• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 24/7/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Người thứ 6 trên thế giới khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương; Tốn hàng trăm triệu tiêm filler độn mông, người phụ nữ phải nhập viện cấp cứu; Cảnh giác với rò động mạch cảnh, xoang hang khi bị đau đầu; Nguy kịch vì sử dụng thuốc lá điện tử trộn ma túy: Chủng virus nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng; Phải dẹp được phòng khám làm tiền bệnh nhân rồi 'thay tên đổi họ'; Cần Thơ: Bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên do hết khối tiểu cầu

Người thứ 6 trên thế giới khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương

5 bệnh nhân trước đó khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ người hiến mang đột biến gene CCR5 delta 32. Tuy nhiên, người thứ 6 đã khỏi HIV thần kỳ dù được cấy ghép tủy xương không mang đột biến gene này.

Người thứ 6 trên thế giới khỏi HIV có biệt danh "bệnh nhân Geneva". Đây có thể coi là một cột mốc mới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh HIV/AIDS.

Người đàn ông Thụy Sĩ ở độ tuổi 50 đã không còn nhiễm HIV kể từ khi được ghép tủy xương điều trị bệnh bạch cầu vào năm 2018.

Các xét nghiệm liên tục sau đó không phát hiện HIV trong máu bệnh nhân nữa nên các bác sĩ đã chỉ định ngừng dùng thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân kể từ tháng 11/2021.

5 bệnh nhân trước đó khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ người hiến chứa đột biến gene CCR5 delta 32. Đây là loại đột biến gene ngăn cản HIV xâm nhập vào hệ miễn dịch nhờ tạo ra các tế bào kháng HIV một cách tự nhiên.

Ở người thứ 6 khỏi HIV, bệnh nhân người Thụy Sĩ này đã sống chung với HIV kể từ những năm 1990 và được điều trị bằng thuốc kháng virus. Liệu pháp ART dành cho bệnh nhân sử dụng kết hợp các loại thuốc điều trị HIV mỗi ngày.

Vào năm 2018, bệnh nhân được điều trị bệnh bạch cầu bằng phác đồ hóa trị và sau đó ghép tủy xương.

Bệnh nhân được cấy ghép các tế bào gốc khỏe mạnh vốn là liệu pháp trong điều trị một số loại ung thư hoặc suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng có thể có một số rủi ro đi kèm như tổn thương nội tạng, nhiễm trùng, vô sinh hoặc đục thủy tinh thể.

Sau ca cấy ghép tủy, các bác sĩ phát hiện ra rằng, các tế bào máu của "bệnh nhân Geneva" đã được thay thế hoàn toàn bằng tế bào máu do tủy xương hiến tạo ra, đồng thời, các tế bào nhiễm HIV đã giảm đáng kể.

Đến năm 2021, xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân không còn virus HIV trong người nên đã được dừng điều trị bằng thuốc ARV. Bệnh nhân này sẽ tiếp tục được theo dõi trong vòng 5 năm nữa.

"Những gì xảy ra với tôi thật kỳ diệu", bệnh nhân này hạnh phúc nói.

Theo giới chuyên gia, phương pháp trị liệu đối với "Bệnh nhân Geneva" vẫn mang tính cá biệt, không thể áp dụng đại trà để điều trị cho người nhiễm HIV nói chung. Tuy nhiên, trường hợp này góp phần mở ra hiểu biết mới trong điều trị HIV.

TS. Alexandra Calmy, người đứng đầu đơn vị điều trị HIV/AIDS của Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ) cho biết: "Thông qua ca bệnh đặc biệt này, chúng tôi đang khám phá chân trời kiến thức mới với hy vọng một ngày nào đó, việc chữa khỏi HIV sẽ không phải trường hợp hiếm gặp". (Theo báo SK&ĐS)

 

Tốn hàng trăm triệu tiêm filler độn mông, người phụ nữ phải nhập viện cấp cứu

Sau khi bỏ ra 200 triệu tiêm 700cc filler để sở hữu cặp mông quả đào, chị N.D.T (42 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) phải vào viện cấp cứu vì cặp mông bị áp-xe hoại tử, thủng lỗ chi chít.

