• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 04/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Cơ chế khuyến khích địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế; Dịch bệnh lây qua đường hô hấp ở nhiều nước tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 cách phòng chống; Nâng mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% lên 100%; Bệnh viện Trung ương Huế được trao giải kim cương trong điều trị, cấp cứu đột quỵ

 Cơ chế khuyến khích địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế

Nghị quyết số 99/2023/QH15 nêu rõ, khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Bảo đảm mọi người đều được chăm sóc sức khỏe

Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV có nhiều điểm mới về phát triển y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo đó, việc tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng: Y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.

Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ BHYT theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện KT-XH, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ở từng khu vực, địa bàn.

Tổ chức hoạt động của trạm y tế xã gắn với quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng và thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, kết hợp quân y và dân y; gắn hoạt động của y tế trường học với trạm y tế xã.

Huy động các cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng theo quy định của pháp luật và thực hiện kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân. Tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Y tế dự phòng tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe người lao động, người cao tuổi, bà mẹ và trẻ em, dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe.

Bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 99/2023/QH15 cũng nêu rõ, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân viên làm việc tại trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản; tiếp tục áp dụng chính sách đào tạo cử tuyển đối với người học là người dân tộc thiểu số. Nâng cao năng lực nhân viên y tế cơ sở; điều động, luân phiên bác sỹ, nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, nhất là tại trạm y tế xã. Nghiên cứu có quy định về tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của ngành y tế.

Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện; bảo đảm quản lý toàn diện của chính quyền địa phương, nhất là về nhân lực và cơ sở vật chất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với việc quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống).

 

Dịch bệnh lây qua đường hô hấp ở nhiều nước tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 cách phòng chống

Thời gian gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1), COVID-19 tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...

Tại Trung Quốc, ngày 13/11/2023 đã thông báo về việc gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp; đồng thời ghi nhận chùm ca bệnh viêm phổi chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em xảy ra tại một số tỉnh miền Bắc Trung Quốc. Ngày 26/11/2023, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã họp báo và nhận định nguyên nhân chính là do hiện đang vào mùa đông, thời tiết lạnh, thay đổi bất thường. Kết quả giám sát đã ghi nhận các tác nhân được phát hiện chủ yếu là virus cúm; ngoài ra còn có rhinovirus, Mycoplasma pneumoniae, virus hợp bào hô hấp, adenovirus...

Tại Malaysia, Singapore số mắc COVID-19 gia tăng từ 50-100% so với tuần trước đó, hầu hết có triệu chứng nhẹ và nhận định dịch bệnh gia tăng do các yếu tố như mùa du lịch cuối năm và việc giảm khả năng miễn dịch của người dân.

Tại Campuchia, ngày 24/11/2023 ghi nhận thêm 01 ca mắc cúm A/H5N1 ở người; tích luỹ năm 2023, Campuchia đã ghi nhận 06 ca mắc ở người, trong đó có 03 ca tử vong.

Nước ta hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chiều 4/12 Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo (lưu ý) người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:

- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (Theo Báo Sức khỏe và đời sống).

 

Nâng mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% lên 100%

Từ ngày 3/12, một loạt chính sách mới về bảo hiểm y tế (BHYT) quy định trong Nghị định 75 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT có hiệu lực.

Theo đó, nghị định bổ sung thêm cũng như điều chỉnh quy định về một số đối tượng thuộc nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng.

Cụ thể, bổ sung mới: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc Nghị định số 75 bổ sung đưa nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế có cơ hội được tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, qua đó góp phần duy trì, phát triển diện bao phủ BHYT.

Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.

Nghị định 75 cũng đã bổ sung, nâng mức hưởng BHYT trong đó nâng mức hưởng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng; người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình nâng mức hưởng từ 80% lên 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT; vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá nhưng đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng: có mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra, Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Nghị định 75 cho phép xuất trình căn cước công dân thay thế cho thẻ BHYT có ảnh; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ đã được định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID khi đi khám chữa bệnh (Theo Tiền phong).

 

Bệnh viện Trung ương Huế được trao giải kim cương trong điều trị, cấp cứu đột quỵ

Sáng 3-12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện lần đầu tiên được Hội Đột quỵ thế giới trao tặng giải thưởng Diamond (kim cương).

Đây là giải thưởng cao nhất của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị và trung tâm cấp cứu đột quỵ thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian tái thông mạch máu não, đồng thời thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.

Các trung tâm cấp cứu đột quỵ cần đạt các tiêu chí: Thời gian từ cửa bệnh viện đến lúc được tiêm thuốc tan cục máu đông không tới 30 phút, so với tiêu chuẩn chung là dưới 60 phút.

Thời gian được đâm kim can thiệp lấy huyết khối nằm trong mức tối ưu. 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chẩn đoán bằng CT hoặc MRI trong vòng 15 phút đầu tiên, trong khi mức tiêu chuẩn đặt ra là 45 phút.

Tỉ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị tái thông hiện nay đã đạt mức hơn 25%. Đặc biệt, không có bất kỳ ca bệnh đột quỵ nào bị bỏ sót hoặc chậm trễ trong quá trình cấp cứu, điều trị và chăm sóc tại bệnh viện.

Để làm được điều này, các trung tâm cần phải có đầy đủ các yếu tố bao gồm nguồn nhân lực có trình độ cao, thiết bị chẩn đoán chuẩn xác và phối hợp nhuần nhuyễn với các khoa phòng có liên quan.

Quy trình xét duyệt sẽ được thực hiện bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và hai cơ quan kiểm định quốc tế, Ủy ban về đơn vị đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.

Bác sĩ Lê Vũ Huỳnh (phó trưởng khoa đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết hiện nay đơn vị thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ thể tắc mạch nặng, nguy kịch.

Bằng liệu pháp tái thông (truyền thuốc tan cục máu đông và can thiệp nội mạch tái thông mạch máu não) một cách kịp thời, hầu hết những trường hợp nhập viện sớm đều được cấp cứu hiệu quả, vượt qua cơn nguy kịch và có thể hồi phục ( Theo Tuổi trẻ).

 Thu Hòa tổng hợp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.519
Tháng 12 : 169.348
Năm 2024 : 2.969.936
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.768.450