• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chuyển đổi số y tế là nền tảng, động lực để y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế

Chuyển đổi số y tế Quốc gia - Điểm sáng 2020 là chương trình gồm diễn đàn cấp cao, chuỗi hội nghị và triển lãm do Bộ Y tế, VPCP và Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp tổ chức.

Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính VPCP, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin Truyền thông và  Tập đoàn Đầu tư và quản lý V-startup phối hợp thực hiện ngày 29,30/12/2020, tại Hà Nội. Với mục đích tận dụng tối ưu các thành tựu về ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực xã hội, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19. Để làm rõ hơn về vấn đề này, báo SK&ĐS đã phỏng vấn GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Nguyễn Thanh Long kiểm tra việc quản lý hồ sơ sức khỏe tại Trạm y tế xã Hương Long - huyện Hương Khê - Hà Tĩnh. Ảnh: Từ Thành

Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Nguyễn Thanh Long kiểm tra việc quản lý hồ sơ sức khỏe tại Trạm y tế xã Hương Long - huyện Hương Khê - Hà Tĩnh. Ảnh: Từ Thành

PV: Hội nghị Chuyển đổi số y tế Quốc gia được tổ chức là hội nghị có ý nghĩa lớn đối với ngành y tế hiện nay trong bối cảnh đất nước chúng ta thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Bộ trưởng có thể cho biết, chuyển đối số trong ngành y tế sẽ làm thay diện mạo ngành y tế ra sao?

GS.TS. Nguyễn Thanh Long: Triển khai Chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chuyển đổi số trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời.

Đối với ngành y tế chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi ngành theo 3 góc độ:

Thứ nhất, tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan quản lý, hướng đến cách thức quản lý công việc và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số.

Thứ hai, tác động đến trực tiếp đến các đối tượng và các dịch vụ cung cấp của ngành y tế, thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ y tế truyền thống sang các dịch vụ y tế số mà nền tảng là dữ liệu số.

Thứ ba, cách thức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, thay đổi cách thức làm việc của ngành y tế. Quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế phải đầu tư vào số hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) mạnh mẽ. Trong một môi trường mà các tổ chức được định hướng bởi dữ liệu và cách thức làm việc mới thì tương lai của ngành y tế gắn liền với khả năng kết nối, trao đổi, sử dụng và phân tích dữ liệu, điều này đòi hỏi ngành y tế phải thay đổi cách thức làm việc, thay vì làm việc trên giấy tờ theo phương pháp truyền thống phải chuyển đổi sang làm việc trên dữ liệu số; và từng bước hoàn hiện việc kết nối, trao đổi, sử dụng và phân tích dữ liệu số.

PV: Xác định được những tác động cốt lõi của chuyển đổi số đến ngành y tế là vô cùng quan trọng. Vậy Bộ Y tế đã làm những gì để chuẩn bị cho công tác chuyển đổi số của ngành y tế hiện nay.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long: Ngành y tế đã chuẩn bị từ rất sớm cho vấn đề chuyển đổi số, một số kết quả đạt được trên các lĩnh vực như:

- Xây dựng và ban hành nhiều văn bản góp phần hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý để triển khai CNTT y tế. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo làm cơ sở cho chuyển đổi số y tế.

- Đầu tư xây dựng hạ tầng, nền tảng kỹ thuật CNTT. Bộ Y tế đã bước đầu xây dựng trung tâm dữ liệu y tế của Bộ, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung.

- Bộ Y tế đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước; 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số.

- Đến ngày 30/6/2020 đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao.

- Đã khai trương Cổng công khai y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…Thông qua Cổng công khai y tế, người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp.

-  Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bệnh viện: 100%  các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và 01 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

- Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay đã có 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

-  Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Ngày 25/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự Lễ Khánh thành.

-  Triển khai nhiều ứng dụng CNTT hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn COVID ….