Sáng 23/7, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh Viện JW cho biết, thời điểm bệnh nhân N.D.T nhập viện, ổ viêm nhiễm xuất hiện cả hai bên mông và xâm lấn xung quanh.

Qua khai thác bệnh sử, chị T. cho biết, chị đã nhờ người thân mua 700cc filler “châu Âu” để tiêm vào mông, tạo bờ mông quả đào sexy thay vì phải đến bệnh viện thẩm mỹ lớn để làm.

Cụ thể, vào tháng 1/2022 chị T. đã được một người quen (không phải bác sĩ hay nhân viên y tế) mời đến nhà riêng để tiêm 300cc filler “châu Âu” vào mông. Sau 9 tháng, chị T. lại đến nhà người quen để dặm thêm 400cc filler “châu Âu” vào vòng ba với mong muốn cặp mông quả đào thêm căng tròn và sexy.

Thế nhưng, chỉ 3 ngày sau đó, chị T. lên cơn sốt cao, cặp mông sưng phù, đau nhức dữ dội. Không thể cầm cự trong suốt 10 ngày liên tục nên chị T. đã đến 1 trạm y tế cấp cứu xử lý nạo áp-xe.

Tuy nhiên, vài tháng sau đó khối áp-xe lại tiếp tục tái phát, đau nhức liên tục nhiều ngày nên chị T. đã quyết định tìm đến một thẩm mỹ viện khác tại TP Hồ Chí Minh để chữa trị. Tại đây, chị T. được tư vấn nạo hút áp-xe kết hợp đặt túi độn mông tái tạo lại vòng 3 với giá 70 triệu.

Tháng 1/2023 chị T. được bác sĩ rạch 3 đường mổ dài 15cm trên hai bên mông để nạo hút dịch mủ. Tuy nhiên, thẩm mỹ viện này không đặt túi độn mông như cam kết và tình trạng áp-xe mông vẫn không hoàn toàn khỏi mà vẫn đau nhức liên tục.

Thấy không lành, chị T. tiếp tục đến thẩm mỹ viện cầu cứu nhưng chỉ nhận lại sự thờ ơ, sau đó chị bị chặn liên lạc.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung cho biết, dù bệnh nhân đã nạo áp xe hai lần nhưng do filler đã len lỏi sâu vào các mô cơ ở khắp nơi nên bên trong mông vẫn còn tàn dư filler, khiến mông hiện tại bị sưng phồng, nhiều vùng vón cục lồi lõm. Miệng vết khâu của các lần nạo filler trước đó vẫn còn rò rỉ dịch mủ. Các bác sĩ đã phải thực hiện mổ khẩn tránh để filler tiếp tục lan rộng hay tắc nghẽn mạch máu bởi lúc đó, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn, khó lòng cứu vãn.

“Suốt 3 giờ đồng hồ, ekip đã thực hiện ca phẫu thuật nạo filler để cứu chữa vòng 3 cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật gặp nhiều thách thức vì filler dường như đã khu trú khắp nơi trong mông, tạo thành cấu trúc tổ ong cực kỳ khó nạo hút, ăn đến tận xương đùi và xương cùng cụt, buộc ekip phải thực hiện xử lý từng khu vực để nạo hút toàn bộ khối áp-xe. Máu lẫn dịch mủ liên tục tuôn trào ào ạt”, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung thông tin.

Trải qua quá trình cấp cứu, ekip thu về tới gần 1000cc gồm filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất không xác định. Bệnh nhân sẽ được điều trị tích cực bằng kháng sinh mạch và đặt máy VAC chuyên dụng để hút dịch và mô hoại tử từ 7 - 10 ngày mới hy vọng giải quyết tình trạng áp xe triệt để.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung bức xúc cho biết, chưa bao giờ số lượng bệnh nhân bị hoại tử vì tiêm filler ở các cơ sở thẩm mỹ chui lại nhiều như hiện nay. Trong thời gian ngắn, Bệnh viện JW đã liên tục cấp cứu nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau tiêm filler làm đẹp, con số này đã tăng đến mức đáng báo động.

