Khó khăn trong quản lý, kinh doanh rượu truyền thống
Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, lượng rượu được tiêu thụ chủ yếu vẫn là các loại do người dân tự nấu bằng các phương pháp thủ công truyền thống. Loại rượu này không chỉ xuất hiện ở hầu khắp các quán ăn, nhà hàng, trong các bữa tiệc mà không ít người dân còn mua từ vài lít đến hàng trăm lít để...“uống dần”. Điều đặc biệt là theo quy định, những loại rượu này đều phải dán nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ trên vỏ chai, can nhựa đựng rượu và hoạt động bán lẻ sản phẩm rượu phải có giấy phép do Phòng Công thương cấp huyện cấp, nhưng khi được hỏi cả người sản xuất và kinh doanh đều... “lắc đầu cho qua”.
Dạo qua một số cửa hàng tạp hóa, quán ăn trên địa bàn Thị trấn Can Lộc, cũng không khó để tìm rượu được nấu theo phương pháp thủ công. Khi khách có nhu cầu, người bán hàng có thể cung cấp ngay chỉ với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/lít tùy loại, nhưng tất cả đều không có nhãn mác và tất nhiên là cũng chẳng có cơ quan chức năng nào đứng ra thẩm định vệ sinh an toàn thực phẩm hay cấp phép sản xuất, kinh doanh. Là một trong những địa phương đứng đầu tỉnh về số hộ sản xuất và kinh doanh rượu thủ công truyền thống, hiện nay, huyện Can Lộc có gần 18.000 hộ trực tiếp sản xuất rượu thủ công. Trung bình mỗi năm, các hộ nấu rượu ở đây cung cấp ra thị trường trên 2 triệu lít rượu. Tuy nhiên, việc nấu rượu của các hộ dân hoàn toàn theo phương pháp thủ công, sau khi chưng cất, rượu được đem bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn và người dân sống quanh khu vực, thậm chí còn nhập vào các tỉnh phía Nam và các tỉnh ngoài Bắc hoàn toàn không qua các khâu cấp phép, kiểm định chất lượng, vệ sinh an toàn... Và một thực tế đáng buồn là khi được hỏi về giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định của Nghị định 94 thì các hộ sản xuất ở đây vẫn tỏ ra khá thờ ơ, thậm chí còn quả quyết chúng tôi nấu rượu theo phương pháp truyền thống của cha ông “truyền lại” thì cần gì phải cấp phép.
Còn tại huyện Đức Thọ, tuy số cơ sở sản xuất rượu truyền thống không nhiều bằng huyện Can Lộc nhưng được xem là huyện “đứng thứ 2” về lĩnh vực này. Đến thăm cơ sở nấu rượu của gia đình Chị Nguyễn Thị Thu, xóm Đại Liên, xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ đúng lúc Chị đang nấu nồi cơm rượu. Khi chúng tôi hỏi về việc thực thi Nghị định 94, Chị Thu cho biết: cách đây 4 năm khi có Nghị định 94, tôi cùng một số chị em trong xã tham gia vào hợp tác xã sản xuất rượu Đức Thanh nhưng HTX làm ăn ngày càng thua lỗ vì sản phẩm sản xuất ra giá thành cao hơn loại rượu nấu truyền thống của các hộ nhỏ lẻ trong xã nên các chị em chúng tôi đã bỏ HTX. Hiện nay mỗi ngày gia đình tôi chưng cất khoảng 20 lít rượu, chủ yếu bán cho bà con trong xóm và một số quán ăn trên địa bàn xã, ngoài ra còn tận dụng hèm rượu để chăn nuôi lợn, gà. Việc nấu rượu của gia đình chỉ tranh thủ lúc nông nhàn để tăng thêm thu nhập, chứ có buôn bán lớn đâu mà cần phải có giấy phép sản xuất.
