• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 07/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn:  Thứ trưởng Bộ Y tế: Nỗ lực để sớm có vaccine cung ứng trong tiêm chủng mở rộng; Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về thủ tục khám, chữa bệnh BHYT;  TP.HCM: Nhân viên y tế liên tục bị hành hung trong lúc cấp cứu bệnh nhân; 5 lưu ý khi chăm sóc trẻ bị cúm…

Thứ trưởng Bộ Y tế: Nỗ lực để sớm có vaccine cung ứng trong tiêm chủng mở rộng

- Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp Bộ, ban ngành liên quan, đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chiều 6/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng và giải pháp của Bộ Y tế về nội dung này được các phóng viên quan tâm, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:

Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Số loại vaccine tăng dần theo thời gian, từ 6 vaccine thiết yếu năm 1985 tới nay đã có hơn 10 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được cung cấp miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai triển khai trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.

"Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp Bộ, ban ngành liên quan, đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.

Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. 

Trước yêu cầu thực tiễn và thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội về việc tiếp tục bố trí ngân sách trung ương để tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia quốc gia đảm bảo thống nhất, hiệu quả trong cả nước, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10/7/2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 05/8/2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vaccine.

Theo đó, đối với vaccine có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vaccine), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng. Đến nay, Bộ Y tế đã gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể (dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023) và giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ký hợp đồng với các đơn vị sản xuất vaccine để tiếp nhận vaccine và thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương.

Đối với vaccine 5 trong 1 phải nhập khẩu: Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của Luật đấu thầu.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trong quá trình chờ hoàn tất các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế cũng đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức Quốc tế, trong nước cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Cuối tháng 8/2023, được sự viện trợ, tài trợ từ WHO, UNICEF và các tổ chức khác, Bộ Y tế đã tiếp nhận 258.000 liều vaccine 5 trong 1. Bộ Y tế (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đã phân bổ số vaccine này và đã hướng dẫn địa phương thực hiện tiêm vaccine cho trẻ trong tiêm chủng mở rộng trong tháng 9-10/2023.

Chính phủ Australia sẽ viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1, dự kiến vaccine sẽ về Việt Nam trong tháng 12/2023. 

Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh về việc tiêm bổ sung, tiêm vét cho các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc lập kế hoạch cung ứng vaccine trong năm 2024 kịp thời đảm bảo nguồn cung vaccie; chỉ đạo các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và đáp ứng và triển khai các biện pháp về tiêm chủng vaccine cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan. (Theo báo Sức khỏe và đời sống).

                                                            

Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về thủ tục khám, chữa bệnh BHYT

Bộ Y tế bãi bỏ 2 thủ tục hành chính lĩnh vực BHYT: Ký Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT lần đầu; Ký Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với cơ sở khám bệnh...

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về việc công bố 02 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực tài chính y tế thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ và công bố 02 thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế quy định tại Quyết định số 7291/QĐ-BYT ngày 7/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực BHYT thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.

Theo đó, Bộ Y tế bãi bỏ 2 thủ tục hành chính lĩnh vực BHYT: (1.003048) Ký Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT lần đầu; (1.003034) Ký Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bổ sung chức năng, nhiệm vụ, phạm vi chuyên môn, hạng bệnh viện trong việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh hết hiệu lực thi hành khi Quyết định này có hiệu lực thi hành tại Quyết định số 7291/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT như sau:

Thành phần hố sơ:

- Thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 06 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT.

- Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh đối với trẻ em dưới 06 tuổi.

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, BHYT theo Mẫu TK1-TS.

- Giấy hẹn khám lại.

- Giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT.

- Hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.

Trình tự thực hiện

- Người tham gia BHYT khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc Căn cước công dân.

Trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp... hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2.

Đối với trẻ em dưới 06 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT.

Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân trước khi ra viện.

- Trường hợp chuyển tuyến điều trị, người tham gia BHYT phải có phải có Giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT, hồ sơ chuyển viện của cơ sở khám, chữa bệnh.

- Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có Giấy hẹn khám lại của cơ sở khám, chữa bệnh.

- Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở khám, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Thời hạn giải quyết: Quyết định của Bộ Y tế nêu rõ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT giải quyết ngay sau khi xuất trình thẻ BHYT và thành phần hồ sơ. (Theo báo Sức khỏe và đời sống).

 

TP.HCM: Nhân viên y tế liên tục bị hành hung trong lúc cấp cứu bệnh nhân

Bệnh viện Quận 7 (TP.HCM) vừa cho biết, thời gian qua, nhân viên y tế tại bệnh viện liên tục bị hành hung, lăng mạ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và việc cứu chữa bệnh nhân.

Vụ việc thứ nhất, Bệnh viện Quận 7 cho biết, khoảng 17h ngày 3/12, Bệnh viện Quận 7 nhận được cuộc gọi cấp cứu 115 tại một quán nhậu có địa chỉ tại Đường 4 (phường Tân Quy, quận 7). Khi lực lượng y tế tới nơi, bệnh nhân nằm bất tỉnh trong nhà vệ sinh do say xỉn ngã xuống.

Tại đây, do diện tích nhà vệ sinh chật hẹp nên nhân viên y tế có nhờ người thân trong cuộc nhậu cùng hỗ trợ đưa bệnh nhân lên băng ca để chuyển đi cấp cứu. Tuy nhiên, người thân của bệnh nhân đã mắng nhân viên y tế

Không nhận được hỗ trợ, nhân viên y tế đưa bệnh nhân lên băng ca và chuyển ra ngoài thì người thân đi từ sau dùng chân đạp mạnh vào lưng nhân viên y tế.

