• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 05/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn:  Bộ trưởng Bộ Y tế: Thêm nguồn lực để y tế cơ sở làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu; Nghị định 75 mang tính đột phá trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; Nguy hại thực phẩm “ngậm” phẩm màu quá mức; Khám răng miễn phí tại 45 siêu thị trên toàn quốc; Bệnh viện Quân y 120 phẫu thuật thành công khối u lớn cho 2 bệnh nhân

Bộ trưởng Bộ Y tế: Thêm nguồn lực để y tế cơ sở làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu

Với số tiền trên 110 triệu USD, dự án chương trình "Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn" có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế trong việc từng bước nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới...

Trên 110 triệu USD đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn

Phát biểu tại Hội nghị khởi động Hợp phần I - Chương trình "Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn" do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (5/12) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng, có tính chất nền tảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

"Đầu tư nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở, do vậy, luôn được Đảng, Nhà nước và ngành y tế coi là một trong những ưu tiên hàng đầu và vấn đề ưu tiên này một lần nữa đã được khẳng định trong Chỉ thị số 25 mới được Ban Bí thư ban hành gần đây về Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Đồng thời, người đứng đầu ngành y tế khẳng định, trên bình diện toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là sự lựa chọn thông minh giúp các hệ thống y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Chương trình "Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn" sử dụng vốn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) với thời gian triển khai thực hiện từ 2019 đến 2025, với các can thiệp cốt lõi quan trọng như đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực y tế, hỗ trợ việc đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ y tế và cơ chế tài chính cho y tế cơ sở… tại 16 tỉnh gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, đây được xem là một chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế trong việc từng bước nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đồng thời cũng là nguồn lực cần thiết để các tỉnh, thành phố được thụ hưởng dự án thực hiện các nội dung liên quan đến y tế cơ sở theo tinh thần của Chỉ thị 25 và Nghị quyết 99 của Quốc hội trong điều kiện ngân sách còn chưa dồi dào.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn của Bộ Y tế, chương trình có đặc thù là quy mô nguồn vốn lớn (tổng số vốn là 110,6 triệu USD, bao gồm 88,6 triệu USD vốn vay, 12 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại và 10 triệu USD vốn đối ứng), được triển khai trên địa bàn rộng (16 tỉnh trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) bao gồm: Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau.

Cùng đó, chương trình này cũng có cơ chế quản lý tương đối khác biệt so với các chương trình, dự án khác của ngành y tế. Thứ nhất, đây là chương trình y tế trao cho các địa phương quyền chủ động tối đa, theo đó các tỉnh tham gia Chương trình là chủ đầu tư Hợp phần vốn vay (là hợp phần có tỷ trọng vốn lớn nhất trong tổng vốn của chương trình và cũng là hợp phần thực hiện các hoạt động đầu tư chính của chương trình). Thứ hai, chương trình có cơ chế giải ngân theo phương thức hòa đồng ngân sách nhà nước trong khuôn khổ của chương trình mục tiêu qquốc gia xây dựng nông thôn mới.

"Chính những đặc thù này, đặc biệt là đặc thù về cơ chế giải ngân và quản lý chương trình đã tạo ra những thách thức chưa có tiền lệ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mà chúng ta đã phải trải nghiệm một cách đầy khó khăn"- đại diện ban quản lý dự án nói.

Phát huy tinh thần 3 chung

Theo thông tin của Ban Quản lý dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở cho biết, hiệp định vay của chương trình có hiệu lực từ ngày 04/2/2020 và cho đến nay đã 3 lần được gia hạn thời gian kết thúc giải ngân của khoản vay do những khó khăn trong việc hoàn thành toàn bộ các thủ tục pháp lý cần thiết. 

Sau 3 lần gia hạn Hiệp định vay, Chương trình đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành rút vốn vay vào ngày 22/3/2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 cho 16 tỉnh để thực hiện.

Như vậy, sau hơn 3 năm không thể triển khai hoạt động kể từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực do những vướng mắc về các thủ tục pháp lý/hành chính, tới nay chương trình đã chính thức bước vào giai đoạn triển khai hoạt động trong bối cảnh chỉ còn 2 năm để hoàn thành toàn bộ chương trình.