Theo đó, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung khuyến cáo, mọi người phải cực kỳ cẩn thận khi làm đẹp bằng filler. Bộ Y tế quy định người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ da liễu hoặc tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo chính quy. Cơ sở thực hiện cũng phải được cấp phép chứng nhận. Đặc biệt, tuyệt đối không nên tiêm filler để nâng ngực hoặc nâng mông vì có thể gây ra nhiều tình trạng thương tâm. (Theo Báo tin tức)

 

Cảnh giác với rò động mạch cảnh, xoang hang khi bị đau đầu

Nữ bệnh nhân 75 tuổi bị đau đầu, đau hốc mắt đã được các bác sĩ Bệnh viện đa Khoa Trung ương Cần Thơ phát hiện bị rò động mạch cảnh, hang xoang, được can thiệp cấp cứu suốt 5 năm giờ liền.

Ngày 24/7, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh đã can thiệp thành công bệnh nhân bị rò động-tĩnh mạch vùng xoang hang phức tạp .

Bệnh nhân nữ N.T. K.D, 75 tuổi, ngụ tỉnh An Giang được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu với tình trạng đau đầu, chóng mặt kèm đau hốc mắt bên phải. Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI 3.0T có cản từ khảo sát vùng hốc mắt nghi ngờ rò động mạch cảnh xoang hang dạng gián tiếp nên tư vấn và hướng dẫn cho bệnh nhân nhập viện theo dõi.

Hội chẩn với nhiều chuyên khoa, các bác sĩ thực hiện chụp động mạch số xóa nền (DSA), kết quả xác định bệnh nhân bị rò động-tĩnh mạch xoang hang bên phải dạng gián tiếp từ động mạch cảnh trong-ngoài bên phải và cảnh trong trái. Các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh quyết định thực hiện can thiệp điều trị dị dạng thông động - tĩnh mạch bằng phương pháp can thiệp mạch máu số xóa nền (DSA).

Cả ê-kíp nỗ lực liên tục trong 5 giờ liền mới can thiệp thành công, bít được các lỗ rò bằng các vòng xoắn kim loại (coil). Đây được xem là 1 trường hợp khó vì có nhiều lỗ rò rất phức tạp và đường chọn lọc đến vị trí điểm cần can thiệp rất khó tiếp cận ở cả 2 hướng là từ tĩnh mạch cảnh trong bên phải và trái.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không yếu liệt chi, các triệu chứng đau đầu giảm rõ (giảm khoảng 80% trong vòng 24 giờ từ sau can thiệp), mắt nhìn tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định đang được điều trị, chăm sóc và theo dõi tại Khoa Đột quỵ. (Theo Báo Nhân Dân)

 

Nguy kịch vì sử dụng thuốc lá điện tử trộn ma túy

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trung tâm vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nguy kịch do thuốc lá điện tử chứa ma túy.

Nam bệnh nhân T.V.H. (22 tuổi, ở Thái Bình) được chuyển đến trong tình trạng tím tái, co giật, nói nhảm, hoang tưởng, mất ngủ, ảo giác, vô niệu hoàn toàn, tổn thương đa cơ quan và nguy cơ ngừng tim.

Theo người nhà, bệnh nhân làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây H. mua thuốc lá điện tử với giá hơn 600.000 đồng, mỗi ngày H. hút tới 3-4 ống.

Sau đó, trong 10 ngày liên tục, H. không ngủ được và có những hành động hoang tưởng. H. đã về quê ở Thái Bình. Từ khi về nhà, H. liên tục có hành vi lạ thậm chí còn dọa giết cả bố và em trai. Gia đình đưa H. đến bệnh viện.

Kết quả xét nghiệm thành phần tinh dầu trong mẫu thuốc của H. có 4 chất ma túy tổng hợp gồm: MDMB-4 en-Pinaca, MDMB-Chminaca, ADB-4 en-Pinaca và ADB-Binaca.

