Ông nói: “Tỳ vị là cơ quan sinh hóa của hậu thiên, đứng đầu các cơ quan của con người và cũng là nguồn gốc của bách mạch, cái bề của thủy cốc” (thủy cốc là đồ ăn thức uống). Năm tạng, sáu phủ đều được sự chuyển vận và tưới nhuần của nó, để sinh tinh, sinh huyết, thấm nhuần ra kinh mạch, điều dưỡng vinh vệ, đều nhờ vào trung châu đó (trung châu là chỉ vào tỳ vị). Vì vậy, nhiều bệnh phát sinh mà nguyên nhân cơ bản đều là do tỳ và thận".
Những luận điểm đó giúp chúng tôi thấy được vị trí vô cùng quan trọng của tiên thiên thủy hỏa và hậu thiên tỳ vị. Trên thực tế lâm sàng càng cho thấy điều đó. Thông qua bổ thận, điều lý tỳ vị mà chữa được nhiều bệnh tật có kết quả tốt.
Nêu cao tinh thần độc lập, sáng tạo, thận trọng, khiêm tốn
Hải Thượng Lãn Ông có chủ trương thừa kế luận thuyết y học cổ truyền của các tiên y nhưng không quá câu nệ sách vở kinh điển, không sử dụng cổ phương một cách cứng nhắc, đề cao việc độc lập suy nghĩ, vận dụng linh hoạt vào chữa bệnh.
Các y bác sỹ Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Ảnh Phúc Quang
Quyển “Ngoại cảm thông trị” có các phương thuốc thích hợp với tính chất bệnh và cơ thể người Việt Nam. Ông viết tập “Bách gia trân tàng” ghi chép 644 phương thuốc, một số bài thừa kế của họ ngoại, một số thu lượm trong dân gian, một số ghi lại của người nước ngoài.
Tập “Hành giản trân nhu” ghi chép 2.210 bài thuốc đơn giản có tác dụng tốt rút trong bản thảo của tiên y và sưu tầm trong Nhân dân, trị 126 loại bệnh tử nội, ngoại khoa, thương khoa, cấp cứu. Trong tập “Lĩnh nam bản thảo”, ông ghi chép được tính 496 vị thuốc nam biên tập theo Tuệ Tĩnh và 305 vị được bổ sung về công dụng hoặc mới sưu tầm thêm.
Trong thực tế lâm sàng, những buổi hội thảo khoa học, bình bệnh án lâm sàng, bệnh viện chúng tôi đều kế thừa, xây dựng học hỏi từ kiến thức của người xưa. Đồng thời tiếp thu xây dựng nên những bài thuốc, phương pháp điều trị mới cho phù hợp với đặc điểm của người bệnh hiện nay để làm phong phú, phát triển hơn nữa nền y học cổ truyền nước nhà.
Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đang kế thừa và phát huy hiệu quả các giá trị y học của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Lãn Ông coi nghề y là một nghề cao quý, coi việc bảo vệ sinh mệnh con người là nhiệm vụ hàng đầu. Do đó, ông rất thận trọng khi khám bệnh, chữa bệnh, có trường hợp gặp bệnh nặng, triệu chứng phức tạp, ông đợi hôm sau xem mạch thêm lần nữa và nghiên cứu bệnh tình thật chắc chắn rồi mới cho đơn.
Lãn Ông khám bệnh rất kỹ, vận dụng các phương pháp, vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi, xem mạch người bệnh), chẩn đoán toàn diện có kết luận chính xác rồi mới kê đơn. Khi kê đơn, ông ghi rõ chi tiết và chỉ dẫn cách chế thuốc, sắc thuốc, cách uống, liều lượng rất tỉ mỉ. Gặp trường hợp nguy cấp, ông bình tĩnh giải quyết theo đúng tinh thần “cứu bệnh như cứu hỏa” vừa khẩn trương, vừa chu đáo.
Hải Thượng Lãn Ông đề cao tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân một cách thành khẩn. Ông ghi chép lại những bệnh đã điều trị một cách trung thực, khách quan và khoa học. “Y dương án” ghi lại những bệnh ông đã chữa khỏi, “Y âm án” ghi lại những bệnh ông chữa không khỏi.
Thận trọng trong chữa bệnh, Hải Thượng Lãn Ông lại rất khiêm tốn học tập, đêm ngày trao đổi nghề nghiệp. Học trong sách vở, học trong quá trình chữa bệnh, học trong Nhân dân kết hợp với thái độ thận trọng, phương pháp chẩn đoán toàn diện trong điều trị là một bài học quý giá trong y đức Hải Thượng Lãn Ông mà mỗi cán bộ của chúng tôi đều hướng đến.
Lương tâm và trách nhiệm trong hành nghề
Trong Y huấn cách ngôn, Hải Thượng Lãn Ông đã viết: “Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp đỡ người, không nên tự ý cầu vui, như mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh, vắng nhà chốc lát, nhỡ có bệnh nhân cấp cứu làm cho người ta sốt ruột mong chờ nguy hại đến tính mệnh con người. Vậy cần phải biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào”.
Những điều y huấn này thật đúng với trọng trách to lớn mà ngành y tế đã và đang thực hiện. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, nhân viên y tế “Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”.
Thầy thuốc Ưu tú - bác sỹ Bùi Thị Mai Hương - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân.
Thấm nhuần lời dạy, mỗi cán bộ chúng tôi đã không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn vững về y thuật, sáng về y đức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Chúng tôi đã và đang phát triển bệnh viện theo hướng điều trị chuyên sâu, ứng dụng và kết hợp y học hiện đại vào công tác khám chữa bệnh nhưng vẫn giữ vững và phát huy thế mạnh của y học cổ truyền trong điều trị, xây dựng nhiều bài thuốc nam bằng nguồn dược liệu sẵn có trên địa bàn để làm phong phú các bài thuốc quý trong chữa bệnh nhằm thực hiện tốt phương châm “Nam dược trị nam nhân”.