• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 31/7/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh; Gần 100% trẻ mắc tay chân miệng nhập viện dưới 6 tuổi; Tiếp nhận trên 115.000 đơn vị máu: Hành trình Đỏ 2023 đem lại sự sống cho hàng trăm ngàn người bệnh; 3.600 trẻ tại 7 tỉnh, thành được tầm soát về bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng; Số người Việt béo phì tăng nhanh nhất Đông Nam Á; Người đàn ông bị điếc đột ngột do ăn lòng lợn tiết canh.

Đề xuất nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt để thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh.

Trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng; 5 bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại, để thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa, bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương (Trung du và Miền núi phía bắc) và vùng có mật độ dân số cao (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), 20 bệnh viện chuyên khoa.

Bên cạnh đó, trong quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Y tề đề xuất bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài, thu hút người nước ngoài đến khám chữa bênhh tại Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết bác sĩ Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán… Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị.

Cùng đó tại một số bệnh viện lớn của nước ta thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị...

Cũng theo PGS.TS Khuê, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém.

Cũng tại quy hoạch này, Bộ Y tế nêu rõ định hướng phát triển khu vực y tế ngoài công lập tập trung cung cấp dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, khám chữa bệnh theo yêu cầu, khuyến khích hợp tác công-tư, đầu tư tư nhân; mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện tư nhân đạt 10% tổng số giường bệnh cả nước vào năm 2025, 15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 35 giường bệnh, 15 bác sĩ, 3,4 dược sĩ đại học, 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 là 35 giường bệnh, 19 bác sĩ, 4 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng; năm 2050 là 45 giường bệnh, 35 bác sĩ, 4,5 dược sĩ đại học, 90 điều dưỡng.

Báo cáo của đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho biết, khả năng tiếp cận tới bệnh viện tuyến trung ương ở một số vùng rất thấp, như: vùng Tây Nguyên không có bệnh viện trung ương, Đồng bằng sông Cửu Long có 14 tỉnh nhưng chỉ có 1 bệnh viện trung ương; 80% bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến trung ương không tin tưởng chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến dưới. Hiện chỉ có 32,8% trung tâm y tế/bệnh viện huyện và 27,6% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn. (Theo Báo suckhodoisong.vn)

 

Gần 100% trẻ mắc tay chân miệng nhập viện dưới 6 tuổi

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 9.790 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), không có ca tử vong.

Hiện các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM điều trị 158 ca SXH (có 106 ca tại TP.HCM). Đặc biệt, có đến 13 ca SXH nặng, 8 ca đang thở máy xâm lấn, 2 ca đang được lọc máu. Trong khi đó, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 13.173 ca mắc tay chân miệng (TCM). Các BV tại TP.HCM đang điều trị 477 ca TCM; trong đó có 476 ca mắc TCM dưới 6 tuổi (chiếm 99,7%); có 36 ca TCM nặng. Theo Sở Y tế, phần lớn các ca bệnh SXH và TCM nặng là ở các tỉnh chuyển lên.

Về tình hình dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 5.135 ca mắc Covid-19 được công bố. Hiện tại chỉ còn 2 ca đang điều trị tại BV (1 ca cần hỗ trợ hô hấp) và 1 ca cách ly tại nhà.

Trước tình hình dịch bệnh SXH và TCM gia tăng, trong tuần qua, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã đến các quận, huyện để đánh giá hoạt động phòng chống dịch, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống dịch. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh SXH và TCM lưu hành tại TP.HCM nhiều năm. Như năm 2022, TP.HCM có số ca mắc SXH và tử vong cao nhất trong nhiều năm qua, do đó phải hết sức cảnh giác. Trong những tháng đầu năm 2023, số ca mắc SXH tuy thấp hơn cùng kỳ 2022 nhưng Sở Y tế đánh giá nguy cơ có thể bùng phát, lan rộng nếu không có các giải pháp. TP.HCM đã có sự chuẩn bị từ đầu năm và đã triển khai kiểm soát khá tốt SXH. Để phòng chống dịch SXH tốt hơn, bác sĩ Hưng cho rằng phải huy động người dân cùng tham gia diệt muỗi, lăng quăng và phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" các điểm nguy cơ để chính quyền địa phương xử lý. Còn với dịch bệnh TCM, bác sĩ Hưng đánh giá nguy cơ gia tăng sắp tới là rất lớn, đặc biệt là ở các gia đình có trẻ em. Do đó các phòng y tế quận, huyện tăng cường giám sát ca bệnh TCM, đặc biệt là báo cáo ca bệnh từ các cơ sở y tế tư nhân.

