• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo ngày 25/7/2023

soyte.hatinh.gov.vn: Điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ: Gỡ khó cho bệnh viện, giảm chi cho người dân; Bộ Y tế nỗ lực triển khai Đề án 06 gắn với chuyển đổi số để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn; Vaccine phòng bệnh tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam đang chờ cấp phép; Những dấu hiệu ở người mắc sốt xuất huyết cần đến bệnh viện ngay; Biến chứng nguy hại từ việc tiêm chất làm đầy để nâng ngực.

Điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ: Gỡ khó cho bệnh viện, giảm chi cho người dân

 

Cùng với việc ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT (Thông tư 13, có hiệu lực từ ngày 15-8-2023) quy định giá khám, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu tại bệnh viện công, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh của gần 10.000 dịch vụ y tế. Đây là chiến lược tiến tới điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ, dự kiến áp dụng trong năm 2024-2025.

Chấm dứt “loạn giá”

Dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng lâu nay, khi ốm đau phải đi bệnh viện, chị Lê Thị H. (38 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đều chọn bệnh viện tư hoặc khám theo yêu cầu tại các bệnh viện công. Tuy nhiên, điều chị H. và nhiều người băn khoăn là giá nhiều dịch vụ KCB theo yêu cầu tại các bệnh viện công không có sự thống nhất, thậm chí bệnh viện hạng 1 nhưng viện phí theo yêu cầu lại cao hơn hạng đặc biệt.

Cụ thể như Bệnh viện Bạch Mai có giá KCB cao nhất là 150.000 đồng/lượt (khám giáo sư), nhưng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giá khám theo yêu cầu tối đa là 450.000 đồng/lượt (gần đây đã điều chỉnh còn 300.000 đồng/lượt) và không phân biệt khám giáo sư hay bác sĩ giỏi. Trong khi đó, tại TPHCM, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Bệnh viện Nhân dân 115 có chi phí khám cao nhất là 500.000 đồng/lượt, nhưng ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, giá khám tối đa là 200.000 đồng/lượt.

Ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, qua khảo sát, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn KCB theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh, còn ở tuyến huyện hầu như không có. Thời gian qua, các bệnh viện công triển khai cung ứng dịch vụ KCB theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản khác nhau và chưa có hướng dẫn cụ thể về khung giá chung. Do đó, Thông tư 13 ra đời nhằm thống nhất viện phí theo yêu cầu và các điều kiện khám dịch vụ cho bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định. Tuy nhiên, phải khẳng định viện phí theo yêu cầu chỉ áp dụng cho người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu và không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT hoặc không có nhu cầu KCB tự nguyện.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập tự chủ, nâng cao chất lượng KCB, bảo đảm chế độ, chính sách để “giữ chân” cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao; đồng thời có thêm nguồn vốn đầu tư cho y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho rằng, Thông tư 13 là văn bản đầu tiên hướng dẫn cụ thể bằng luật về thực hiện KCB theo yêu cầu. Đây là thông tư quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bệnh viện và nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân.

“Thông tư là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá KCB và là cơ sở pháp lý cho bệnh viện thực hiện tính đúng, tính đủ giá KCB. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bệnh nhân ung bướu đều là bệnh nhân nghèo, phải điều trị lâu dài nên việc điều chỉnh giá cũng sẽ tác động không nhỏ đến người bệnh. Vì vậy, bệnh viện đang xây dựng và điều chỉnh mức giá sao cho phù hợp nhất để cả bệnh viện và người bệnh đều có lợi”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn thông tin.

Còn theo TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Thông tư 13 rất “mở” cho các bệnh viện vì không quy định cố định giá mà có dải giá từ tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện xây dựng giá phù hợp với từng bệnh viện và điều kiện cơ sở vật chất. Thông tư này cũng cho phép bệnh viện công thực hiện hợp tác công tư và liên doanh, liên kết với cơ sở y tế nước ngoài, chuyên gia y tế nước ngoài để nâng cao dịch vụ y tế phục vụ người dân.

