• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Điểm báo, ngày 01/12/2023

Soyte.hatinh.gov.vn: Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật Dược; Hà Nội phát hiện bệnh nhân ho gà là trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi; Xuất hiện trẻ vị thành niên bị lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục đồng giới.

 

Những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật Dược

Theo dự thảo Luật sửa đổi luật Dược, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật giữ nguyên theo phạm vi điều chỉnh của Luật Dược 2016; chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược. Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Dược sẽ sửa đổi và bổ sung 38 điều của Luật Dược 2016; trong đó, sửa đổi 36 điều, bổ sung 2 điều và bãi bỏ 1 điều.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường, việc điều chỉnh, bổ sung các điều của Luật Dược nhằm phân biệt giữa thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và vị thuốc cổ truyền; phân biệt thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất và thuốc dạng phối hợp chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp chứa dược chất tiền chất; giải quyết các vướng mắc đối với việc cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc của các cơ sở sản xuất trong nước có sử dụng nguyên liệu làm thuốc được nhập khẩu; quy định về phép nhập khẩu, cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ sở nước ngoài tại Việt Nam;…Sau đây là những nội dung cơ bản của luật Dược được đề xuất sửa đổi:

Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ của luật Dược

Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ tại khoản 5, 8, 9, 17, 18, 19, 26, 37 Điều 2 và bổ sung khoản 44, 45, 46, 47, 48, 49 vào Điều 2 Luật Dược để làm rõ các thuật ngữ và có cách hiểu thống nhất, cụ thể: Thuốc cổ truyền, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc tiền chất, Thực hành tốt, bán thành phẩm, chuỗi nhà thuốc, oxy y tế, nghiên cứu phát triển thuốc, tham chiếu, thừa nhận, công nhận.

Quản lý oxy y tế

Bổ sung quy định Thuật ngữ "Oxy y tế" tại khoản 46 Điều 2 Luật Dược để xác định rõ sự khác biệt với sản phẩm thuốc nói chung và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện. Sửa đổi, bổ sung khoản 5, 7 Điều 6, khoản 9 Điều 7 Luật Dược đối với các hành vi bị nghiêm cấm và việc khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất oxy y tế. Sửa đổi, bổ sung Điều 33 về điều kiện hoạt động đối với cơ sở kinh doanh oxy y tế theo hướng giao chính phủ quy định nội dung này. 

Sửa đổi, bổ sung Điều 35 quy định về điều kiện hoạt động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh oxy y tế. Sửa đổi Điều 55, 56 và 58 quy định về việc cấp và thu hồi Phiếu công bố sản phẩm oxy y tế. Bổ sung quy định về điều kiện lưu hành đối với oxy y tế tại Điều 59.

Sửa đổi, bổ sung Điều 61 quy định về ghi nhãn sản phẩm oxy y tế. Bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh oxy y tế tại các điều quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dược.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược

Sửa đổi một số nội dung quy định tại Điều 7 và 8 Luật Dược nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu trong nước theo hướng: Quy định các nội dung ưu đãi/đặc biệt ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu sẵn có trong nước, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thuốc công nghệ sinh học, thuốc chuyên khoa đặc trị được chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam;

Tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục nộp đơn đăng ký lưu hành thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao và thuốc công nghệ sinh học chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam

Khuyến khích nghiên cứu sản xuất, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên liệu làm thuốc, sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc sinh học, thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia, nguyên liệu sản xuất thuốc.

Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 10 Luật Dược theo hướng bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc chủ trì áp dụng khoa học và công nghệ để phát triển ngành công nghiệp hóa dược.

Tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 44 và bổ sung Điều 53a Luật Dược theo hướng bổ sung một số quy định liên quan đến quyền phân phối thuốc của các cơ sở kinh doanh dược FIE, điều chỉnh quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp này đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 19, 30, 32, 33, 35, 42, 43, 44, 46, 51, bổ sung Điều 47a Luật Dược theo hướng bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, vận chuyển thuốc và dịch vụ nghiên cứu, phát triển; kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh các dịch vụ trên. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 35 Luật Dược, theo đó, bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí trong hoạt động về dược.