Hoàn thành các hoạt động của chương trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng đang được xem là một thách thức rất lớn đối với trong bối cảnh cơ chế triển khai theo phương thức mới với sự lồng ghép và phối hợp của nhiều bộ/ngành Trung ương và các sở/ban/ngành tại địa phương, cũng như sau hơn 3 năm qua đã có một số thay đổi trên thực địa. Một số cơ sở y tế dự kiến được chương trình đầu tư đã được các tỉnh nâng cấp từ nguồn vốn khác trong khi một số cơ sở y tế khác có nhu cầu đầu tư bức thiết lại chưa có trong danh mục đầu tư theo thiết kế ban đầu của chương trình.

Do đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh việc đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Theo đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải sâu sát, quyết liệt; công tác phối hợp liên ngành phải chủ động, hiệu quả; công tác quản lý và triển khai can thiệp chương trình phải linh hoạt, thông minh. Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với tinh thần 3 chung (Chung tâm nhìn, Chung mục tiêu cần hướng tới và Chung nỗ lực thực hiện) giữa Bộ Y tế, 16 tỉnh tham gia chương trình, Ngân hàng phát triển Châu Á và các bộ/ngành liên quan.

Tại hội nghị, đại diện UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã trao đổi, thảo luận với Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án một số nội dung liên quan trong triển khai dự án để cùng quyết tâm thực hiện hiệu quả nguồn lực của chương trình, nhằm tạo đà cho y tế cơ sở thực hiện tốt hơn vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu trong tình hình mới. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống)

 

Nghị định 75 mang tính đột phá trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT

 Ngày 19/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP với 5 điểm mới, được cho là có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các "nút thắt" vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Trong đó, Nghị định 75/2023/NĐ-CP bổ sung nhóm đối tượng được NSNN đóng BHYT bao gồm: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng (ATK) đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó Nghị định bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT, gồm: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. Đây là xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Nghị định sửa đổi, bổ sung quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT, cụ thể: Thực hiện các quyền theo Điều 42 Luật BHYT và quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Được cung cấp thông tin kịp thời khi hệ thống thông tin giám định BHYT phát hiện có gia tăng chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa. Từ đó để kịp thời rà soát, kiểm tra xác minh, thực hiện giải pháp điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi nguyên tắc thanh toán theo giá dịch vụ: Theo đó, chi phí dịch vụ khám bệnh, chi phí dịch vụ ngày giường bệnh và chi phí dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.

Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa BHYT hoặc sử dụng trong các dịch vụ kỹ thuật chưa được ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT được thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá mua theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chuyên gia cho rằng, các quy định này sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh BHYT giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT.

Nghị định 75/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12/2023.

Sáng 16/11/2023, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định: "Các quy định mang tính chất đổi mới của Nghị định 75/2023/NĐ-CP thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho cả người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hoạt động quản lý nhà nước về BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT". (Theo Báo Sức khỏe và đời sống).

 

Nguy hại thực phẩm “ngậm” phẩm màu quá mức

Muốn thực phẩm bắt mắt hơn, gây chú ý đến người tiêu dùng, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã pha trộn phụ gia, phẩm màu vào thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc lạm dụng quá mức phụ gia, phẩm màu sẽ là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe con người về lâu dài.

Dễ dàng tiếp cận

Qua tìm hiểu của phóng viên, tại nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống ở TPHCM như Bình Tây (quận 6), Kim Biên (quận 5), Thái Bình (quận 1)…, việc mua, bán phẩm màu thực phẩm, phụ gia khá dễ dàng. Sau khi nói về nhu cầu mở một cửa hàng bán xôi, chúng tôi được một người bán hàng tại chợ Kim Biên giới thiệu 16 lọ hóa chất với đủ màu sắc, được đựng trong những chai nhựa không rõ thành phần, nhãn mác, có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Sau khi lựa 2 màu đỏ và xanh, chúng tôi được nhân viên hướng dẫn chi tiết: nếu muốn xôi có màu đỏ như gấc, màu xanh như lá dứa thì chỉ cần đổ 1 giọt màu vào gạo ngâm; nếu muốn lạp xưởng, thịt quay đỏ au, vàng ruộm thì cho trực tiếp vào nguyên liệu...