Đảm bảo quyền lợi của người bệnh

Cùng với việc ban hành quy định thống nhất giá KCB theo yêu cầu ở bệnh viện công, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh của gần 10.000 dịch vụ y tế, tiến tới điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ. Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành và áp dụng tại các cơ sở y tế công lập khi Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kết cấu viện phí hiện chỉ gồm 4/7 yếu tố: thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. 3/7 yếu tố cấu thành viện phí vẫn chưa tính vào là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Do đó, người bệnh vẫn phải chi tiền túi tới 40% trong tổng chi phí KCB.

Tính đến năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành danh mục hơn 18.000 kỹ thuật KCB và trên cơ sở đó đã xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, giá các dịch vụ kỹ thuật (mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế). Tuy nhiên, qua thực tế triển khai có nhiều dịch vụ y tế bị trùng lặp nên Bộ Y tế đang cùng các bệnh viện sắp xếp lại, hoàn thiện xây dựng danh mục khoảng 10.000 định mức kinh tế kỹ thuật và đây là cơ sở để điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ.

“Sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ thì sẽ từng bước giảm chi của người dân. Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Bộ Y tế nỗ lực triển khai Đề án 06 gắn với chuyển đổi số để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn

 

Bộ Y tế rất quan tâm, thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án 06 gắn với chuyển đổi số ngành y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm...

Chiều 21/7, tại trụ sở Bộ Y tế, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Y tế về việc triển khai Đề án 06. 

Cùng tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Làm việc với đoàn, về phía Bộ Y tế có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện văn phòng/vụ/cục/viện/bệnh viện.

Gắn triển khai Đề án 06 với chuyển đổi số y tế, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm

Báo cáo của Bộ Y tế tại buổi làm việc cho biết, Bộ Y tế rất quan tâm, thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án 06 gắn với chuyển đổi số ngành y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm; mục tiêu người dân được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe suốt đời, từ khi sinh ra đến khi không còn trên cõi đời.

Công tác triển khai Đề án 06 là một nội dung quan trọng trong tất cả các buổi giao ban và trong nhiều cuộc họp của Bộ Y tế. Để huy động cả hệ thống chính trị lĩnh vực y tế vào cuộc, Ban cán sự đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03/02/2023 về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bộ Y tế hiện đã chuyển xong toàn bộ dữ liệu thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời duy trì việc chuyển ngay các dữ liệu thông tin tiêm chủng COVID-19 phát sinh mới theo ngày.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, thống kê, cập nhật thông tin dữ liệu nguồn lực y tế (dữ liệu về y sĩ, bác sĩ, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, trang thiết bị y tế…) vào cơ sở dữ liệu của ngành y tế; Kết nối xác thực, làm sạch dữ liệu về y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; Bộ Y tế đã cử đơn vị chuyên môn làm việc với Sở Y tế Hà Nam và TTYT thị xã Duy Tiên, để khảo sát thực trạng dữ liệu nguồn lực y tế, thống nhất biểu mẫu và phương án triển khai thí điểm thu thập dữ liệu nguồn lực y tế tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Dựa trên kết quả thí điểm tại tỉnh Hà Nam, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế đã dự thảo các chỉ tiêu quy định nhóm thông tin cơ bản về nguồn lực y tế (thông tin, dữ liệu về y sĩ, bác sĩ, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, trang thiết bị y tế,…).

Về thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó có kết nối nhóm dữ liệu liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng sinh, báo tử; giấy khám sức khoẻ phục vụ cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe, tính đến ngày 19/7, đã có 1.085 cơ sở đã liên thông giấy khám sức khoẻ lái xe với tổng số 726.671 giấy khám sức khoẻ lái xe đã ký số; đã có 1.191 cơ sở khám chữa bệnh đã liên thông giấy chứng sinh với tổng số giấy chứng sinh đã liên thông là 226.126; đã có 386 cơ sở khám chữa bệnh liên thông giấy báo tử với tổng số Giấy báo tử đã liên thông là 2.378...

Đại diện Bộ Y tế cũng báo cáo, Bộ Y tế đã có Chỉ thị, nhiều văn bản chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ, các địa phương đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, các bệnh viện đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để triển khai...

Bộ Y tế cũng đã thực hiện đơn giản hoá, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực của ngành để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp...