PV: Bộ trưởng cho biết nội dung của chuyển đổi số trong y tế gồm những nội dung gì, thưa ông?

GS.TS. Nguyễn Thanh Long: Chuyển đổi số y tế là nền tảng và động lực để y tế Việt Nam hướng tới một nền y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuyển đổi số y tế, chúng ta phải hoàn thành việc triển khai hệ thống thông tin y tế quốc gia thông qua nền tảng số. Thông tin y tế được thu thập đầy đủ, chất lượng, kịp thời và được chia sẻ theo phân quyền và bảo mật phù hợp cho tất cả cả cơ sở y tế, cơ quan, doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý. Thông tin y tế sử dụng hiệu quả trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, công tác quản lý theo dõi dịch bệnh và ra quyết định chính sách của ngành y tế.

Phải thực hiện được hầu hết các dịch vụ y tế được cung cấp chủ yếu trên nền tảng số, đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng, tức thời.

Người dân được theo dõi, xét nghiệm, tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối với tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc. Mỗi người dân có thể tự quản lý, kiểm soát và thông báo thông tin sức khỏe của mình thông qua hồ sơ sức khỏe cá nhân. Giám sát dịch bệnh nhanh chóng và tự động dự báo ổ dịch.

PV: Thưa Bộ trưởng, lĩnh vực nào cần được ưu tiên chuyển đổi số trong ngành y tế hiện nay?

GS.TS. Nguyễn Thanh Long: Lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số hiện nay là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và chuyển đối số trong bệnh viện.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh là việc làm cần thiết và góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam cụ thể như:

- Triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ.

- Phát triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm…

- Phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu thu thập từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

- Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.

- Phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.

- Xây dựng, triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã, đảm bảo đáp ứng được tất cả các nghiệp vụ của trạm y tế xã, đáp ứng các quy định tại Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Đối với chuyển đối số trong bệnh viện ưu tiên đến các nội dung:

- Triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân,...) trên mạng nhằm nâng cao khả năng tự động hóa. Đồng bộ mã số định danh Y tế (ID): Sử dụng mã số BHXH của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc.

- Xây dựng “bệnh viện thông minh”: Các cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh để xây dựng lộ trình đáp ứng “bệnh viện thông minh”.

- Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.

- Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa theo các yêu cầu tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước.

- Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh.

- Xây dựng chuẩn kết nối các thiết bị liên quan đến chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý vạn vật y tế kết nối làm nền tảng xây dựng các hệ thống chuyên gia hỗ trợ ra quyết định lâm sàng;

PV: Muốn chuyển đổi số y tế thành công, toàn ngành phải hành động và vào cuộc quyết liệt, thưa Bộ trưởng?

GS.TS. Nguyễn Thanh Long: Chương trình chuyển đổi số của Bộ Y tế với các mục tiêu cụ thể và với nhiều nhiệm vụ, giải pháp vì sự phát triển, hiện đại hóa toàn ngành vì mục tiêu cao cả là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để đạt được mục tiêu đề ra, tôi yêu cầu toàn thể cán bộ ngành y tế tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đoàn kết, nỗ lực, không ngừng nâng cao năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong ngành y tế cần quán triệt Chương trình chuyển đổi số y tế, xây dựng kế hoạch và thực hiện quyết liệt chuyển đổi số cụ thể của đơn vị mình. Vai trò Thủ trưởng có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc thực hiện chuyển đổi số thành công tại các đơn vị.

Bộ Y tế cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của cá nhân Thủ tướng, Phó Thủ tướng đối với các hoạt động của ngành nói chung và công cuộc chuyển đổi số y tế nói riêng.

Bộ Y tế mong muốn các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp, giúp đỡ trong sự nghiệp y tế cũng như trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số y tế.

Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hợp tác mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và đặc biệt là trong chuyển đổi số y tế.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.994
Tháng 04 : 113.820
Năm 2024 : 611.039
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.409.553