Nghe chúng tôi thắc mắc về độ an toàn của các phẩm màu, chủ quầy hàng nói chắc nịch: “Chị bán quanh năm suốt tháng, có chết ai đâu mà lo”. Còn tại một sạp bán thực phẩm khô ở chợ Bình Tây, theo giới thiệu của chủ sạp, khô bò luôn nhập mới mỗi ngày và có nhiều chủng loại, mức giá từ 100.000-380.000 đồng/ kg. Đối với khô bò sợi ngắn, giá bán chỉ từ 120.000-150.000 đồng/ kg.

Khi chúng tôi đặt nghi vấn về màu sắc của miếng khô bò, hỏi liệu có sử dụng phụ gia hay phẩm màu công nghiệp gì không, chủ sạp hàng khẳng định: “Thịt bò của chị làm từ 100% thịt bò tươi cùng các nguyên liệu như tỏi, sả, ớt bột và nói không với chất bảo quản, phụ gia, màu thực phẩm”. Đặt một phép tính đơn giản, theo giá cả thị trường hiện nay, thịt bò tươi có giá gần 300.000 đồng/kg. Khoảng 2kg thịt bò tươi mới chế biến được 1kg khô bò. Vậy với giá 380.000 đồng/kg khô bò mà chủ sạp nói là không sử dụng phẩm màu, phụ gia thì người tiêu dùng sẽ khó chấp nhận!
Theo BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM, màu sử dụng trong chế biến thực phẩm với mục đích chính là cải thiện màu sắc và tăng tính hấp dẫn, gồm 2 nhóm chính là màu tổng hợp và màu thiên nhiên. Màu thiên nhiên được chiết xuất chủ yếu từ các loại thực vật nên có tính chất không ổn định, thay đổi theo thời gian, nhiệt độ, ánh sáng, độ pH…

Vì vậy, các loại màu tổng hợp thường được nhà sản xuất ưu tiên lựa chọn bởi giá thành rẻ, giữ màu bền đẹp. Tuy nhiên, việc lạm dụng màu công nghiệp sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là khả năng gây ung thư khi sử dụng lâu dài.

Thận trọng khi mua thực phẩm

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng phẩm màu công nghiệp trong chế biến. Điển hình mới đây, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 2 mẹ con bệnh nhân ngụ TP Hà Nội nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu. Bệnh nhân cho biết có mua 100g bột màu thực phẩm có màu đỏ tươi ở chợ để trộn với thịt heo xay và gói nem rán. Bệnh nhân và con ăn nem trong ba bữa trưa liên tiếp. Qua kiểm nghiệm, các bác sĩ cho biết, mẫu bột màu thực phẩm có axit orange 7.

Đây là loại hóa chất dùng làm chất màu công nghiệp, sử dụng liều cao trên động vật có thể gây tan máu và ngộ độc methemoglobin (huyết sắc tố vận chuyển và phân phối oxy cho cơ thể). Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm, cùng với đó là quy định vô cùng nghiêm ngặt về sử dụng chất tạo màu và yêu cầu nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.

Tuy nhiên, theo BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, vì hám lợi và để tạo thêm sự hấp dẫn cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã tự ý dùng các phẩm màu tổng hợp, thậm chí cả loại phẩm màu dùng trong công nghiệp, để nhuộm màu cho thực phẩm hoặc che giấu các sản phẩm bị hư hỏng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng, hiện hoạt động buôn bán hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ.

Trên thị trường, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm để làm ra các loại bánh mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Phải hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe (Sài Gòn giải phóng).

 

Bệnh viện Quân y 120 phẫu thuật thành công khối u lớn cho 2 bệnh nhân

Hai bệnh nhân có khối u xơ tử cung nặng 6,2kg và 4,5kg vừa được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 120 phẫu thuật thành công. Hai bệnh nhân có khối u xơ tử cung lớn là V.T.N.N (49 tuổi, ngụ xã Đa Phước Hội, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) và N.T.T (ngụ xã An Hữu, H.Cái Bè, Tiền Giang). Cả hai được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 120 (Bệnh viện 120) phẫu thuật ngày 2.12.