Nỗ lực để thực hiện Đề án 06 hiệu quả hơn

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, những dịch vụ công hiện nay đã được cập nhật, công bố, xã hội đều đang dõi theo, kỳ vọng. Dữ liệu của Bộ Y tế chính là một trong những điểm mấu chốt, mắt xích quan trọng để đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, các dữ liệu của bộ, ngành khác nhằm triển khai hiệu quả Đề án 06. Vai trò của Bộ Y tế trong triển khai thực hiện Đề án 06 rất quan trọng.

Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế cùng các đơn vị đã tập trung thảo luận, đánh giá những nhiệm vụ, nội dung, vấn đề có liên quan đến triển khai Đề án 06 của Bộ Y tế. Hiện trong những nhiệm vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ đang được Bộ Y tế thực hiện vẫn còn một số phần việc chưa hoàn thành so với tiến độ đặt ra.  

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Tổ Công an triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã giải đáp và hướng dẫn, hỗ trợ Bộ Y tế biện pháp tháo gỡ, giải quyết hiệu quả những vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục, qua đó thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng những nhiệm vụ đặt ra trong Đề án 06. 

Đánh giá, chia sẻ những khó khăn của Bộ Y tế đang gặp trong triển khai Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định Tổ Công tác triển khai Đề án 06, Bộ Công an luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ Bộ Y tế trong việc triển khai Đề án 06.

Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ tin tưởng với quyết tâm chính trị và vai trò quan trọng của người đứng đầu Bộ Y tế cũng như ngành y tế đối với đất nước, xã hội, việc triển khai Đề án 06 của Bộ Y tế sẽ góp phần mang lại lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe của nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đối với Bộ Y tế. 

Thông tin thêm về tình hình, kết quả và các lộ trình đang triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Trên cơ sở gợi mở, trao đổi kinh nghiệm của Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ sớm thành lập, củng cố cơ quan giúp việc chuyên sâu về triển khai Đề án 06 tại Bộ Y tế, đồng thời đưa những nội dung triển khai Đề án 06 vào giao ban nhiệm vụ hàng tháng, nhằm đôn đốc, thực hiện hiệu quả hơn Đề án 06 của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất với Tổ Công tác triển khai Đề án 06, Bộ Công an một số nội dung có liên quan đến công tác phối hợp giữa nhiều bộ, ngành trong quản lý, khai thác, kết nối… dữ liệu, giúp Bộ Y tế triển khai hiệu quả Đề án 06.

"Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ Công an và các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện Đề án 06"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Vaccine phòng bệnh tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam đang chờ cấp phép

 

Vaccine phòng bệnh tay chân miệng đầu tiên đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3.

Hội đồng Đạo đức ghi nhận vaccine giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh tay chân miệng do EV71 ở bất kỳ độ nặng nào, hiệu quả 96,8%. Kết quả này đã được đăng tải trên Tạp chí Y khoa uy tín The Lancet năm 2022. Vaccine đang chờ Bộ Y tế cấp phép. Đây là thông tin được bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, vaccine phòng bệnh tay chân miệng do Viện Nghiên cứu sức khỏe NHRI (National Health Research Institute, Đài Loan, Trung Quốc) nghiên cứu đầu tiên, sau đó được tiếp tục chuyển giao, phát triển các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Năm 2010, Viện Nghiên cứu sức khỏe NHRI đã tiến hành thử nghiệm vaccine giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên khỏe mạnh. Kết quả, 90% người nhận vaccine đã có mức kháng thể có khả năng chống lại virus tăng gấp 4 lần sau tiêm.