Về điều trị, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 1 - 2 tuần gần đây số ca SXH bắt đầu gia tăng. Do đó các BV, phòng khám cần nhận biết dấu hiệu bệnh nặng, tránh để tử vong. Đối với TCM, hiện các BV của TP.HCM cũng đang quá tải do tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh trong khu vực chuyển về. Hội đồng chuyên môn các BV đã làm việc với nhau và đưa ra khuyến cáo sử dụng thuốc hiệu quả, đặc biệt thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch đang khan hiếm. Dự kiến hơn 1 tuần nữa sẽ có 3.000 lọ Gamma Globulin được nhập về kịp thời điều trị cho bệnh nhân TCM nặng. (theo báo Thanhnien.vn)

 

Tiếp nhận trên 115.000 đơn vị máu: Hành trình Đỏ 2023 đem lại sự sống cho hàng trăm ngàn người bệnh

Diễn ra trong 2 tháng nhưng Hành trình Đỏ 2023 đã tổ chức được 308 điểm hiến máu, tiếp nhận trên 115.000 đơn vị máu. Hành trình Đỏ là chương trình hiến máu lớn nhất trong năm, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013, là giải pháp có hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào mỗi dịp Hè.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2023 đưa ra thông tin trên tại Hội nghị tổng kết Hành trình Đỏ lần thứ XI – năm 2023 do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tổ chức sáng nay 30/7 ở Hà Nội.

Hành trình Đỏ là chương trình hiến máu lớn nhất trong năm, là giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho điều trị. Một thập kỷ đồng hành cùng người bệnh, Hành trình Đỏ đã thu hút hàng triệu lượt người tham dự, tiếp nhận gần 700.000 đơn vị máu.

Năm nay, Hành trình Đỏ thứ XI diễn ra từ ngày 1/6 - 30/7/2023 đã có 46 tỉnh/thành phố tham gia, tổ chức được 308 điểm hiến máu và tiếp nhận trên 115.000 đơn vị máu.

Qua 11 năm tổ chức, Hành trình Đỏ đã diễn ra tại 58/63 tỉnh/thành phố; tổ chức thành công 2.653 điểm hiến máu, tiếp nhận trên 810.000 đơn vị máu. 5 địa phương đã tổ chức Hành trình Đỏ trong suốt 11 năm qua là: Lâm Đồng, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh; 6 địa phương tổ chức trong 10 năm là: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cần Thơ.

"Chính nhờ những kết quả rất đáng khích lệ đó, Hành trình Đỏ đã góp phần đem lại sự sống cho hàng trăm ngàn người bệnh, giúp cho ngành y tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của hàng triệu người dân về HMTN, Hành trình Đỏ thực sự đã khơi dậy tình yêu thương, nghĩa đồng bào, tô thắm nên truyền thống tương thân tương ái đáng tự hào của dân tộc ta và chung sức xây dựng một cộng đồng nhân ái"- PGS.TS Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh.

Chương trình Hành trình Đỏ đã hoàn thành 5 mục tiêu chính: Tạo chiến dịch truyền thông rộng lớn từ TW đến địa phương, đáp ứng nhu cầu máu cho điều trị, nâng cao chất lượng công tác vận động và tiếp nhận máu, điều phối công tác tiếp nhận – cung cấp máu trên toàn quốc và lan tỏa tinh thần nhân ái, yêu thương, thể hiện trách nhiệm với xã hội. Trong đó đặc biệt để lại nhiều dấu ấn trong công tác điều phối máu trên toàn quốc.

