• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Sở Y tế Hà Tĩnh “lên dây cót” phòng, chống dịch tay chân miệng

Sở Y tế Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành rà soát, bổ sung kế hoạch; đảm bảo các điều kiện để phòng và điều trị bệnh tay chân miệng.

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam, trong đó cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Sở Y tế Hà Tĩnh “lên dây cót” phòng, chống dịch tay chân miệng

Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng (ảnh internet)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Trên cơ sở này, Sở Y tế Hà Tĩnh vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chủ động các giải pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Theo đó, các đơn vị trong toàn ngành rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn; đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các bệnh viện để phòng và điều trị bệnh tay chân miệng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng; truyền thông, bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất cần thiết để đáp ứng công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tập huấn và triển khai việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng; tham khảo các nội dung chuyên môn trong cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế do Nhà xuất bản Y học phát hành năm 2013 và chỉ đạo của các bệnh viện tuyến trên.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở. Tổ chức khám sàng lọc người bệnh để chỉ định điều trị ngoại trú, điều trị nội trú và chuyển tuyến phù hợp với mức độ, diễn biến của bệnh.

Sở cũng giao Bệnh viện đa khoa tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, hóa chất và vật tư y tế để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn chuyển đến. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức kíp thường trực cấp cứu, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

Theo số liệu cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 7 ca mắc tay chân miệng. Các ca bệnh này mắc rải rác và được điều trị kịp thời, không xuất hiện các ổ dịch.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh tay chân miệng thể hiện ban đầu trẻ thường sốt nhẹ, trẻ lớn đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn; trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú. Khi đó, trong miệng trẻ có thể đã có những vết loét đỏ xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, nướu, lưỡi và có thể thấy những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ. Nếu trẻ sốt hơn 39 độ C và có những triệu chứng khác như: bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì cần đưa đến bệnh viện kịp thời để thăm khám và điều trị.

Nhật Thắng


Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.387
Tháng 10 : 47.216
Năm 2024 : 2.421.538
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.220.052