Từ năm 2014 - 2017, vaccine được tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với 365 tình nguyện viên từ 2 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi tham gia. Từ năm 2019 đến năm 2021, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được tiến hành trên 3.049 trẻ em có độ tuổi từ 2 tháng đến 6 tuổi tại Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc); trong đó có 80% trẻ ở Việt Nam. Tại Việt Nam, trẻ ở 6 huyện thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp được chọn thử nghiệm lâm sàng, bởi đây là hai địa phương có tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng cao ở khu vực phía Nam.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn cho hay, quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Trẻ hầu hết ở nhà, ít đi học, tần suất mắc bệnh ít hơn. Do đó, thời gian nghiên cứu buộc phải kéo dài hơn dự kiến. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho thấy, hiệu quả bảo vệ chung của vaccine giúp trẻ chống lại chủng virus EV71 là 96,8%, chưa ghi nhận ca mắc tay chân miệng nào trong nhóm trẻ được tiêm vaccine trong thời gian nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu chưa ghi nhận gây sốc phản vệ sau tiêm. Khoảng 30% phản ứng bất lợi hay gặp sau tiêm như: sưng, đau, đỏ vết tiêm… tương tự như các vaccine khác. Các phản ứng toàn thân chiếm 42,6% chủ yếu nhẹ và trung bình, các phản ứng này sẽ tự hết trong 1 - 3 ngày.

Dựa trên đánh giá hiệu quả và theo quy trình thử nghiệm lâm sàng, đơn vị sản xuất đã gửi hồ sơ đến Bộ Y tế đăng ký phê duyệt. “Nếu được phê duyệt, đây là vaccine phòng tay chân miệng đầu tiên ở Việt Nam, có tác dụng giúp trẻ chống lại chủng virus EV71 (Enterovirus 71) - chủng virus nguy hiểm nhất gây bệnh tay chân miệng thể nặng, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn nhận định.

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đang hợp tác triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 một loại vaccine phòng tay chân miệng EV71 khác, dự kiến có kết quả vào năm 2025.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ em. Với các bệnh truyền nhiễm, vaccine luôn là biện pháp hiệu quả và căn cơ nhất. Do vậy, việc sớm có vaccine phòng bệnh tay chân miệng có ý nghĩa lớn giúp kiểm soát bệnh và giảm gánh nặng bệnh tật do tay chân miệng gây ra. (Theo TTXVN).

 

Những dấu hiệu ở người mắc sốt xuất huyết cần đến bệnh viện ngay

 

Bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng nhanh, người dân cần chú ý các dấu hiệu nhận biết bệnh đã chuyển nặng để tới bệnh viện kịp thời.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue, Bộ Y tế lưu ý các cơ sở y tế xem xét chỉ định nhập viện với những trường hợp bị mắc sốt xuất huyết có tình trạng:

- Là trẻ nhũ nhi.

- Người bị dư cân, béo phì.

- Là phụ nữ có thai.

- Là người lớn tuổi (trên 60 tuổi).

- Là người có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).

- Bệnh nhân sống một mình, không có người nhà theo dõi

- Nhà bệnh nhân xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.

- Gia đình không có khả năng theo dõi sát người bệnh.

BS. Đào Văn Cao, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết: Sau khi khám, chẩn đoán người bệnh mắc sốt xuất huyết, các bác sĩ sẽ sàng lọc, đối với những bệnh nhân mắc thể bệnh nhẹ, có thể cấp đơn và giải thích hướng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như: Vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc, xét nghiệm có tiểu cầu giảm nhanh, cô đặc máu, mem gan tăng cao sẽ được chỉ định vào viện theo dõi và điều trị”.

Cũng theo BS. Đào Văn Cao, qua điều trị thực tế cho thấy các tình trạng bệnh diễn biến nặng của người bệnh sốt xuất huyết thường có các biểu hiện như: Ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp…

Bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường vì vậy các bác sĩ khuyến cáo người dân, nếu thấy sốt cao đột ngột cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, theo dõi vì bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng nhanh; bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.

Đặc biệt, đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền như: Đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết thường diễn biến nặng hơn, nhiều biến chứng nên cần được khám và theo dõi sớm. (Theo Báo Tin tức)

 

Biến chứng nguy hại từ việc tiêm chất làm đầy để nâng ngực

 

Tiêm chất làm đầy nâng ngực tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng, đặc biệt là khi đưa vào cơ thể khối lượng/trọng lượng của dị chất tạo hình càng nhiều thì nguy cơ biến chứng càng cao…

Tai biến sau khi nâng ngực bằng tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc‏

