• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh BHYT từ 01/01/2021: Tăng quyền lợi lựa chọn cho người bệnh

Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), từ ngày 1-1-2021 sẽ thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh BHYT. Theo đó, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như đúng tuyến. 

Cụ thể, căn cứ Điều 22 Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, người có thẻ BHYT khi đi KCB trái tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng khi đi khám đúng tuyến với các tỷ lệ sau: Tại bệnh viện tuyến T.Ư: 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (từ năm 2021); tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí KCB.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh với nhiều trang thiết bị hiện đại đảm bảo tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân

 

Cụ thể, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224 ngàn đồng); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%. Mức chi trả này áp dụng từ năm 2021 trở đi.

Trước thực trạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, về mặt xã hội, khi thông tuyến tỉnh BHYT, bệnh nhân được hưởng những điều kiện điều trị tốt hơn, được quyền chọn lựa theo đúng nhu cầu. Còn bệnh viện tuyến tỉnh phải tự thay đổi, đầu tư về con người, về quy trình, về kỹ thuật để thu hút người dân ở lại địa phương điều trị. Như vậy, về lâu dài hệ thống y tế sẽ phát triển đồng bộ.

Quy định mới này là tin vui với nhiều người tham gia BHYT. Bà Lê Thị Hà, 61 tuổi, ở xã thôn Quý Hải, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà cho biết: “Tôi đang điều trị ung thư  lưỡi tại Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, theo quy định này từ đầu năm 2021 gia đình không phải xin giấy chuyển viện vẫn được nhập viện điều trị bình thường”. Bà Hà cho biết thêm “không ai muốn bị bệnh, nhưng khi có bệnh, ai cũng muốn được điều trị tại các cơ sở KCB có chất lượng tốt, nhất các các cơ sở y tế đúng chuyên khoa như bệnh Ung thư lưỡi của tôi”.

Thời gian qua, bệnh viện đã triển khai nhiều loại phẫu thuật mới hiện đại như: Phẫu thuật khớp vai, khớp gối...

Bác sỹ Hoàng Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết: Theo quy định này sẽ giúp bệnh nhân lựa chọn cơ sở điều trị bệnh mình mong muốn cùng tuyến tỉnh. Về áp lực chuyên môn đối với bệnh viện thì không có sự thay đổi nhiều vì tất cả bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh đều bệnh nhân nặng và được điều trị như từ trước đến nay. Còn bệnh nhân có lựa chọn đi điều trị tại các bệnh viện đa tuyến tỉnh ở các tỉnh các khác bệnh viện cũng chưa nghĩ đến nhiều. Vì hiện tại chất lượng chuyên môn điều trị của bệnh viện rất tốt, đã triển khai được kỹ thuật cao trong điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Cũng theo bác sỹ Trung: Dự kiến lượng bệnh nhân sẽ tăng lên, đây là cơ hội để bệnh viện phát triển tốt hơn, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sỹ, nhưng cũng là thách thức, áp lực của bệnh viện trong điều kiện cơ sở vật chất có hạn. Do vậy ngay từ đầu tháng 12/2020, bệnh viện rà soát cơ sở hạ tầng, bố trí kê thêm khoảng 100 giường bệnh; quán triệt đội ngũ bác sỹ phải hết sức chặt chẽ trong chỉ định nội trú, tránh quá tải bệnh viện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ KCB, thanh tra, kiểm tra, giám sát KCB, kết nối với các cơ sở KCB để chuyển tuyến dưới các trường hợp sau thời gian điều trị tuyến tỉnh đã ổn định.

và ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong hoạt động KCB

 

Với cơ sở hạ tầng đầy đủ, tiện nghi, trang thiết bị máy móc hiện đại, phục vụ được các kỹ thuật tuyến trung ương đã thực hiện, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đủ tự tin đủ khả năng cạnh tranh với các bệnh viện tuyến tỉnh lân cận; cơ bản thực hiện được 70-80% các dịch vụ theo phân tuyến của Bộ Y tế. Các kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật sọ não, đặt máy tạo nhịp, chụp mạch vành, đặt stent, các kỹ thuật mới trong điều trị nội khoa, ngoại khoa.. được triển khai thành công tại bệnh viện, tạo dựng được lòng tin của người bệnh.

Không chỉ bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh mà các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa tuyến huyện cũng đang tích cực đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng KCB, không ngừng đầu tư nhân lực, vật lực để thực hiện tốt nhiệm vụ KCB nhằm “giữ chân” người bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không ồ ạt đổ lên các bệnh viện tuyến trên khi mà các bệnh viện tuyến dưới vẫn triển khai được các kỹ thuật khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Các bệnh viện Đa khoa tuyến huyện cũng đầu tư triển khai nhiều kỹ thuật mới điều trị cho bệnh nhân, giảm áp lực tuyến tỉnh

 

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Diện, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh: Việc thông tuyến tỉnh khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT không chỉ giúp người bệnh giảm các thủ tục rườm rà mà còn giúp người bệnh được quyền lựa chọn nơi phục vụ có chất lượng và phù hợp để điều trị. Điều đó đồng nghĩa với việc cơ sở y tế tỉnh nào thu hút được nhiều bệnh nhân thì càng có nhiều kinh phí để hoạt động. Chính vì thế, đòi hỏi các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh phải luôn tự đổi mới thông qua việc nâng cao chất lượng chuyên môn và cung cách phục vụ.

Đối với Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh, để đáp ứng nhu cầu của người dân khi thông tuyến khám, chữa bệnh, Bệnh viện đã củng cố lại các phòng khám, tinh gọn lại quy trình tiếp nhận bệnh nhân, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cùng với đó, Bệnh viện chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sỹ.  Do đó, trong năm 2020 Bệnh viện đã cử 7 y, bác sỹ đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn các chuyên khoa; Đầu tư  mua sắm thêm các trang thiết bị, giường bệnh hơn 1,5 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhât bệnh nhân đi điều trị tại các bệnh viện tỉnh khác, nhất là các tỉnh lân cận.

Nhật Thắng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.612
Tháng 03 : 179.707
Năm 2024 : 481.777
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.280.291