Trước tình hình một số địa phương gặp khó khăn trong công tác tiếp nhận máu do thiếu vật tư, hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã nỗ lực phối hợp trong công tác tiếp nhận và cung cấp máu. Dù không thuộc diện bao phủ, nhưng Viện Huyết học – Truyền máu TW đã hỗ trợ tiếp nhận 4.342 đơn vị máu tại 6 tỉnh/thành phố khu vực Tây Nam Bộ và 1.148 đơn vị máu tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. 

Cũng nhờ lượng máu từ Hành trình Đỏ, Viện đã "chi viện" cung cấp trên 23.000 đơn vị máu cho khu vực Tây Nam Bộ và trên 2.500 đơn vị máu cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh cũng tích cực cung cấp hàng ngàn đơn vị máu cho khu vực Tây Nam Bộ.

TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị đã đánh giá cao đóng góp của Hành trình Đỏ trong việc góp phần đảm bảo nguồn máu phục vụ công tác điều trị, cấp cứu suốt một thập kỷ qua, nhờ đó hàng trăm ngàn người bệnh đã được cứu sống, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 vừa qua càng thể hiện được ý nghĩa của chương trình hiến máu này.

Theo ông Khoa, sự nỗ lực của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong việc truyền thông và chủ trì, kết nối để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể cùng tham gia HMTN và tạo thành phong trào sâu rộng khắp cả nước. (theo báo suckhoedoisong.vn)

 

3.600 trẻ tại 7 tỉnh, thành được tầm soát về bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng

Sau ba năm triển khai tại 7 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng, dự án Happy Việt Nam đã tầm soát cho 3.600 trẻ, đào tạo cho 200 nhân viên y tế nâng cao nhận thức, thực hiện tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Những hoạt động trên đã góp phần giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Thông tin trên được Ban tổ chức Dự án Happy Việt Nam đưa ra ngày 30/7, khi tổng kết Dự án.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ thấp còi ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi độ tuổi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23%, tương ứng cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng cũng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc. Hậu quả của tình trạng thấp còi đã dẫn đến những khó khăn nhất định, bao gồm: khó khăn trong học tập của trẻ, thu nhập người dân thấp, sự tham gia của cộng đồng hạn chế và năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.

Trước thực trạng này, Tổ Chức ASSIST đã triển khai Dự án Happy Việt Nam giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em từ tháng 7/2020 - 7/2023, với sự đồng hành của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam và đối tác.

Kết thúc dự án, sau ba năm, dự án đã được triển khai tại 7 tỉnh thành có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng cao như: Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thành quả của dự án mang lại bao gồm rất nhiều hoạt động truyền thông và đào tạo cho các phụ huynh và nhân viên y tế.

ThS.BS  Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai) cho hay trẻ em tuổi học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối ưu các tiềm năng di truyền liên quan tầm vóc, thể lực và trí tuệ. Đây là giai đoạn trẻ chuẩn bị cho giai đoạn dậy thì nên rất dễ bị tổn thương khi bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi.

BS Ngân mong muốn mô hình dự án có thể tiếp tục được triển khai và nhân rộng ở nhiều trường, nhiều xã hơn nữa, giúp mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho cộng đồng.

Chia sẻ về dự án, ông Cao Hồng Kỳ - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang chia sẻ đây là dự án thành công nhất ở Hà Giang mà Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp các tổ chức NGO trong nước và quốc tế tài trợ cho tỉnh. Đây là một dự án đúng điểm rơi, đúng nơi mà cần sự hỗ trợ của các tổ chức cũng như là cơ quan chính quyền địa phương. Thông qua dự án này có hơn 105 giáo viên, 400 phụ huynh, cũng như 400 trẻ - học sinh thuộc trường mầm non và trường tiểu học của hai xã thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang đã được khám tầm soát và đã được kiểm tra sức khỏe. "Chúng tôi mong muốn dự án sẽ được tiếp tục phát triển để giúp cho tỉnh Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung"- ông Cao Hồng Kỳ nhấn mạnh. (theo nhandan.vn)

 

Số người Việt béo phì tăng nhanh nhất Đông Nam Á

Tỷ lệ mắc béo phì của Việt Nam không cao so với khu vực nhưng tốc độ tăng đang nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á, ở mức 38%.