‏Mới đây, Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện đã tiếp nhận một trường hợp gặp tai biến sau khi nâng ngực bằng phương pháp tiêm chất làm đầy (filler). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hai bên vú không đều với một bên đã hoàn toàn xẹp, một bên căng to bất thường, sưng, nóng, đỏ, đau. Người bệnh cảm thấy vô cùng khó chịu, căng tức.‏

‏Qua khai thác tiền sử, được biết bệnh nhân đã tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ 3 năm trước. Ảnh chụp phim cộng hưởng từ cho thấy dung dịch chất làm đầy đã xâm lấn vào các cơ ngực lớn, đan xen vào các mô tuyến vú. Trường hợp này đã được ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện chỉ định phẫu thuật cấp cứu, làm sạch các tổ chức cũng như lấy ra tối đa các thành phần chất làm đầy và cắt bỏ các mô hoại tử.‏

‏Sau phẫu thuật, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và chăm sóc vết thương. Tuy nhiên, tình trạng này có khả năng tái phát trong tương lai, do rò rỉ lượng chất làm đầy còn sót lại. Cùng với đó, vết sẹo có thể co rút gây biến dạng tuyến vú. 

ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh cho hay, hầu như tháng nào bệnh viện cũng tiếp nhận vài trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Nhiều trường hợp có thể xảy ra biến chứng ngay sau tiêm, nhưng một số người gặp biến chứng muộn, xuất hiện từ 3 tháng sau tiêm...‏

‏Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các chị em tin vào những lời quảng cáo mỹ miều để cải thiện vòng 1 "không xâm lấn", "nâng ngực đệm mô lipid". Khi xuất hiện trên mạng xã hội, những quảng cáo trên ngay lập tức thu hút các chị em phụ nữ có mong muốn nâng cấp vòng 1 của mình nhưng lại sợ phẫu thuật, sợ đau… Trên thực tế chưa có phương pháp nâng ngực nào mà không phải phẫu thuật.‏

‏Theo ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh, ngay cả với các chất được cấp phép sử dụng như filler cũng được khuyến cáo không nên tiêm vào ngực. FDA khuyến cáo, không tiêm filler vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Bởi việc này có thể dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

‏Lời khuyên của bác sĩ thẩm mỹ để tránh rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang"‏

‏Làm đẹp là nhu cầu chính đáng giúp chị em tự tin hơn trong xã hội hiện đại. Chị em khi quyết định  cải thiện "vòng 1" cần tìm hiểu về các phương pháp nâng ngực phổ biến, đặc biệt cần cẩn trọng khi tiêm bất cứ chất gì vào cơ thể. ‏

‏Để đảm bảo an toàn khi nâng ngực, ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh khuyến cáo, nên ưu tiên các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ hoặc các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, đứng đầu bởi các bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ giàu kinh nghiệm.‏

‏Việc thực hiện nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ không uy tín, giá rẻ, không đảm bảo an toàn có thể tiềm ẩn nguy cơ thẩm mỹ hỏng (như bên cao bên thấp, hai bên ngực xa nhau... ) hoặc nặng nề hơn là các tai biến ảnh hưởng về mặt sức khỏe, để lại di chứng vĩnh viễn, đe dọa đến tính mạng. ‏

‏So với các biện pháp đang được sử dụng để nâng ngực thì đặt túi ngực được xem là an toàn hơn cả. Tuy nhiên, nếu quyết định đặt túi độn ngực, cần lựa chọn túi ngực được công nhận và đảm bảo chất lượng bởi Bộ Y tế, hoặc chứng nhận FDA - ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh nói thêm.‏

‏Sau khi nâng ngực, trong tháng đầu chị em phải theo dõi các triệu chứng. Nếu có các triệu chứng viêm nhiễm như sưng, nóng, đỏ, đau, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa hoặc gặp bác sĩ đã nâng ngực cho mình để thăm khám. Các dấu hiệu viêm nhiễm có thể được phát hiện thông qua chụp chiếu. Ngoài ra, cần thường xuyên thăm khám định kỳ xem có hiện tượng rò dịch hoặc u cục gì không để được điều trị, xử lý kịp thời. (Theo SK&ĐS)

Tuấn Dũng tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.502
Tháng 06 : 208.968
Năm 2024 : 1.139.133
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.937.647