Về đăng ký, lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 54 Luật Dược, theo đó, nguyên liệu làm thuốc để sản xuất thuốc theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam không phải thực hiện đăng ký lưu hành nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bổ sung khoản 6 Điều 56 Luật Dược trong đó, không tiếp tục gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa lưu hành trên thị trường trong thời hạn hiệu lực đã được cấp giấy đăng ký lưu hành.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3, 4 Điều 55 và khoản 1, 3, 5 và 6 Điều 56 Luật Dược: Đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; quy định các trường hợp gia hạn, thay đổi, bổ sung Giấy đăng ký lưu hành không phải thông qua Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc để đơn giản hóa thủ tục hành chính; giảm thời gian gia hạn Giấy đăng ký lưu hành (giảm từ 03 tháng xuống 01 tháng đối với trường hợp gia hạn không phải thông qua Hội đồng). 06 tháng trước khi hết hạn Giấy đăng ký lưu hành, cơ sở đăng ký nộp hồ sơ đề nghị gia hạn đến cơ quan quản lý. Sau khi nộp hồ sơ gia hạn theo quy định, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được tiếp tục sử dụng cho đến khi Bộ Y tế có văn bản dừng/tạm dừng Giấy đăng ký lưu hành trên cơ sở thẩm định, tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc do liên quan đến an toàn, hiệu quả và tính pháp lý của thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 56 Luật Dược, cụ thể: Cho phép thay thế Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (CPP) bằng giấy tờ chứng minh thuốc được cấp phép trong trường hợp đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; Thừa nhận kết quả thẩm định hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ lâm sàng trong hồ sơ đăng ký thuốc và giấy chứng nhận GMP của cơ sở sản xuất thuốc thành phẩm đối với các thuốc mới được cấp phép lưu hành tại các nước có cơ quan quản lý dược chặt chẽ, cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch;

Miễn nộp hồ sơ lâm sàng đối với thuốc mới sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa có cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng với thuốc đã được một trong các cơ quan quản lý thuộc danh sách cơ quan quản lý dược chặt chẽ cấp phép lưu hành khi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký lưu hành.

Sửa đổi khoản 1 Điều 87 Luật Dược theo hướng chấp nhận kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả điều trị của thuốc hoặc hiệu quả bảo vệ của vắc xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vắc xin; có ý kiến chấp thuận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia và ý kiến tư vấn chấp thuận của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét, quyết định việc cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước.

Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 89 theo hướng sửa quy định thử lâm sàng đối với thuốc dược liệu có sự kết hợp mới của dược liệu đã từng sử dụng làm thuốc tại Việt Nam và có chỉ định đối với các bệnh thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thành thuốc cổ truyền có sự kết hợp mới của dược liệu...và chuyển lên quy định tại Điều 72 Luật Dược.

Về thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Phân cấp thẩm quyền thu hồi thuốc cho Sở Y tế trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc vi phạm chất lượng mức độ 3 được phát hiện trên địa bàn tại khoản 1 Điều 65 Luật Dược.  Sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến việc phân cấp cho Sở Y tế thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại điểm a và b khoản 1 Điều 63, bổ sung khoản 4a vào Điều 64.

Về giao quyền chủ động về chuyên môn cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc công bố, chấp nhận các bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các nước

Sửa đổi, bổ sung khoản 37 Điều 2 Luật Dược về khái niệm "Thực hành tốt" theo hướng điều chỉnh nội dung giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hoặc thừa nhận các bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt của các nước để đánh giá đáp ứng điều kiện của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại nước ngoài trong các trường hợp công nhận, thừa nhận kết quả đánh giá của cơ quan quản lý nước sở tại hoặc đánh giá hồ sơ liên quan đến điều kiện sản xuất.

Về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc

Bổ sung điểm b khoản 3 Điều 60 Luật Dược về nguyên liệu làm thuốc được phép nhập khẩu đối với trường hợp nguyên liệu sản xuất thuốc là bán thành phẩm thuốc xuất khẩu.  Bổ sung khoản 5a sau khoản 5 Điều 60 Luật Dược theo hướng thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam sử dụng cho thử nghiệm lâm sàng được nhập khẩu mà không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu trừ trường hợp là thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Bổ sung khoản 8 vào Điều 60 Luật Dược theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định việc sử dụng các nguyên liệu làm thuốc đã được cấp phép nhập khẩu cho mục đích khác để sản xuất thuốc trong nước phòng, điều trị dịch bệnh trên cơ sở đề nghị của cơ sở sản xuất.

