• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hậu phương vững vàng của các “chiến sỹ” tuyến đầu chống dịch

Không trực tiếp tham gia phòng chống dịch Covid- 19 nhưng luôn là hậu phương vững chắc trong trận chiến này. Họ là những người chồng, người vợ, cha mẹ, người thân của đội ngũ nhân viên y tế - những người đang từng ngày từng giờ căng mình nơi tuyến đầu chống dịch. Đặt sự lo lắng, tình cảm cá nhân sang một bên, họ trở thành động lực tinh thần quan trọng góp sức cùng tuyến đầu chống dịch.

“Bố ơi, khi mô mẹ về?”, tiếng em bé vọng hỏi trong điện thoại khi chúng tôi phỏng vấn anh Trần Huy Anh, chồng của Kỹ thuật viên Đặng Thị Phúc, khoa Cận lâm sàng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Anh tâm sự: mấy tháng nay vợ phải đi sớm về muộn. Có khi mấy ngày không về, con nhớ mẹ nhưng cũng đành chịu. Có hôm mẹ về thì đã gần 12 giờ đêm (chị Phúc làm việc xa nhà gần 20km), con đã ngủ; sáng mẹ đi sớm thì con lại chưa ngủ dậy. Đó là hình ảnh quen thuộc kể từ khi có dịch Covid -19 của gia đình nhỏ anh Anh, chị Phúc. 

Chị Đặng Thị Phúc, khoa Cận lâm sàng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật bên gia đình

 

Chị là cán bộ xét nghiệm nên đợt dịch này xa nhà thường xuyên, anh làm ở xa nên việc chăm sóc con cái phải nhờ cả vào bà ngoại và họ hàng. Nhiều lúc con nhớ mẹ không chịu ngủ, bà ngoại đã già nhưng vẫn đêm hôm lụi cụi dỗ dành cháu. Vậy nhưng, những người thân của chị chưa từng trách móc hay nản chí, ai cũng động viên, ủng hộ chị cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, vì gia đình, vì nhân dân.

15 năm “góp gạo thổi cơm chung”, dù đã quen với cảnh vợ phải trực đêm tại trạm y tế, nhưng anh Nguyễn Văn Tuấn (cũng là cán bộ y tế công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh) không nghĩ lần này vợ lại "vắng nhà" lâu đến vậy. Đã tròn 30 ngày kể từ khi chị Phan Thị Hiền không về nhà, cùng các đồng nghiệp trực 24/7 tại trạm y tế xã Thạch Long để khám, chăm sóc các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F1).   

Chị Phan Thị Hiền cùng gia đình

 

"Khi nhận tin vợ nhắn sẽ ở lại trạm thực hiện nhiệm vụ đến khi hết dịch mới về, tôi không quá bất ngờ, nhưng thực sự lo lắng bởi biết rằng "chiến dịch" chống dịch Covid-19 sẽ còn dài. Xác định lấy vợ làm nghề Y - nghề vất vả và không kém phần nguy hiểm khi phải đối mặt với đủ thứ dịch bệnh, nên việc bố con phải tự chăm nhau khi mẹ đi trực đêm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thời gian này bản thân tôi cũng là cán bộ y tế, nên đành phải gửi 2 con lên bà nội ở Vũ Quang. Bà năm nay gần 80 tuổi, ông đã mất nên việc chăm sóc các cháu đang tuổi ăn tuổi lớn cũng có phần vất vả”

Là một trong những gia đình có chồng là cán bộ y tế đang trực tiếp làm việc tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Chị Nguyễn Thị Vinh, Vợ của bác sĩ CKI Hoàng Viết Cường (35 tuổi) – Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cùng các thành viên trong gia đình hiểu rõ hơn hết những vất vả của chồng trong việc tham gia công tác chống dịch Covid- 19. Từ ngày nhận nhiệm vụ tăng cường lên Bệnh viện đa khoa cửa khẩu Cầu Treo để chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Coviđ -19, anh đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công việc được giao phó. Do yếu tố công việc nên đây cũng là khoảng thời gian mà chị Vinh cùng gia đình chỉ được gặp anh qua các cuộc gọi điện thoại, nói chuyện và thông tin hình ảnh qua mạng xã hội. Từ đó cũng giúp các thành viên trong gia đình chia sẻ nhưng tâm tư tình cảm, hiểu được những việc làm thường ngày của anh.

Khoảng thời gian anh vắng nhà cũng là lúc mọi công việc gia đình, con cái dồn trên đôi vai chị Vinh, dù chị đang mang thai em bé thứ 2 chỉ mấy ngày nữa là đến kỳ sinh, dù vất vả hơn nhưng bản thân chị đã luôn cố gắng lo toan cho gia đình bảo đảm, chăm sóc cho con đầy đủ để chồng yên tâm công tác. Cũng may thời điểm này có ông bà ngoại hỗ trợ nên chị cũng đỡ vất vả. Thời gian rảnh hay những lúc nghỉ trưa, buổi tối là khoảng thời gian ý nghĩa nhất bởi đó là lúc chị và các thành viên trong gia đình được anh Cường gọi điện về để nói chuyện, thăm hỏi.

Dòng chia sẽ trên Facebook của bác sỹ Hoàng Viết Cường - BVĐK tỉnh Hà Tĩnh

15 ngày anh đi chống dịch, chị chuyển dạ và được đồng nghiệp, gia đình hỗ trợ đưa vào bệnh viện sinh mổ. Lúc con gái chào đời, anh không ở cạnh mà chỉ nhìn qua con qua điện thoại được đồng nghiệp ghi lại. Những lúc anh gọi điện về, chị chỉ tha thiết: “liệu anh có về kịp đầy tháng con không?”

Còn nhiều, nhiều lắm những hậu phương thân yêu đang chờ đợi những cán bộ “chiến sỹ” chống dịch của chúng ta chở về, là những người chồng 12 giờ đêm thấp thỏm chờ vợ đi lấy mẫu; là những người con đếm từng ngày chờ mẹ trở về; là những người bố, người mẹ thức trắng đêm thương con nơi tiền tuyến chống dịch…

Hiểu và cảm thông với những công việc thầm lặng, những vất vả, nguy hiểm của con, của vợ, chồng mình nên những người thân đã đặt nỗi lo âu, tình cảm sang một bên cùng chia sẻ tất cả công việc trong gia đình, ai cũng hiểu rằng cuộc sống gia đình ổn định sẽ là hậu phương vững chắc để cho những người đang ở tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những cuộc điện thoại hỏi thăm lúc giờ nghỉ, rãnh rỗi sau mỗi ngày làm việc là những gửi gắm đầy ý nghĩa và tình cảm chứa chan. Đây cũng là nguồn động viên để những cán bộ, y bác sỹ đang ngày đêm túc trực, làm nhiệm vụ nhiệm tại nơi tuyến đầu chống dịch covid- 19 hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.

Thanh Nhàn   


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.118
Tháng 04 : 196.944
Năm 2024 : 694.163
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.492.677