"Đáng báo động là tình trạng béo phì ở trẻ em độ tuổi đi học, tăng từ 8,5% lên 19% chỉ trong vòng 10 năm (2010-2020), đặc biệt khu vực thành thị cao gấp đôi nông thôn", bác sĩ Đặng Trúc Lan Trinh, Phó khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói tại hội nghị khoa học thường niên, ngày 29/7.

Tính trên tổng dân số, tỷ lệ người béo phì ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp hơn so với các nước như Malaysia, Thái Lan nhưng tốc độ tăng năm sau cao hơn nhiều so với năm trước. Cụ thể, tỷ lệ gia tăng béo phì hàng năm ở nước ta là 38%, so với mức 10-20% của các nước Đông Nam Á.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận khoảng 1,9 tỷ người thừa cân béo phì, trong đó một tỷ người béo phì trên toàn cầu, ước tính tăng thêm khoảng 167 triệu người năm 2025.

Theo bác sĩ Trinh, béo phì là sự tích lũy mỡ bất thường và quá mức ở một số bộ phận hay toàn bộ cơ thể. Bệnh làm tăng gánh nặng nền kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Đây là nguyên nhân khiến nguy cơ tử vong sớm tăng cao với khoảng 2,8 triệu người chết hàng năm, đặc biệt là tình trạng béo phì ở trẻ em.

Trước đây, béo phì không được công nhận là bệnh lý, bị từ chối chi trả bảo hiểm. Gần đây, béo phì được các tổ chức y tế bao gồm WHO và Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) công nhận là một bệnh mạn tính, phức tạp, đa yếu tố, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. "Chúng ta cần thay đổi quan niệm không đúng, cho đây là bệnh do lối sống sai lầm, sự thiếu ý chí, hay chỉ xem nó là yếu tố nguy cơ của bệnh lý khác", bác sĩ Trinh nói.

Trên thực tế, bệnh có thể do gene, tâm lý xã hội hoặc các yếu tố như thần kinh, chuyển hóa, môi trường. Bệnh có thể do tiêu thụ nhiều chất béo, thức ăn đồ uống ngọt, ít vận động, thiếu ngủ, hút thuốc lá nhiều, dùng thuốc điều trị tâm thần, thuốc corticoid...

Bác sĩ nhận định chế độ ăn truyền thống của người Việt Nam vốn rất lành mạnh với nhiều rau củ, ít thịt cá. Chế độ ăn đang ngày càng thay đổi theo hướng tăng nguy cơ thừa cân, béo phì với làn sóng thức ăn nhanh, ăn hàng quán nhiều hơn tự nấu, cách chế biến chiên, xào, nướng, áp chảo nhiều hơn kho, hấp, luộc. Người dân chọn thực phẩm đông lạnh, đóng hộp hơn thực phẩm tươi sống, uống nhiều rượu, bia, nước giải phát có đường...

Các nghiên cứu ghi nhận 70% người Việt Nam trưởng thành không đạt mức vận động thể lực được khuyến cáo, với số bước chân trung bình một ngày là 3.600 (khuyến cáo là 10.000 bước mỗi ngày). Lối sống ít vận động cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thừa cân, béo phì.