Về thông tin, quảng cáo thuốc

Bỏ thủ tục xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc tại khoản 3 Điều 78 Luật Dược và thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thuốc tại khoản 3 Điều 79 theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại khoản 38, 39, 40 và 41 Mục I Phần II Quyết định số 1661/QĐ-BYT.

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định về trách nhiệm của cơ sở thông tin, quảng cáo thuốc cho phù hợp với cơ chế quản lý mới (hậu kiểm) tại khoản 10 Điều 6; điều chỉnh quy định tại khoản 3 Điều 76 Luật Dược theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết căn cứ để xây dựng nội dung thông tin thuốc cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Về kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc

Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 103 Luật Dược theo hướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết:  Việc kiểm nghiệm thuốc, việc áp dụng các biện pháp quản lý thay thế (phương pháp quản lý hiện đại kiểm soát chất lượng thuốc được quy định tại tài liệu GMP để giảm, miễn giảm một số thử nghiệm trong kiểm soát chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc) của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; việc thừa nhận/chấp nhận kết quả đánh giá, kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc của cơ quan quản lý dược nước ngoài;

Việc miễn giảm kiểm nghiệm của cơ sở kiểm nghiệm thuốc được chỉ định và việc miễn, giảm cung cấp hồ sơ tài liệu về quy trình kiểm soát chất lượng thuốc, tiêu chuẩn chất lượng thuốc của cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trong trường hợp cần đáp ứng nhu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh, phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa.

Về quản lý giá thuốc

Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 5 Điều 107 và khoản 5 Điều 109 Luật Dược theo hướng: Giao Chính phủ quy định, điều chỉnh danh mục nhóm thuốc phải thực hiện kê khai giá thuốc và ban hành các nguyên tắc, tiêu chí kỹ thuật lựa chọn các nhóm thuốc, danh mục thuốc phải kê khai;

Giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kê khai giá đối với thuốc, vắc xin được sử dụng miễn phí cho nhân dân nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo thỏa thuận của cơ sở sản xuất, nhà cung cấp.

Sửa đổi, bổ sung Điều 109 và Điều 110 Luật Dược theo hướng bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc phối hợp với BYT trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh nhóm thuốc phải thực hiện kê khai giá và các nguyên tắc, tiêu chí kỹ thuật lựa chọn các danh mục các nhóm thuốc, danh mục thuốc phải kê khai.

Sửa đổi, bổ sung Điều 112 Luật Dược theo hướng tiếp tục phân cấp Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận, công bố, rà soát hậu kiểm giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với thuốc sản xuất tại địa bàn và công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. (Theo Báo SK&ĐS).

 

Hà Nội phát hiện bệnh nhân ho gà là trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi

Thông tin từ Sở Y tế TP. Hà Nội, trên địa bàn đã xuất hiện bệnh nhân ho gà đầu tiên trong năm 2023.

Bệnh nhân là trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi, có địa chỉ tại huyện Đan Phượng. Khởi phát bệnh ngày 10/11 với triệu chứng ho, không sốt, không nôn. Ngày 11/11, gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được chẩn đoán viêm phế quản phổi và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Điều trị 3 ngày không thấy bệnh thuyên giảm, ngày 14/11, gia đình đưa trẻ đi khám tại trên địa bàn và được kê đơn thuốc về nhà điều trị tiếp.

Đến ngày 16/11, bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, có cơn tím tái mặt và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở oxy marsk 5 lít/phút, SpO2 89% (không thở oxy), họng đỏ, mũi nề. Bệnh nhân được xét nghiệm PCR ho gà cho kết quả dương tính.

Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học,…

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8.)

 

Xuất hiện trẻ vị thành niên bị lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục đồng giới

Thực tế ở TPHCM cho thấy, gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), không chỉ ở đối tượng người lớn mà còn có cả ở những đối tượng là trẻ vị thành niên.