Bác sĩ Nguyên cho biết, đây là lần đầu tiên, Trung tâm tiếp nhận một mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân có trộn tới 4 chất ma túy. Thông thường, chỉ cần một chất đã gây nguy hiểm đến tính mạng và tổn thương não cho người dùng.

Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân H. đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn hôn mê, phải thở máy, tình trạng tổn thương não rất nặng nề.

Một nữ bệnh nhân 19 tuổi (ở Hà Nội) cũng bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử chứa nhiều chất ma túy. Cô gái hút thuốc lá điện tử khoảng 6 tháng nay. Cách ngày vào viện 4 hôm, bệnh nhân luôn cảm giác có người theo dõi và nói trong đầu. Khi đi cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng run rẩy, vã mồ hôi, rối loạn nhịp tim, rối loạn tâm thần…

Theo bác sĩ Nguyên, người nhà bệnh nhân mang tới 2 sản phẩm thuốc lá điện tử trong đó một mẫu chứa 2 chất ma túy tổng hợp (ADB-Butinaca, MDMB-Butinaca), mẫu còn lại chứa 3 chất (ADB-4 en-Pinaca, MDMB-4 en-Pinaca, EDMB-4 en-Pinaca). Trong đó có 2 chất là loại mới lần đầu ghi nhận tại bệnh viện.

Đây không phải lần đầu tiên Trung tâm Chống độc tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử. Bác sĩ Nguyên cho biết, các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, tổn thương não và nhiều cơ quan khác. Trước đây, các mẫu xét nghiệm ma túy có trong thuốc lá điện tử chỉ phát hiện một chất, chứ không trộn tới 3-4 chất như gần đây.

Trong thực tế, bác sĩ Nguyên cho biết, có nhiều bạn trẻ bị bất tỉnh sau khi hút, đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng co giật cơ tim, chết não,…

Hiện nay, xác định một loại chất cấm, chất gây nghiện mất rất nhiều công sức, tiền bạc. Trong khi các chất gây nghiện, chất ma túy mới ngày càng nhiều thêm như một thách thức với hệ thống quản lý. Số lượng bệnh nhân liên quan đến thuốc lá điện tử đang ngày càng tăng lên.

Bác sĩ Nguyên bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam. Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền cho cha mẹ bởi nhiều người không hề biết con đang hút thuốc lá điện tử. (Tiền phong, trang 13; Thanh niên, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Chủng virus nguy hiểm gây bệnh tay chân miệng

Bộ Y tế thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có ít nhất 7 ca tử vong.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số các ca bệnh phải nhập viện có 20-30% nhiễm chủng Entero virus 71 (EV71).

TS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và EV71. Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ Hải thông tin thêm, bệnh tay chân miệng có hai biến chứng thường gặp là thần kinh và suy hô hấp, suy tuần hoàn. Năm nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu và cuối giấc ngủ…

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), bác sĩ Trần Thị Kim Anh cho biết, khai thác tiền sử một số trường hợp, 3 ngày đầu khi mắc bệnh, trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37,8 độ C, bố mẹ đã cho các bé dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do virus gây ra là không đúng vì kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn. Trường hợp các bé mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị.

“Thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, ngay khi các bé có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để xác định mức độ diễn biến của bệnh, nghe tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Kim Anh khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Kim Anh: bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, nôn, biếng ăn. Ngoài ra, sau khi sốt, các nốt còn mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3-7 ngày, không triệu chứng.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đưa ra các dấu hiệu bệnh được đánh giá là nặng và cần nhập viện khi có các biểu hiện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường (như ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…); run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng. (Tiền phong, trang 13).

 

Phải dẹp được phòng khám làm tiền bệnh nhân rồi 'thay tên đổi họ'

Nhiều năm qua, một số phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM liên tục bị bệnh nhân phản ảnh "vẽ bệnh, moi tiền", "làm tiền bệnh nhân trên bàn mổ". Cứ sau nhiều lần sai phạm, các phòng khám này lại "thay tên đổi họ" và tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh với thủ đoạn cũ.