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây nhiều bệnh lý mạn tính không lây như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, trầm cảm, ung thư, nhồi máu cơ tim. Ước tính khoảng 13 loại ung thư liên quan béo phì như vú, tử cung, buồng trứng, gan, mật, tụy, tuyến giáp, đa u tủy. Ở phụ nữ, béo phì khiến tỷ lệ đậu thai thấp, tăng huyết áp thai kỳ, tăng nguy cơ tiền sản giật, tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, dễ sinh non, thai lưu, thai to, trẻ sinh ra có thể chất kém.

Bác sĩ thường sàng lọc thừa cân, béo phì bằng cách dùng chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này được tính bằng cân nặng (kg) chia cho chiều cao (m) bình phương. Các ngưỡng cụ thể để đánh giá tùy theo vùng, dân tộc. Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, chỉ số này từ 23 là thừa cân, từ 25 là béo phì.

Hiện nay, các bác sĩ điều trị béo phì bằng cách tiếp cận từng bước, đa mô thức, cá thể hóa. Người bệnh được đánh giá, điều trị yếu tố nguy cơ tim mạch, thay đổi lối sống toàn diện. Nếu không đạt mục tiêu giảm từ 5% cân nặng, phải kết hợp dùng thuốc. Khi BMI từ 30 trở lên kèm nhiều bệnh liên quan béo phì, bác sĩ tính toán đến việc phẫu thuật.

TS.BS Phan Mai Tường Anh, Phó khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết phẫu thuật giúp giảm cân đáng kể hơn so với điều trị thông thường, giúp giảm các bệnh lý đi kèm, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ có liên quan biến chứng và tử vong, không phải phù hợp với tất cả người bệnh béo phì. (Theo baotintuc.vn)

 

Người đàn ông bị điếc đột ngột do ăn lòng lợn tiết canh

Vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc chậm, đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, giảm thính lực đột ngột, điếc hoàn toàn, người đàn ông được chẩn đoán viêm màng não do ăn lòng lợn tiết canh trước đó.

Điều dưỡng Nguyễn Khánh Linh, Khoa Bệnh Lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin, đã có rất nhiều người phải điều trị bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, đa phần bệnh nhân nhập viện với triệu chứng điếc, ù tai.

Nam bệnh nhân V.T, khoảng 50 tuổi, vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc chậm, đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, giảm thính lực đột ngột, điếc hoàn toàn.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết bản thân là thợ xây, 2 ngày trước có ăn lòng lợn tiết canh. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm màng não do Streptoccus suis (liên cầu khuẩn lợn) biến chứng điếc 2 tai.

Sau 1 thời gian tích cực điều trị, hiện tại bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên thính lực cần thời gian lâu hơn để hồi phục.

Đại tá, TS.BS.TTUT Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) chia sẻ: "Đối với bệnh viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn bên cạnh việc phát hiện, điều trị và phòng ngừa bệnh cũng vô cùng quan trọng. Streptoccus suis (liên cầu lợn) có khả năng lây truyền từ lợn sang người, có thể tìm thấy ở gia súc, chó, mèo, chim".

Một số triệu chứng khi bị viêm màng não bao gồm sốt cao kèm rét run, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau mỏi cơ. Ngoài ra bệnh nhân có thể co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê, run đầu chi. Điển hình là mất thính lực hay phát ban ngoài da như chấm xuất huyết, ban xuất huyết,.. Đồng thời có thể hoại tử ngón tay và ngón chân.

Đại tá, TS.BS.TTUT Nguyễn Đăng Mạnh nhận định, đây là căn bệnh để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong, nếu gặp một trong các triệu chứng trên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chữa bệnh kịp thời.

"Thông qua trường hợp này, người dân nên phòng chống dịch bệnh trên lợn, tiêm phòng cho lợn đúng quy trình. Chỉ mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, rõ nguồn gốc. Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Người dân cần ăn chín uống sôi, không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn, nem chua trong thời gian có dịch. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Và phải bảo quản các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín", Đại tá, TS.BS.TTUT Nguyễn Đăng Mạnh khuyến cáo. (theo báo vietnamnet.vn)

Nhật Thắng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.733
Tháng 06 : 208.199
Năm 2024 : 1.138.364
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.936.878