Không lơ là vấn đề an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học
Hà Tĩnh có hơn 450 trường Mầm non và Tiểu học tổ chức ăn bán trú, với tổng số học sinh gần 130 ngàn em. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch Covid - 19 hầu hết các Trường Tiểu học đã dạy học trở lại nhưng chưa tổ chức ăn bán trú. Riêng hệ Mầm non có 106/265 trườngđi học trở lại, trong đó có khoảng trên 80% Trường Mầm non tổ chức cho các cháu ăn bán trú. Song song với công tác dạy học, các Trường có tổ chức ăn bán trú đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng, chống dịch Covid - 19.
Bác sỹ Phan Văn Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Mặc dù công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam bước đầu được kiểm soát tốt, song tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, do đó yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú không thể chủ quan, lơ là mà cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phòng, chống dịch. Yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả các bếp ăn bán trú ở các Trường trên địa bàn”.
Thành phố Hà Tĩnh có tổng số 25/25 Trường Mầm non đi học trở lại và tất cả các trường đều tổ chức cho các cháu ăn bán trú, trong đó có 10 Trường tư thục. Có mặt tại Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du vào đầu giờ sáng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui thể hiện trên khuôn mặt của nhiều phụ huynh, học sinh.
Chị Đoàn Thị Mỹ Loan, phụ huynh của cháu Khánh Chi, lớp Panda 4 phấn khởi: “Đã gần 3 tháng cháu nghỉ học để tránh dịch Covid -19, bây giờ đi học trở lại mẹ rất yên tâm về chế độ ăn uống của cháu ở trường. Vì mẹ đã gửi cháu ở đây gần 3 năm và cháu đầu cũng gửi ở đây nên mẹ biết được bữa ăn của cháu đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Cô Hồ Thị Mỹ Lý, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhà trường có 607 cháu, với 26 lớp. Trong ngày đầu có 369 cháu đi học, sang ngày thứ 2 và ngày thứ 3, mỗi ngày có trên 400 cháu đi học. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngoài những việc khử trùng bếp ăn và toàn bộ khuôn viên, phòng học trước khi học sinh đến lớp, nhà trường cũng chuẩn bị khẩu trang đầy đủ cho nhân viên phục vụ bếp ăn. Trước đây nhà trường tổ bữa ăn gia đình cho các cháu nhưng bây giờ tạm dừng và sắp xếp giãn cách, chia khẩu phần cho từng cháu; bố trí giao nhận thực phẩm ở ngoài trường nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch Covid - 19”.
Với Trường Mầm non Hoa Sen, Thạch Trung, Thành phố có tổng số 385 học sinh, với 14 lớp, trong những ngày đầu nhà trường đón mỗi ngày trên 200 cháu đi học trở lại. Hiệu trưởng nhà trường cô Nguyễn Thị Hoa Hường tâm sự: “Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để các cháu được sống môi trường an toàn, sạch sẽ; trang bị đầy đủ xà phòng, dung dịch sát khuẩn tại tất cả các phòng học, cửa ra vào; yêu cầu tất cả giáo viên và nhân viên phục vụ nhà bếp phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước và sau khi sơ chế, chế biến thực phẩm và cho trẻ ăn; hướng dẫn các cháu vệ sinh tay thường xuyên, nhất là trước và sau bữa ăn”.
Huyện Lộc Hà là nơi có 07 Trường Mầm non, Nhà trẻ tư với trên 100 cháu đi học trở lại, hầu hết các Trường, Nhà trẻ đểu tổ chức cho các cháu ăn bán trú. “Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng, chống dịch Covid – 19 khi học sinh trở lại ăn bán trú, Phòng Y tế đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức kiểm tra tại các Trường, Nhà trẻ tư. Sau khi kiểm tra hầu hết các Trường, Nhà trẻ đều đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thì mới tổ chức ăn bán trú. Trong khi học sinh đi học trở lại, cán bộ Y tế huyện và xã thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn các trường thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế”, bác sỹ Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Y tế huyện Lộc Hà cho biết.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch COVID-19, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú phải thực hiện một số nội dung: Chỉ những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định mới được hoạt động. Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng, có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm.Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng, có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay; đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng. Có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi. Có thể bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.Giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống.Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định.Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí nêu trên, yêu cầu người đứng đầu chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý.
Thanh Loan - Nguyễn Duy