• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nữ hộ sinh xúc động kể chuyện cứu thai phụ sinh đôi giữa đêm giông tố

ĐS&TD - Ca đỡ đẻ hy hữu giữa lúc 2 giờ sáng, cứu sống sản phụ và hai con trong trận lũ lịch sử 2011mỗi lần nhắc lại, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Phương vẫn còn nhớ như chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua.

ĐS&TD - Ca đỡ đẻ hy hữu giữa lúc 2 giờ sáng, cứu sống sản phụ và hai con trong trận lũ lịch sử 2011mỗi lần nhắc lại, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Phương vẫn còn nhớ như chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua.

Đi dọc đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm đến Trạm y tế xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh, nơi đã có những ca cứu sống bệnh nhân hy hữu thoát chết khỏi miệng tử thần. Nhìn ngôi nhà khang trang, hiện đại vừa mới được xây dựng xong và đi vào hoạt đông, không ai biết rằng đằng sau đó cả một sự cống hiến, sự nỗ lực hết mình nhằm cố gắng mang lại cho người dân nơi đây một nơi khám chữa bệnh tốt nhất.

Hương Thọ là một xã nghèo của huyện Vũ Quang, nằm cách xa trung tâm của huyện nên mọi hoạt động đi lại cũng như giao lưu đều trở nên khó khăn, mà đặc biệt người dân nơi đây chủ yếu là giáo dân nên việc nhận thức còn đang rất hạn chế, điều này còn gây không ít khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe, cũng như là khám chữa bệnh.

Tiếp chuyện chúng tôi, nữ hộ sinh duy nhất của trạm, chị Nguyễn Thị Phương cho biết: Dù chỉ là một trạm y tế xã nhưng các y, bác sĩ cũng như mọi người ở đây luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhằm mang lại cho người bệnh một sự yên tâm, tin tưởng.

Nhìn lại công việc hơn 14 năm làm nữ hộ sinh, chị Phương vui vẻ nói: Trong mười mấy năm làm việc, đỡ đẻ cho hàng trăm sản phụ, chào đón biết bao cô bé, cậu bé ra đời đã để lại cho chị không ít cảm xúc. Nhưng cũng có những ca để lại trong chị dấu ấn chắc không bao giờ quên được, ca cứu sống mẹ con hy hữu giữa trận lũ lịch sử 2011, dường như mỗi khi nhớ lại như chuyện vừa mới xảy ra vào ngày hôm qua.

Chị còn nhớ như in vào ngày 15/10/2011 giữa trời mưa to, lũ lớn, đang nằm ngủ thì chị nhận được thông báo có sản phụ Phạm Thị Hiền chuyển dạ chuẩn bị sinh, đã được chuyển đến trạm. Theo như phản xạ, chị vội vã thức dậy mang túi giữa đêm 2 giờ sáng, đội áo mưa chạy hơn chục cây số để kịp thời đỡ đẻ cho bệnh nhân. Trời tối mịt mù, đã vậy đường xá còn bị chia cắt nhiều nơi bởi dòng nước lũ tràn về làm cho chị cũng cảm thấy sợ hãi.

Chẳng có phương tiện nào đi lại, anh chồng của sản phụ đành lấy chiếc thuyền nhỏ đánh cá của gia đình đến đón chị. Nhìn dòng nước mênh mông, cùng với chiếc thuyền bé tẹo giữa đêm khuya mưa gió, vậy mà chị vẫn dám liều mình ngồi lên phó thác số phận cho anh. Chị xúc động nhớ lại “lúc đó tôi chỉ biết nín thở, hai tay giữ chắc lấy chiếc thuyền, mắt thì cứ cố gắng nhìn về chiếc đèn pin phía trước đang dọi để dẫn đường cho chúng tôi đi, cứ hi vọng thuyền nhanh chóng cập bến”.