Sau vụ việc, bệnh viện đã báo cáo tới Công an phường Tân Phú (Quận 7) và Công an phường Tân Phú đã mời nhân viên y tế này về trụ sở để lấy lời khai.

Vụ việc thứ hai, vào hồi hơn 23h đêm 22/11, ca trực đêm tại Bệnh viện Quận 7 đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.T (sinh năm 1973, ngụ phường Tân Quy, Quận 7) nhập viện có vết thương hở do té ngã. Nhân viên y tế đã tiếp nhận, tư vấn khâu vết thương và nhận được sự đồng thuận của bệnh nhân. 

Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân không chịu ra ngoài để nhân viên y tế làm việc mà có những lời nói và hành vi chửi bới, nhục mạ khiến bác sĩ buộc phải tạm ngưng công việc và rời khỏi phòng tiểu phẫu.

Sau đó, người nhà bệnh nhân đuổi theo đánh vào vùng mặt trái bác sĩ. Sự việc cũng đã được bệnh viện báo ngay đến Công an phường Tân Phú (Quận 7).

Qua 2 sự việc nêu trên, Bệnh viện Quận 7 đề nghị Công an Quận 7 và Công an phường Tân Phú quan tâm hơn khi có thông tin cần hỗ trợ từ Bệnh viện Quận 7. Bệnh viện Quận 7 cũng đề nghị Công an Quận 7 chỉ đạo điều tra làm rõ, xử lý theo đúng pháp luật hành vi hành hung nhân viên y tế, để không còn tình trạng như trên tiếp tục xảy ra với nhân viên y tế nói chung và nhân viên y tế của Bệnh viện Quận 7 nói riêng. (Theo báo Sức khỏe và đời sống).

 

5 lưu ý khi chăm sóc trẻ bị cúm

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra, rất dễ lây lan và có thể phát triển thành dịch lớn. Bệnh thường lành tính, tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng và kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà là vô cùng quan trọng.

3 cách để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ phòng bệnh cúm hiệu quả

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển gây bệnh và lây lan thành dịch. Hiện có nhiều trẻ nhập viện do cúm khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Vì vậy, làm thế nào để trẻ phòng tránh được bệnh cúm là điều vô cùng quan trọng.

Theo các chuyên gia truyền nhiễm, thời điểm hiện nay nước ta đang đứng trước nguy cơ mắc nhiều chủng cúm. Do đó, cha mẹ cần cảnh giác và theo dõi con khi con có biểu hiện của bệnh cúm.

Khi virus cúm xâm nhập cơ thể, người bệnh đột nhiên sốt cao (có khi tới 39 – 40 độ C) trong vài giờ rồi hạ dần; sau đó thân nhiệt lại tăng lên. Người bệnh sẽ có cảm giác ớn lạnh hoặc rét run, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, ho khan, khàn tiếng, nuốt đau, chán ăn, có khi buồn nôn và nôn, đi tiểu ít...

Toàn thân đau nhức, các bắp thịt cũng đau mỏi. Có người đau ngang lưng, đau khớp hoặc cổ. Đau khiến người bệnh mệt nhọc, nhưng khi xoa bóp lại cảm thấy dễ chịu.

Nếu chỉ bị bệnh cúm thường, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, nếu sốt cao trên 38,5 độ C cần uống thuốc hạ sốt, liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc và tăng sức đề kháng bằng vitamin C.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai: Với thể cúm thường, chỉ cần cách ly và hạn chế tiếp xúc với người bệnh trong 5 ngày, kể từ khi có biểu hiện cúm. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của thầy thuốc như Paracetamol, cảm xuyên hương…

Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị cúm

Hạ sốt cho trẻ

Nới rộng quần áo cho trẻ. Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn. (Nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được.)

+ Khi trẻ sốt ≥ 38,5°C thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, với liều 10 - 15mg/kg cân nặng. Cách 4 - 6h một lần. Hoặc cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Không nên nôn nóng mà cho trẻ uống quá liều lượng hoặc rút ngắn thời gian uống của trẻ. Tốt nhất là giữa các cữ thuốc từ 4 đến 6 giờ.

Vệ sinh đường hô hấp

Hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, mắt (vệ sinh bằng dung dịch Natriclorid 0,9%), họng (súc miệng bằng nước muối pha loãng ở nhà đối với trẻ lớn). Cũng có thể dùng nước muối sinh lý, loại dành cho trẻ nhỏ để xịt cho trẻ mỗi ngày từ 2 - 3 lần ở các vùng như: Mắt, mũi, miệng. Lấy khăn giấy sạch thấm khô và vứt bỏ. Với các loại khăn sữa dùng cho trẻ, sau khi lau cần giặt sạch, tránh dùng đi dùng lại.

Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch (Vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc trẻ nhỏ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng

Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn nhiều loại thực phẩm thay vì chỉ ăn 1 loại trẻ thích. Bổ sung các loại vitamin có trong trái cây, rau củ quả. Cho trẻ ăn mỗi ngày 1 - 2 hộp sữa chua để tăng cường hệ tiêu hóa.

Phòng lây nhiễm chéo

Nếu nhà có nhiều trẻ em thì cần cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong cùng nhà để tránh lây nhiễm. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh. Phụ huynh hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.

Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ và cho trẻ mang khẩu trang tại nhà. Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.

Tiêm vaccine phòng ngừa cúm

Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh cúm. Trẻ bị cúm cần được cách ly và người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Ngoài ra, các gia đình cần chú ý đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng…

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ có những biểu hiện sau:

+ Sốt cao liên tục ≥ 39°C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Co giật.

+ Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều. Bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh.

+ Trẻ khó thở, thở nhanh. (Theo báo Sức khỏe và đời sống).

Thu Hòa tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 83
Tháng 05 : 126.854
Năm 2024 : 846.153
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.644.667