Vì tương lai của giống nòi toàn dân hãy sử dụng muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt trong bữa ăn hàng ngày
Trước đây, chúng ta lầm tưởng bệnh bướu cổ do thiếu I-ốt chỉ thường gặp ở đồng bào miền núi cao. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng thiếu I-ốt xảy ra không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển. Tình trạng không thường xuyên sử dụng muối iốt đã và đang diễn ra trở lại khiến cho độ phủ muối I-ốt giảm và nguy cơ thiếu hụt I-ốt quay trở lại, kéo theo bệnh bướu cổ gia tăng. Nguyên nhân là do vẫn còn một bộ phận nhân dân thường xuyên sử dụng muối thường, nhiều hộ gia đình rất ít dùng muối trong nấu ăn hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Tương, sinh năm 1978 ở xóm Đồng Liên, Thạch Đồng bị bệnh bướu giáp đơn thuần đang nằm điều trị tại khoa Nội tiết- Bệnh viện ĐK tỉnh cho biết: “Dạo gần đây tôi thấy cổ to ra, cảm giác nghèn nghẹn, tức ở cổ nhất là khi nuốt; đồng thời thấy đau cơ, mệt mỏi chán ăn trong người và mắc bệnh hay quên. Vào bệnh viện tôi mới biết mình bị bướu giáp đơn thuần và được các bác sĩ tại khoa thăm khám nhiệt tình cũng như điều trị kịp thời. Gia đình tôi không sử dụng muối I ốt mà sử dụng nước mắm, muối trăng để nêm thức ăn”.

Bác sĩ Thái Thọ - Phó khoa Nội tiết- bệnh viện ĐK tỉnh chia sẻ: Việc thiếu hụt I-ốt thời gian ngắn không ảnh hưởng sức khỏe, chỉ khi thiếu hụt I-ốt lâu dài mới gây nên bệnh tật. Việc cơ thể thiếu hụt I-ốt giai đoạn đầu không có biểu hiện rõ rệt nên người dân không biết để bổ sung I-ốt, đến khi có các biểu hiện thì bệnh đã nặng. Biểu hiện bệnh do thiếu hụt I-ốt như: Đối với trẻ em, trẻ ăn uống kém, chậm phát triển chiều cao, cân nặng, phản ứng kém, lưỡi to, điếc, nói ngọng, mắt lác…; đối với người lớn, biểu hiện có bướu cổ, giảm khả năng lao động; nếu đến lúc bị thiểu năng tuyến giáp nhẹ thì khó chẩn đoán bằng mắt thường, chỉ biết được khi làm xét nghiệm. Cách bổ sung I-ốt đơn giản nhất là dùng muối I-ốt trong chế biến thức ăn hàng ngày. Hàm lượng I-ốt trong muối chỉ chiếm một phần nhỏ, lại không màu, không mùi, không gây phản ứng hóa học nên có thể dùng muối I ốt nêm vào các món ăn thay cho muối bình thường. Mỗi ngày chỉ cần dùng khoảng một thìa cà phê muối I-ốt là đảm bảo cung cấp đủ lượng I-ốt cần thiết cho cơ thể. Cần bổ sung các thực phẩm giàu I-ốt như: Các loại hải sản, các loại rau: rau xanh đậm, rau dền, rau đay, mồng tơi, các loại trái cây tươi, thịt và sữa…
Để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc sử dụng muối đối với sức khỏe, duy trì bền vững các mục tiêu phòng, chống rối loạn do thiếu I-ốt, hằng năm Trung tâm YTDP tỉnh tăng cường triển khai các hoạt động giám sát chất lượng muối tại nơi sản xuất để kiểm tra, đánh giá kết quả đạt chuẩn; đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại do thiếu I-ốt đối với sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ nhỏ; phát hiện, phân loại các bệnh do thiếu hụt I-ốt gây ra... Theo đó, hằng tháng, đơn vị tổ chức 2 lần giám sát chất lượng muối i-ốt tại nơi sản xuất là Công ty CP Muối và thương mại Hà Tĩnh, mỗi năm công ty sản xuất được khoảng 5.000 tấn muối I ốt, kết quả các mẫu cơ bản đều đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hưởng ứng ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt, Trung tâm xây dựng kế hoạch triển khai tháng truyền thông chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt I-ốt, gồm các hoạt động: phát nội dung tuyên truyền trên thông tin đại chúng, tổ chức lễ mít tinh diễu hành, treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến phố, khu dân cư để nâng cao nhận thức và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Lương Tâm- Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Sau khi tuyên bố thanh toán tình trạng thiếu I-ốt ở Việt Nam, dự án phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt (PCCRLTI) không còn nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia mà chuyển thành các hoạt động thường xuyên tại các địa phương. Ban điều hành tự giải thể, gần như không có hoạt động phối hợp liên ngành, cho nên hoạt động PCCRLTI tại một số địa phương bị giảm. Từ năm 2006 đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh không cấp kinh phí cho Dự án PCCRLTI. Sau 2 năm kết thúc dự án mục tiêu quốc gia, tình hình thiếu hụt I ốt có xu hướng quay trở lại. Mặc dù không có nguồn hỗ trợ kinh phí từ trung ương và của địa phương nhưng với chức trách, nhiệm vụ của mình Trung tâm vẫn thực hiện tốt Nghị định 163/2005/NĐ - CP trong việc kiểm tra, đôn đốc triển khai việc sản xuất, cung ứng muối I ốt cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó do thiếu kinh phí nên không triển khai được các hoạt động cụ thể nhằm kiểm soát phòng chống CRLTI gây ra, không tập huấn về kiểm nghiệm chất lượng muối cho các cơ sở sản xuất muối thường xuyên và định kỳ, giám sát chất lượng muối I ốt tại nơi bán, hộ gia đình trên địa bàn không thường xuyên.
Có thể khẳng định, i-ốt là một trong những nguyên tố vi lượng quan trọng, rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Vì vậy, mọi người nên bổ sung I-ôt hợp lý cho cơ thể bằng cách dùng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm. Đây là một biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao, giúp phòng chống được các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra, trong đó có bệnh bướu cổ.
Đoàn Loan