Gia tăng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)

Theo báo cáo giám sát trọng điểm HIV/STDs (bệnh lây truyền qua đường tình dục) ở TPHCM, từ năm 2010-2022, tỉ lệ nhiễm HIV (có H) có chiều hướng giảm và duy trì ở mức thấp trong nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) có xu hướng tăng từ năm 2010 và chưa thấy có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Đáng chú ý, tỉ lệ này tăng lên 16% năm 2010, 11,4% năm 2015 và 12,3% năm 2022.

BS.CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho biết, chương trình chăm sóc điều trị HIV đến nay đã được 25 năm. Điều trăn trở nhất hiện nay là không những gia tăng tỉ lệ nam quan hệ tính dục đồng giới nhiễm HIV ở người lớn mà còn ở những đứa trẻ vị thành niên.

"Có những đứa trẻ ngay từ tuổi học đường cấp 2, vừa 13, 14 tuổi đã bị nhiễm HIV và quan hệ tình dục không những với bạn cùng khối mà cả những anh lớn hơn, ở lớp 11, 12, sinh viên đại học. Thậm chí có trẻ còn được giới thiệu ra bên ngoài làm các dịch vụ khác. Đó là điều tôi rất lo lắng cho giới trẻ ngày nay", bác sĩ Quy chia sẻ.

Hơn 1 năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp với Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và nhiều cơ sở khác, thực hiện các chương trình tập huấn, giáo dục cho trẻ về tình dục an toàn và bảo vệ sức khỏe. Mục đích nhằm phát hiện sớm những ca quan hệ tình dục đồng giới ở trẻ vị thành niên. Từ đó, đưa vào dự phòng, điều trị sớm HIV, ngăn chặn được những nhiễm trùng cơ hội, cho trẻ đáp ứng tốt hơn với điều trị, hồi phục tốt hơn, sớm hòa nhập cuộc sống.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy nhận định, MSM thường có tâm lý e ngại, khó tiếp cận, bởi vì hiện nay tâm lý cộng đồng còn xa lánh, kỳ thị. Để tiếp cận ngoài cộng đồng chủ yếu nhờ vào các nhóm đồng đẳng viên phối hợp cùng ngành y tế. Còn ở trường học, có những giải pháp giáo dục linh hoạt, sinh động để vừa giảm kỳ thị đối với nhóm MSM, vừa giúp trẻ vị thành niên ý thức được các biện pháp an toàn:

"Mình phải đưa một trường hợp cụ thể, để các em học sinh hiểu được để giáo dục các em. Ví dụ như có trường hợp học sinh 14 tuổi, quan hệ tình dục đồng giới không được bảo vệ và đã bị nhiễm HIV/AIDS, trong khi đó, cũng có trường hợp tình yêu đồng giới khác nhưng vẫn được bảo vệ bằng thuốc và đã không nhiễm. Chúng ta phải đánh thức các em để các em biết bảo vệ sức khỏe của mình trong mối quan hệ MSM".

Cũng theo bác sĩ Quy, với nhóm trẻ MSM không những có nguy cơ về lây truyền HIV mà còn lây truyền các bệnh lý về tình dục khác như giang mai, bệnh lậu hay bệnh sùi mào gà, gần đây còn một bệnh nữa là đậu mùa khỉ. 

"Là bác sĩ điều trị, tôi luôn luôn nghĩ rằng mình phải giúp cho các em có cái nhìn đúng đắn để các em hiểu rằng trên thế giới và những nước xung quanh, người ta không kỳ thị MSM hay là những đứa trẻ vị thành niên MSM bị nhiễm HIV. Có nghĩa là những đứa trẻ đó được có quyền sống và được có quyền làm việc để phát triển. 

Ngoài giáo dục trẻ về sức khỏe giới tính, chúng ta phải giúp trẻ yêu thích việc học và một công việc nào đó thì trẻ MSM mới tiếp tục làm việc tiếp và sống tốt. Nên giáo dục hướng nghiệp cho trẻ, ví dụ những trẻ nào còn đi học thì khuyến khích phải đi học tiếp, còn trẻ nào không còn đi học nữa thì khuyến khích học nghề. Theo đó, tư vấn cho trẻ những nghề cụ thể, đầu tiên là thuộc về sở thích của trẻ", bác sĩ Dư Tuấn Quy chia sẻ.

