Giao mùa, bệnh về đường hô hấp tăng cao ở người già và trẻ em
Giai đoạn chuyển mùa hiện nay, độ ẩm cao, nhiệt độ không khí luôn thay đổi là điều kiện rất thuận lợi cho các loại nấm mốc phát triển. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến số bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Tại khoa Nội tổng hợp, mới chuyển mùa số bệnh nhân đã tăng khoảng 10% chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi và mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm phế quản phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… Có những bệnh nhân phải cấp cứu nhiều lần do khó thở và suy hô hấp. Điển hình như bệnh nhân Hoàng Xuân Thùy – 56 tuổi ở Cẩm yên , Cẩm Xuyên bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã 5 năm. Cứ chuyển mùa là ông lại phải vào viện. Đợt này ông phải cấp cứu và thở oxy 4 ngày mới đỡ. Không chỉ ông Thùy, nhiều người cao tuổi ở đây cũng phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp do chuyển mùa.

Theo bác sỹ Vương Kim Đức – trưởng khoa Nội tổng hợp: Người cao tuổi thường đa bệnh lý, nhiều bệnh mãn tính phối hợp nên trong giai đoạn chuyển mùa bệnh mãn tính hay tái phát, đặc biệt các bệnh mãn tính về đường hô hấp như: phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, viêm phế quản phổi… Để phòng tránh những bệnh về đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa, theo bác sỹ Đức: người cao tuổi cần phải giữ ấm, tránh lạnh đột ngột, không ăn thức ăn lạnh, duy trì tập thể dục đều đặn, phù hợp với lứa tuổi như: đi bộ, đi xe đạp… Đối với những bệnh nhân bị bệnh Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cần cách ly với môi trường gây bệnh, bỏ thuốc lá, thuốc lào, các yếu tố gây dị ứng và sống trong môi trường trong lành. Khi lên cơn cấp, người nhà cần nhanh chóng cho bệnh nhân sử dụng các thuốc người bệnh vẫn sử dụng như thuốc xịt, bơm giãn phế quản, dùng các thiết bị hỗ trợ hô hấp nhằm tránh biến chứng suy hô hấp. Cần đặc biệt chú ý không tự sử dụng thuốc mà không phải do bác sĩ kê đơn, trong trường hợp hết thuốc người bệnh đang dùng phải nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế mà bệnh nhân đã khám trước đó hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Tại khoa Nhi, cháu Cao Hải Đăng – 6 tháng tuổi ở Sơn Tây – Hương Sơn đã ở phòng cấp cứu 4 ngày nay mà vẫn phải thở oxy. Do cháu bị viêm phổi nặng cộng với bị tim bẩm sinh nên bệnh diễn biến nặng và khó điều trị. Chị Lê Thị Nga, mẹ của cháu cho biết: Khi thấy cháu ho, khó thở gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện Cửa khẩu Cầu Treo để điều trị nhưng không đỡ. Sau 2 ngày thì được chuyển xuống bệnh viện tỉnh. Hiện cháu đang được theo dõi và điều trị tích cực nhưng sức khỏe vẫn tiến triển chậm, đang phải thở oxy.

Bác sỹ Nguyễn Hữu Anh – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tại khoa hiện có khoảng gần 100 bệnh nhân nhi, quá tải trên 200% so với quy định. Phần lớn các bệnh nhân nhi bị mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiều nhất là viêm phổi. Có những trường hợp rất nặng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo bác sỹ Anh: giao mùa trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi. Khi trẻ có biểu hiện ho, sốt, nhịp thở nhanh, co rút lõm lồng ngực... là viêm phổi nặng. Nếu trẻ có 1 trong các dấu hiệu nguy hiểm như không uống được, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở rít khi nằm im, suy dinh dưỡng nặng là biểu hiện của viêm phổi rất nặng cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay để điều trị cấp cứu và chăm sóc đặc biệt. Để phòng các bệnh về đường hô hấp là đảm bảo chế độ dinh dưỡng: cho trẻ bú sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý các thực phẩm giàu dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi. Giữ ấm cho trẻ nhất là mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi. Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ, tránh khói thuốc lá, than bụi trong nhà, tiêm chủng đầy đủ đúng lịch. Đặc biệt khi trẻ bị bệnh cần phát hiện sớm và chăm sóc tốt. Cùng với các bệnh về hô hấp, thời điểm giao mùa bệnh nhi mắc các bệnh về đường tiêu hóa cũng tăng cao, đặc biệt mắc tiêu chảy do rotavirut. Do đó cha mẹ cần chú ý để chăm sóc tốt cho các cháu.
Thu Hòa