• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Gửi 3 con thơ, nữ điều dưỡng 20 ngày miệt mài 'chiến đấu' ở khu cách ly

Con ốm mẹ nghe tin chỉ biết khóc!

Điều dưỡng viên Lê Thị Vinh Quỳnh (sinh năm 1985) làm việc tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã 8 năm nay. Ngay khi huyện hành lập khu cách ly tập trung để đón người từ Lào, Thái Lan về trong đợt dịch Covid-19, chị được phân công làm việc trong một tổ y tế

 

Gửi 3 con thơ, nữ điều dưỡng 20 ngày miệt mài 'chiến đấu' ở khu cách ly
Khu cách ly tại nhà khách Việt Lào nơi chị Quỳnh làm việc

Công việc của tổ y tế là tiếp nhận, kiểm tra thân nhiệt và sắp xếp cho công dân từ nước ngoài về các địa điểm cách ly của huyện Lộc Hà. Do đặc thù công việc, tổ y tế này tự cách ly ngay tại các địa điểm, không được về nhà.

Chồng chị Quỳnh công tác trong ngành viễn thông nên cũng ít ở nhà. Chị có 3 con nhỏ, con út mới 2 tuổi nhưng khi được cơ quan giao nhiệm vụ, chị không ngần ngại lên đường đi chống dịch.

“Cơ quan cử tôi vào tổ y tế đón công dân từ nước ngoài về các cơ sở cách ly. Bởi vậy, tôi xác định sẽ đi dài ngày, chồng tôi ban ngày không ở nhà, 3 đứa con phải gửi cho ông bà nội trông”, chị Quỳnh chia sẻ. 

Những ngày đầu chị Quỳnh vắng nhà, con nhỏ 2 tuổi thường xuyên quấy khóc đòi mẹ vào buổi tối. Có lần con bị sốt gần 2 ngày, không chịu ăn uống gì, chị chỉ biết gọi điện nhìn con rồi khóc.

“Cháu còn nhỏ quá, ốm đau không có mẹ bên cạnh thương lắm. Tôi chỉ biết gọi điện dặn dò chồng lấy thuốc cho con uống đầy đủ, tôi hết nhiệm vụ mới về được”, chị Quỳnh kể lại. 

Gửi 3 con thơ, nữ điều dưỡng 20 ngày miệt mài 'chiến đấu' ở khu cách ly
Chị Hoa cùng đồng nghiệp trong tổ xét nghiệm thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân

Cũng như chị Quỳnh, chị Phạm Thị Hoa (sinh năm 1986) là kỹ thuật viên Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lộc Hà. Suốt 15 ngày qua, chị được phân công lấy mẫu xét nghiệm và vẫn  chưa một lần về thăm nhà.

Chồng chị Hoa là nhân viên ở UBND huyện Lộc Hà, chị có đứa con nhỏ 2 tuổi gửi cho bà nội chăm sóc.

Chị làm việc và ở lại trong một căn phòng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà. “Ngày làm việc bắt đầu rất sớm nên chúng tôi được bố trí ở tại bệnh viện”, chị Hoa nói.

Mỗi ngày, chị Hoa thức dậy từ 3h sáng để vệ sinh, dán nhãn các ống đựng mẫu xét nghiệm. Khoảng 5h, chị cùng tổ xét nghiệm lưu động đi lấy mẫu bệnh phẩm, công việc phải hoàn thành trước 10h hàng ngày để kịp gửi lên tỉnh. Thời gian còn lại, chị làm báo cáo tổng hợp kết quả hôm trước, lập danh sách cho hôm sau, có hôm đến 21h mới xong việc.

Là kỹ thuật viên trong tổ xét nghiệm lưu động, nhiều lần chị theo xe lấy mẫu đi ngang nhà mình. Tuy nhiên, chị cũng chỉ nhìn ngôi nhà qua cửa kính ô tô chứ không được phép xuống xe vào thăm con.

 

Lúc này, lợi ích cộng đồng trên hết

Những phút rảnh rỗi nhớ con, nhớ gia đình, chị Quỳnh, chị Hoa chỉ còn cách gọi điện về. Song, cũng có lúc công việc quá nhiều, các chị không còn phút giây lo nghĩ về gia đình.

Gửi 3 con thơ, nữ điều dưỡng 20 ngày miệt mài 'chiến đấu' ở khu cách ly
Chị Hoa cùng đồng nghiệp trong một buổi chuẩn bị đi lấy mẫu xét nghiệm

Có những ngày tổ xét nghiệm của chị Hoa lấy hàng trăm mẫu, mọi người đều mệt mỏi, thậm chí không còn thời gian ăn trưa. Nhưng khi nghĩ về công việc cơ quan giao, bản thân đang góp phần giúp đỡ xã hội nên mọi người trở nên lạc quan hơn. 

Chị Hoa tâm sự, thời gian qua không về nhà, chị rất nhớ người thân. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ chống dịch nên chị luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, không thể đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích của cộng đồng, xã hội. 

Qua cuộc chiến Covid-19, chị Hoa nhận thấy sức mạnh đoàn kết của toàn dân và tự hào về đất nước.

Trong khi đó, chị Quỳnh khiêm tốn cho rằng, chống dịch là trách nhiệm của toàn xã hội, bản thân chị rất vui khi góp một phần công sức nhỏ trong công cuộc chống dịch.

“Việc chống dịch phải được đặt lên hàng đầu nên tôi tạm gác lại việc riêng của bản thân và gia đình. Người thân tôi luôn hiểu, động viên mình cố gắng hơn để hoàn thành nhiệm vụ này”, chị Quỳnh nói. 

Ông Đào Văn Thế - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lộc Hà, cho hay, hiện có 544 công dân chủ yếu từ Lào, Thái Lan về nước đang thực hiện cách ly tại các trung tâm, cơ sở y tế tại huyện. Trong số này, có nhiều người được đưa về cách ly từ đợt đầu tiên vào ngày 19/3.

Theo ông Thế, hai chị Phạm Thị Hoa và Lê Thị Vinh Quỳnh là những người đầu tiên được điều động làm công tác cách ly.

“Hai nữ nhân viên trên đều có con nhỏ nhưng khi được điều động họ vẫn vui vẻ lên đường làm nhiệm vụ. Dù công việc khá nhiều, vất vả nhưng đến nay họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Thế nói.

Cũng theo ông Thế, vì hoàn cảnh gia đình của chị Hoa và chị Quỳnh khá đặc biệt nên thời gian qua, công đoàn của Trung tâm luôn dành sự quan tâm, động viên tinh thần và vật chất để tiếp thêm nghị lực cho hai chị.


Nguồn: Vietnamnet.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.519
Tháng 04 : 181.771
Năm 2024 : 678.990
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.477.504