Khác với chị Thu, anh Phan Đình Phú - Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất kinh doanh rượu xã Đức Thanh III, ở xóm Đại Lợi, xã Đức Thanh chia sẻ: Hợp tác xã chúng tôi được thành lập từ năm 2013 và có 15 thành viên là người dân trong xã tham gia. Tuy được thành lập từ năm 2013 nhưng mãi đến năm 2015 mới bắt đầu hoạt động, trung bình mỗi ngày chúng tôi sản xuất từ 150 - 200 lít rượu/ngày, nhưng vẫn chưa đem bán ra thị trường được vì hiện tại chúng tôi đang tiến hành làm các thủ tục hành chính cần thiết để tạo dựng một thương hiệu riêng cho mình, hiện tại lượng rượu dữ trữ của hợp tác xã chúng tôi đã lên đến trên 10.000 lít. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy nhu cầu sử dụng rượu phần lớn khách hàng đều không quan tâm tới những quy định về nhãn mác hay xuất xứ của rượu mà chỉ chú ý đến chất lượng rượu và giá bán, vì thế chúng tôi cũng đã lường trước được rất nhiều khó khăn khi tung ra thị trường vì sản phẩm của chúng tôi sẽ có giá cao gần gấp đôi đối với loại rượu không nhãn mác, do vậy chúng tôi mong muốn các ngành chức năng bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các hộ kinh nấu rượu truyền thống nhỏ lẻ không nhãn mác, đăng ký chất lượng, thì cần có chế tài xử lý nghiêm minh theo đúng tinh thần Nghị định 94, Anh Phú cho biết thêm.
Nghị định 94 đã quy định rõ sản xuất rượu thủ công do hộ gia đình hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện và hoạt động bán lẻ sản phẩm rượu phải có giấy phép do Phòng Công thương cấp huyện cấp; sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì theo quy định của Bộ Tài chính; người kinh doanh rượu phải có văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng mua bán... Tuy nhiên, hầu hết các hộ sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ không thể đáp ứng các điều kiện trên.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thì những hộ sản xuất rượu thủ công, muốn bảo đảm các thông số như etanol, methanol... về an toàn vệ sinh thực phẩm thì rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc khử, trong khi để đầu tư được hệ thống này phải mất ít nhất vài chục triệu đồng/bộ. Với quy mô nhỏ, lại sản xuất không thường xuyên thì việc đầu tư hệ thống như vậy để được cấp phép là điều quá sức đối với nhiều hộ.
Ông Ngô Xuân Hải, Trưởng Phòng Công thương huyện Can Lộc cho biết: “Các cơ sở nấu rượu thủ công ở Can Lộc đều có quy mô nhỏ, nằm rải rác trong thôn, xóm, các cửa hàng tạp hóa cũng chỉ bán kèm thêm rượu với số lượng không đáng kể nên việc thống kê chi tiết số hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và yêu cầu họ đăng ký rất khó khăn. Thế nên, sau hơn 4 năm triển khai, mặc dù công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, nhưng toàn huyện mới có 12 cơ sở, doanh nghiệp, HTX được cấp phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu. Nhưng đến thời điểm này chỉ còn lại 1 cơ sở và 1 HTX đang hoạt động “cầm chừng”, số còn lại đều phải giải thể vì làm ăn thua lỗ”.
Theo ông Lê Ngọc Châu - Tỉnh Ủy viên, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh: “ Nghị định 94 đã quy định việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm không có nhãn mác, không dán tem theo quy định; sản xuất rượu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đều là hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu và sẽ bị xử phạt. Nhưng thực tế, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có con số thống kê chính xác số hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công do chủ yếu được thực hiện với quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Khi bắt buộc phải thực hiện theo đúng Nghị định 94, người dân sẵn sàng tuyên bố bỏ nghề nhưng sau đó vẫn lén lút sản xuất nếu không có sự kiểm tra chặt chẽ của các ngành chức năng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh chứ không phải riêng ở huyện Can Lộc và Đức Thọ”.
Để Nghị định 94 đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả tốt nhất còn rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, trước mắt, các cấp, ngành, địa phương cần sớm tổ chức việc rà soát, thống kê các hộ cũng như cơ sở nấu rượu trên địa bàn để phân loại, xử lý. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong vận chuyển, tiêu dùng rượu ở các quán ăn, xây dựng các chế tài cụ thể để xử lý nghiêm các vi phạm và nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất và kinh doanh rượu. Có như vậy, mới có thể từng bước đưa sản xuất, kinh doanh rượu thủ công đi vào trật tự, nề nếp, bảo đảm quyền lợi cho chính người tiêu dùng.
Tuấn Dũng