Đang xử lý sai phạm thì "thay tên đổi họ"

Cuối tháng 6.2023, Phòng khám đa khoa (PKĐK) Đinh Tiên Hoàng (34-36 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1) bị bệnh nhân (BN) tố "vẽ bệnh, moi tiền". Thanh tra Sở Y tế và Công an TP.HCM kiểm tra phát hiện PK thu giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) cao hơn giá đã niêm yết; cung cấp dịch vụ KCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động. PK bị phạt 105 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động KCB trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KCB của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong thời hạn 2 tháng. Ngay vị trí PKĐK Đinh Tiên Hoàng trước đây là PKĐK Thái Bình Dương, cũng hoạt động với phương thức "vẽ bệnh, moi tiền".

Giữa tháng 7.2022, PKĐK Nam Việt (202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10) phá thai cho BN gây tai biến. Vụ việc đang đang được Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử lý vì PK có dấu hiệu hoạt động quá phạm vi chuyên môn. Tại địa chỉ này, trước đây là PKĐK Baylor, PKĐK Royal, PKĐK Nam Bộ, đều nhiều lần sai phạm và nhiều lần bị đình chỉ…

Trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 65 PK có người nước ngoài hành nghề KCB đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong số này, có một số PK từng bị Sở Y tế TP.HCM phạt vi phạm hành chính, bị đình chỉ hoạt động, nhưng sau đó họ nhanh chóng giải thể công ty cũ (thực tế đang bị xử lý vi phạm), đồng thời thành lập một pháp nhân mới nhưng lại hoạt động trên cùng một vị trí để tiến hành xin giấy phép hoạt động KCB không còn nhân sự người nước ngoài đăng ký hành nghề như trước.

Tính đến nay, có hơn 10 PK bị người dân thường xuyên phản ánh có một số hành vi không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng quy định của pháp luật về KCB. Sự sai phạm này có tính lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, chi phí dịch vụ y tế, chỉ định, kê đơn bán thuốc không hợp lý, vi phạm y đức người thầy thuốc… khiến người bệnh, người dân không hài lòng. Tuy nhiên, trong số này, có 7 PK không có đăng ký nhân sự người nước ngoài nhưng vẫn liên tục bị phản ánh có các hành vi vi phạm mà người dân thường gọi là "vẽ bệnh, moi tiền". (Thanh niên, trang 5).

 

Cần Thơ: Bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên do hết khối tiểu cầu

Ngày 23-7, theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, BV đã gửi công văn khẩn cho lãnh đạo TP Cần Thơ và các BV trong khu vực thông báo về việc hết khối tiểu cầu gạn tách (kể cả cho cấp cứu).

“Kho dự trữ hiện không còn đơn vị khối tiểu cầu nào để cung cấp cho 74 BV có sử dụng máu do BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cung cấp. Việc thiếu máu và các chế phẩm máu do BV không còn túi lấy máu cũng như hóa chất, vật tư để xét nghiệm, gạn tách chế phẩm máu, vì chưa xong thủ tục đấu thầu”, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ cho biết.

Được biết, trong những tháng qua, các BV ở Cần Thơ được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hỗ trợ cung cấp máu, BV Chợ Rẫy hỗ trợ cung cấp khối tiểu cầu. Tuy nhiên, hiện những đơn vị này đã gửi công văn ngừng cung cấp, hoặc hạn chế cung cấp máu, khối tiểu cầu cho các BV ở TP Cần Thơ, do tình hình điều phối đang gặp khó khăn.

Theo đại diện lãnh đạo BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, trong lúc chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt gói thầu gần 400 mặt hàng (trị giá trên 150 tỉ đồng), trước mắt BV thực hiện 3 gói thầu dưới 500 triệu đồng (theo nghị quyết 01/2018 của HĐND TP Cần Thơ) để có vật tư, hóa chất lấy một số khối tiểu cầu phục vụ công tác cấp cứu người bệnh. Sau nhiều lần làm thủ tục đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu của BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ vừa được Sở Y tế TP Cần Thơ trình UBND TP Cần Thơ vào ngày 21-7. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tuấn Dũng thực hiện


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.135
Tháng 05 : 139.009
Năm 2024 : 858.308
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.656.822