Hơn 2 giờ phẫu thuật, bóc tách 2 khối u "khủng"

Bệnh nhân N.T.T cho biết, đã phát hiện khối u cách đây gần 7 năm, có mua thuốc uống nhưng không thuyên giảm. Gần đây, bụng dưới ngày càng lớn, đi lại khó khăn, thường xuyên đau vùng hạ vị, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, hoa mắt chóng mặt. Còn bệnh nhân V.T.N.N phát hiện khối u hơn một năm nay, có điều trị tại phòng khám tư nhưng không giảm. Gần đây, bụng dưới ngày càng lớn, kèm theo rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, chóng mặt…

Khi nhập viện tại Bệnh viện 120, cả 2 bệnh nhân được chụp MRI, siêu âm. Kết quả cho thấy, tử cung bệnh nhân N.T.T, di động, không âm thổi trên u; tử cung bệnh nhân V.T.N.N, di động, chiếm gần toàn bộ ổ bụng, chèn ép các cơ quan lân cận.
Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cắt khối u xơ tử cung. Ê kíp phẫu thuật gồm 4 bác sĩ và 5 kỹ thuật viên, do trung tá, BS CK1 Huỳnh Thanh Tú, Trưởng khoa Sản - Bệnh viện 120, làm trưởng ca. Sau hơn 2 giờ, các bác sĩ đã bóc tách, cắt thành công khối u nặng 6,2kg ra khỏi cơ thể bệnh nhân N.T.T và khối u nặng 4,5kg ra khỏi cơ thể bệnh nhân V.T.N.N.

Sáng 3.12, sau phẫu thuật, 2 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định, tự đi lại và sẽ sớm xuất viện trong vài ngày tới. Bệnh nhân V.T.N.N xúc động chia sẻ: "Tôi không ngờ trong cơ thể mang khối u lớn như vậy. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện 120 đã hết lòng chăm sóc và điều trị cho tôi.

Trung tá, BS CK1 Huỳnh Thanh Tú cho biết: "Đây là ca phẫu thuật khó, phức tạp. Bệnh nhân có khối u tử cung kích thước rất lớn, nếu không mổ sớm sẽ phát triển nhanh, chèn vào các tạng khác trong cơ thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết, thiếu máu nặng, thận ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, táo bón nặng kéo dài... Nếu để lâu, có thể gây ung thư hóa khối u, nguy hiểm đến tính mạng".

Cần chẩn đoán, điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm

Theo trung tá, BS CK1 Huỳnh Thanh Tú, u xơ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Có đến 30% phụ nữ bị u xơ tử cung trong độ tuổi từ 30 đến 50, trong khi số lượng chị em trên 50 tuổi bị u xơ tử cung chiếm đến 80%. U xơ tử cung cần được chẩn đoán và điều trị sớm ngay từ đầu, nếu không, khối u phát triển lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. U có thể tăng lên về số lượng, kích thước và không thể loại trừ khả năng khối u tử cung là khối u ác tính.

Đại tá, thầy thuốc ưu tú, BS CK2 Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện 120, cho biết nhiều chị em không có thói quen khám phụ khoa định kỳ nên thường phát hiện muộn, khó điều trị và có thể gây các biến chứng, nhất là trong giai đoạn thai kỳ. Việc phát hiện sớm, theo dõi và điều trị u xơ tử cung theo chỉ định của bác sĩ là rất quan trọng. Vì vậy, chị em nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện sớm u xơ tử cung, cũng như những bệnh lý phụ khoa khác. Từ đó có biện pháp điều trị cụ thể, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của chị em.

"Thời gian qua, Bệnh viện 120 đã đầu tư nguồn nhân lực BS CK1 chuyên ngành sản khoa và trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng khám và điều trị chuyên ngành phụ sản", Giám đốc Bệnh viện 120 thông tin thêm (Thanh niên).

Thu Hòa tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.647
Tháng 05 : 126.475
Năm 2024 : 845.774
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.644.288