• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hà Tĩnh chủ động kiểm soát kịp thời, hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc CDC Hà Tĩnh khẳng định, trước diễn biến khó lường của các bệnh truyền nhiễm, ngành sẽ giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để khi xuất hiện các ổ dịch.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên cả nước đang có những diễn biến khó lường, ngoài những bệnh thông thường, còn có nguy cơ xuất hiện những bệnh mới nổi từ các nước khác. Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về những nguy cơ và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Hà Tĩnh.

PV: Thời gian qua, Hà Tĩnh được đánh giá là điểm sáng trong phòng, chống dịch bệnh, ông có thể cho biết thêm về tình hình hiện nay trên địa bàn?

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh: Hiện nay, theo tình hình chung của cả nước, Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài những nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh cũ và mới khi địa bàn có nhiều hoạt động giao thương buôn bán và nhiều công dân xuất khẩu lao động trở về. Nhận định sớm tình hình dịch có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân nên ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn tỉnh chủ động, nâng cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch.

giam sat soi 7A.jpg

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát một ca nghi mắc sởi tại BVĐK huyện Đức Thọ.

Đặc biệt, chống dịch dựa vào cộng đồng là mô hình chúng tôi đang từng bước xây dựng, nhân rộng trên địa bàn. Đây chính là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực tế cho thấy, sự nỗ lực của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở cộng với sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ cộng đồng nên các ca bệnh truyền nhiễm trên địa bàn đều được phát hiện, xử lý kịp thời, dịch bệnh trong tỉnh được kiểm soát tốt.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Tĩnh đã kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh, chỉ xuất hiện một ổ dịch bệnh sởi tại Đức Thọ với 12 trường hợp mắc. Hiện nay, ổ dịch đã được kiểm soát, không có trường hợp bệnh nhân nặng.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh?

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh: Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các biến thể mới và các dịch bệnh truyền nhiễm mới. Tại Hà Tĩnh, công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, do địa bàn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều.

giam sat soi 4A.jpg

Một buổi giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường học của ngành chức năng.

Thời tiết thay đổi bất thường là yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, từ các bệnh dịch lưu hành như: sốt xuất huyết, tay chân miệng... cho đến các bệnh dự phòng bằng vắc-xin như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi... và bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập từ nước ngoài như đậu mùa khỉ. Trong khi đó, một số người dân còn chủ quan lơ là, chưa có ý thức chủ động khai báo khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh. Công tác vệ sinh môi trường tại một số địa phương chưa được chú trọng...

Một khó khăn khác là tỷ lệ tiêm chủng gần đây thấp hơn những năm trước. Nguyên nhân được xác định là do sự tác động của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc. Điều này có thể làm giảm tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch.

PV: Vậy ông có thể chia sẻ thêm về công tác phòng, chống dịch mà ngành Y tế Hà Tĩnh đang triển khai?

Thạc sỹ Nguyễn Chí Thanh: Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, ngay từ đầu năm 2024, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Mục tiêu là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát. Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe Nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

bqbht_br_z5284128066121-e632597e0a2bbc5e41ac6514f2f22e77-1388.jpg

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh công tác tiêm phòng dại cho vật nuôi. Ảnh tư liệu.

Đồng thời, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng toàn tỉnh chú trọng nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tình hình dịch bệnh. Tiếp tục giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng việc nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động y tế dự phòng và y tế cơ sở, nhất là tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi. Cùng đó, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đảm bảo đủ số lượng làm công tác phòng, chống dịch ở các tuyến.

Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm. Tổ chức các đợt cao điểm về phòng, chống dịch theo mùa, các chiến dịch, phong trào vệ sinh yêu nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, nâng cao chất lượng thực hiện báo cáo bệnh truyền nhiễm, báo cáo kiểm dịch y tế, báo cáo giám sát dựa vào sự kiện; quản lý thông tin tiêm chủng, kho dữ liệu bệnh truyền nhiễm.

Ngành Y tế Hà Tĩnh cũng quan tâm đến việc duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và nỗ lực đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin tiêm chủng mở rộng. Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả như: vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm; giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

PV: Xin cảm ơn ông !

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 139
Tháng 12 : 166.968
Năm 2024 : 2.967.556
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.766.070