• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kiên trì mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng sinh học tự nhiên vào năm 2025.

Nhiều năm nay, Hà Tĩnh luôn là tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao của cả nước. Vì vậy, từ năm 2009, Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được triển khai trên địa bàn tỉnh với trọng tâm tập trung cho công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của người dân và thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch vụ hỗ trợ lựa chọn giới tính.

Nhiều năm nay, Hà Tĩnh luôn là tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao của cả nước. Vì vậy, từ năm 2009, Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” được triển khai trên địa bàn tỉnh với trọng tâm tập trung cho công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức của người dân và thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch vụ hỗ trợ lựa chọn giới tính. Đề án được triển khai đã thực sự tác động đến nhận thức của người dân. Tuy nhiên, 6 tháng năm 2017, tỷ số giới tính ở tỉnh ta vẫn ở mức 112,11 bé trai/ 100 bé gái , tăng 1,73 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016. Để đạt được mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng sinh học tự nhiên, ngành Dân số vẫn đang hết sức kiên trì, nỗ lực.

Cùng niềm hân hoan trở lại trường sau những tháng hè của 3 cô con gài là nỗi lo của chị Nguyễn Thị Hoa, trú tại xã Cương Gián, Nghi Xuân chạy đôn chạy đáo lo đủ sách vở, các khoản đóng góp cho con nhập học. Cuộc sống thực sự khó khăn bởi 5 miệng ăn trong gia đình trông chờ vào những chuyến đi biển của chồng. Thế nhưng tất cả những khó khăn đó vẫn không thể dập tắt được niềm mong ước có con trai của vợ chồng chị và hiện chị đã “vỡ kế hoạch” với đứa con thứ 4 sắp chào đời. Chị Hoa chia sẻ: “Đã nhiều lần cán bộ Dân số đến nhà vận động chúng tôi chấp hành tốt chính sách dân số để nuôi dạy con cho tốt nhưng chưa đẻ được con trai cho chồng lòng tôi không yên được. Dù biết sinh con đông sẽ rất vất vả nhưng sinh được đứa con trai thì đứa con sẽ khiến vợ chồng tôi quên đi hết mệt mỏi và là động lực để cố gắng làm lụng nuôi con”.

Chi cục Dân số - KHHGĐ tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các cơ sở khám chữa bệnh

Với vợ chồng chị Trần Thị Bích, trú tại phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh phải chờ đợi gần 8 năm mới quyết định sinh thêm cháu thứ 2. Chị tâm sự: “Sau khi sinh cháu thứ nhất là con gái, tôi rất lo lắng và chần chừ mãi khi quyết định sinh cháu thứ 2 vì chồng là con trai một. Để có con trai, hai vợ chồng tôi áp dụng triệt để mọi biện pháp từ chế độ ăn, uống thuốc theo Đông y. Ngoài ra, hai vợ chồng cũng áp dụng các biện pháp hiện đại như siêu âm canh trứng, chọn tháng, chọn năm để khả năng có con trai đạt tỷ lệ cao”.

Thực tế đó cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu vẫn là do phong tục tập quán, tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Theo dự báo của ngành dân số, mất cân bằng giới tính tại Việt Nam đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ, ước tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu phụ nữ. Cụ thể, chênh lệch nam/nữ giới khoảng hơn 10%. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu nam. Như vậy, việc lựa chọn giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe phụ nữ như gia tăng tình trạng nạo hút, phá thai, các bệnh viêm, nhiễm. Tình trạng mất CBGT khi sinh dẫn đến những hệ lụy đáng buồn cho toàn xã hội khi xảy ra vấn đề dư thừa nam giới mà thiếu nữ giới. Đó không đơn thuần chỉ là việc nhiều nam thanh niên sẽ không lấy được vợ mà còn dẫn đến nguy cơ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, lạm dụng tình dục trẻ em, tệ nạn mại dâm…

Trước thực trạng đó, từ năm 2009, tỉnh ta đã triển khai đề án “Can thiệp, giảm thiểu mất CBGT khi sinh”. Sau 2 giai đoạn (2009-2010) và (2011-2015), Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tham mưu xây dựng, trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 19/6/2017 về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh.  Đến nay, Đề án được bao phủ diện rộng tại 205 xã thuộc địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh).

T.s Đường Công Lự - Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh cho biết: Nguồn kinh phí trung ương bị cắt giảm và chậm trễ khiến công tác Dân số trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhưng bám sát nghị quyết của tỉnh trong tham mưu bố trí kinh phí, chủ động thời gian nên Đề án được tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trọng tâm. Để tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Tĩnh được trở về theo mức sinh học tự nhiên từ 103-106 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái, Đề án đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động can thiệp, trong đó giải pháp then chốt bền vững là tập trung cho công tác tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức trọng nam, khinh nữ còn tồn tại trong một bộ phận người dân và thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch vụ hỗ trợ lựa chọn giới tính. Chi cục đã phối hợp với các đơn vị khám chữa bệnh tổ chức tập huấn quán triệt các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các cán bộ Y tế khoa Sản, Khoa Chẩn đoán hình ảnh đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện; cơ sở y tế ngoài công lập có hoạt động liên quan đến các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi tập trung tại huyện, thị xã có tỷ số giới tính khi sinh còn cao trong năm 2016.  Qua đây, cán bộ y tế tiếp thu được những kiến thức cơ bản về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy và giải pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; các văn bản của Đảng, Nhà nước, Ngành liên quan đến nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Từ đó, sẽ thực hiện quán triệt các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đề ra như: không siêu âm, bắt mạch để xác định giới tính thai nhi và không phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.

Ông Phạm Văn Đức – Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Triển khai Đề án, chúng tôi tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ dân số, các bà mẹ mang thai, duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa”; tổ chức nói chuyện chuyên đề giới tính khi sinh tại cộng đồng; đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh khối xóm, qua đó cung cấp nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính, các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Cán bộ dân số lập danh sách trực tiếp giám sát và cung cấp kiến thức về giới cho tất cả hộ gia đình, chú trọng là gia đình 1 bề là gái; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa của phụ nữ sinh con 1 bề; chia sẻ kinh nghiệm học tập của các cháu gái có thành tích học tập giỏi”.

Việc tăng cường các hoạt động của Đề án, đặc biệt là công tác tuyên truyền sẽ giúp Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”hy vọng trong thời gian tới sẽ tác động đến suy nghĩ của người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số và đảm bảo giới tính cân bằng theo quy luật tự nhiên.

Đoàn Loan


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 922
Tháng 03 : 174.017
Năm 2024 : 476.087
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.274.601