Xóa bỏ kỳ thị để chấm dứt HIV/AIDS

Ông Lê Minh Tân - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Thành phố Thủ Đức, TPHCM) cho biết, tâm lý của trẻ có H thường e ngại, lo sợ bị kỳ thị, bị chê bai về tình hình sức khỏe, học tập, hoàn cảnh gia đình…

Do đó, sau khi đủ 18 tuổi, không còn được trung tâm nuôi dưỡng, các em ra ngoài cộng đồng rất khó hòa nhập. Thống kê của trung tâm cho thấy, khoảng 150 trẻ HIV trưởng thành thì số lượng tự chăm sóc bản thân hoặc tự nuôi sống mình là rất thấp, không quá 6 trường hợp.

Theo ông Tân, vấn đề kỳ thị của xã hội hiện nay đối với người có HIV đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tồn tại. Vì vậy trung tâm cũng đặt ra vấn đề trang bị cho các em những kỹ năng đối diện với phản ứng của cộng đồng bằng cách tiếp cận một cách khoa học.

Trung tâm đổi mới bằng các chương trình đưa trẻ đi tham quan ở những nơi đông người như siêu thị, nơi vui chơi, thí điểm sử dụng điện thoại để kết nối, học tập, giúp các em chủ động hòa nhập. Đồng thời, duy trì các buổi sinh hoạt do một bác sĩ trực tiếp phụ trách và bộ phận tư vấn thực hiện để giải đáp, giảng dạy cho trẻ tuân thủ điều trị, biết cách bảo vệ người khác.

"Trẻ nhiễm HIV ở trung tâm cũng tham gia các hoạt động của xã hội một cách đầy đủ, nhưng hiện nay vẫn còn khoảng cách với những trẻ khác. Trong tương lai tiến bộ khoa học có thể kết thúc được HIV/AIDS. Tôi mong xã hội bớt kỳ thị các em, tạo một môi trường tốt cho các em hòa nhập, ít nhất là môi trường công việc", ông Lê Minh Tân cho hay.

Theo ông Nguyễn Minh Thuận, Quản lý Phòng khám cộng đồng AloCare (tiền thân là nhóm cộng đồng Aloboy, ra đời và hoạt động vì cộng đồng người có HIV), trước đây, nhiều nhóm trong cộng đồng chưa thấy được giá trị của việc xét nghiệm sớm để phát hiện tình trạng nhiễm của mình. Tuy nhiên, hiện nay họ đã quan tâm nhiều về sức khỏe và đi đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm. Đó cũng là một trong những lý do tăng tỉ lệ phát hiện HIV.

Tại AloCare, sau khi xét nghiệm, nếu kết quả dương tính, họ sẽ được điều trị sớm. Nếu âm tính, AloCare cũng sẽ tư vấn họ tham gia chương trình như dự phòng về HIV, dự phòng trước phơi nhiễm và các biện pháp về an toàn tình dục.

Hiện phòng khám cũng đang từng bước có những hoạt động, nhằm tạo nguồn lực chủ động để duy trì các mô hình hiệu quả, sáng tạo cung cấp đến khách hàng của mình.

"Để hướng đến chiến lược chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, chúng tôi hy vọng là xóa bỏ được những rào cản kỳ thị, phân biệt đối xử với nhóm cộng đồng. Bản thân tôi mong rằng cộng đồng xã hội sẽ xem HIV vốn dĩ là một bệnh mãn tính, chỉ uống thuốc mỗi ngày một viên thì nó sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ một ai", ông Nguyễn Minh Thuận chia sẻ.

Được biết, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Bộ Y tế đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Nhằm tiến tới đạt mục tiêu, ở TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đang tăng cường triển khai các hình thức tiếp cận mới, đặc biệt chú trọng các can thiệp trên nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới nhằm phát hiện và đưa vào điều trị sớm người nhiễm HIV. Mở rộng cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); kết nối điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao…(Theo Báo SK&ĐS).

Tổng hợp Tuấn Dũng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.628
Tháng 06 : 11.301
Năm 2024 : 941.466
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.739.980