Vậy mà chưa lên khỏi bờ, người chưa kịp hoàn hồn chị lại được kéo vội vào trong trạm để kiểm tra tình hình sức khỏe của sản phụ. Nhìn sản phụ đau đớn, dạ chuyển sắp sinh, sau khi kiểm tra, thăm khám lại phát hiện là thai đôi khiến chị Phương không khỏi lắc đầu. Đây không chỉ là ca đẻ khó, mà nếu không cẩn thận thì nguy cơ chảy máu dẫn đến nguy hiểm cả mẹ và con rất cao, theo thông thường những trường hợp thế này phải được chuyển ngay đến bệnh viên. Nhưng với tình hình hiện tại lại dồn chị vào thế tiến thoái lưỡng nam. Chuyển đi không được vì giữa đêm khuya mưa gió, phương tiện đi lại không có, bệnh viện lại quá xa, trong lúc giữ lại cũng gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Nhìn vào những dụng cụ y tế sơ sài, điện đóm không có, chỉ dựa vào những chiếc đèn pin nhỏ, nhưng với mười mấy năm kinh nghiệm trong nghề chị đã cố gắng vận dụng hết sức mình. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ vất vả, ca đỡ đẻ cũng đã thành công trước sự vui mừng của gia đình, chị Hiền đã sinh ra hai bé gái khỏe mạnh, một bé nặng 2,4kg, còn một bé nặng 1,8kg. Nhìn mẹ tròn con vuông ai cũng nhẹ hết cả người.

Chị tâm sự: “làm nữ hộ sinh như chúng tôi vất vả lắm cô chú ơi, không kể ngày đêm, mưa gió gì hết, cứ có người gọi là ôm đồ chạy thôi. Việc tiên lượng để có một ca đẻ trọn vẹn cũng rất khó, đến khi sản phụ sinh an toàn rồi vẫn còn lo, vì lỡ có biến chứng gì mình không thể lường trước được, nhất là 3 ngày đầu sau khi sinh, vậy nên điện thoại không bao giờ dám tắt, nhiều lúc nghe chuông điện thoại mà mình giật thột, cứ lo lắng không yên”

Là người đỡ đầu cho hàng trăm đứa trẻ, nhưng đối với chị Phương không có gì là tuyệt đối, nên mỗi việc làm dù nhỏ nhất mình cũng phải thận trọng, để rồi sau này không phải hối hận.

Dù chỉ là một nữ hộ sinh trong một trạm y tế xã, nhưng chị Phương lại rất được mọi người yêu quý và tin tưởng, có những ca đỡ để nếu chị không đến kịp thời thì sẽ chết cả mẹ lẫn con.

Chị kể, mới đây nhất vào ngày 8/11/2014 chị cũng gặp một trường hợp, vừa mệt nhưng lại vừa vui. Khi một trạm y tế nhỏ mà có đến 2 sản phụ vào cùng một lúc, không có đủ bàn đẻ mọi người đành phải lấy bàn khám trải ni lông lên cho sản phụ nằm. Lúc chị Nguyễn Thị Bảo chuẩn bị sinh, chị Nguyễn Thị Hà lại đau hơn, có khả năng sinh trước, nên mọi người lại đưa hai chị chuyển vị trí cho nhau.

Chị Phương nói: “tôi chưa bao giờ gặp một trường hợp như thế này, chị Hà vừa sinh con ra thì đứa bé bị nhau thai cuốn khắp người, một vòng ở cổ, một vòng ở bụng, một vòng nữa lại quấn ở nách, chị phải nhanh chóng cặp cắt kịp thời không thì đứa bé sẽ chết, mà chuyển lên tuyến trên cũng không kịp nữa. Vừa vất vả vật lộn để cứu cháu bé xong thì sản phụ còn lại cũng đang cần chị đến đỡ, chị lại vội vã chạy sang để tiếp tục công việc của mình. May mắn là cả hai sản phụ cũng như các cháu bé đều khỏe mạnh, đó cũng chính là niềm động viên an ủi đối với chị.

Theo chị Phương thì đối với một người làm ngành y, trước tiên mình phải tỉnh táo để có những quyết định sáng suốt, cần có kinh nghiệm và sáng kiến thì tất cả mọi việc đều xử lý được.

Đối với chị, chỉ hi vọng trong khoảng thời gian còn lại trong nghề chị có thể giúp được các sản phụ sinh con an toàn và khỏe mạnh, nhìn thấy các cháu bé chào đời đó cũng chính là niềm hạnh phúc mà cuộc đời đã mang đến khi quyết định làm nữ hộ sinh.

Diễm Phước - Trí Thức


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 497
Tháng 07 : 25.069
Năm 2024 : 1.164.376
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.962.890