• :
  • :
TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU. HÃY CHUNG TAY BẢO VỆ MÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19!
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Phát hiện sớm, chủ động phòng ngừa bệnh lao trong bối cảnh dịch COVID-19

Người bị bệnh lao, phổi sẽ bị tổn thương, hệ miễn dịch bị suy giảm nên khi nhiễm COVID-19 sẽ nặng hơn so với người khỏe mạnh. Chính vì vậy, phát hiện sớm, chủ động phòng ngừa bệnh lao và tuân thủ triệt để các quy định phòng, chống dịch trong bối cảnh hiện nay, không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan trong cộng đồng.

Theo thống kê từ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, năm 2021, toàn tỉnh thu nhận điều trị 623 bệnh nhân lao các thể, tương đương 47,9/100 000 dân; tỷ lệ điều trị thành công (khỏi và hoàn thành điều trị) là 98,2%; tỷ lệ bệnh nhân lao tử vong 0,4%; tỷ lệ lao kháng đa thuốc trong bệnh nhân mới chiếm khoảng 5%.

Khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc lao tại Trạm Y tế xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh

Đặc biệt, trong đó có một số bệnh nhân vừa mắc lao vừa mắc COVID-19. Từ tháng 8/2021 đến nay Bệnh viện Phổi tiếp nhận điều trị cho 923 bệnh nhân COVID-19, trong đó có gần 50 bệnh nhân COVID-19 trên nền bệnh nhân lao.

Theo bác sỹ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi: Ở những người mắc COVID-19 và lao, phổi là mục tiêu chủ yếu bị tấn công; các triệu chứng ban đầu cũng tương tự nhau như: ho, sốt, khó thở, mệt mỏi. Tuy nhiên, bệnh lao có thời gian ủ bệnh dài hơn, khởi phát chậm hơn so với COVID-19. Do vậy, khi một người mắc cả lao và COVID-19, tổn thương phổi sẽ có nguy cơ nặng hơn so với những người chỉ mắc một trong hai bệnh.

Bệnh nhân L.T.N.Y, 21 tuổi, Phường Kỳ Liên, Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Tháng 12/2021 do bị ho, đau ngực, đi khám thì phát hiện bị lao phổi/tràn dịch màng phổi phải. Đang trong giai đoạn điều trị lao thì giữa tháng 02/2022, tôi bị nhiễm COVID-19. Do ho nhiều, đau ngực, khó thở nên tôi vào điều trị tại Bệnh viện Phổi, được các y, bác sỹ chăm sóc tận tình nên sau 09 ngày được xuất viện. Dù đã khỏi bệnh COVID-19, nhưng hiện tượng đau khớp, đau ngực, khó thở vẫn còn”.

Bệnh nhân lao nhận thuốc điều trị ngoại trú tại trạm y tế xã

Bệnh lao là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.000 người tử vong vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc lao. Bệnh lao nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống lao còn gặp nhiều khó khăn, một phần do tác động của COVID-19, mặt khác do ý thức của người dân còn hạn chế.

Vì thế, vẫn còn nhiều trường hợp phát hiện muộn, bệnh nặng lên, làm cho quá trình điều trị khó khăn hơn, nguy cơ lây lan trước đó cho cộng đồng lớn hơn. Trên toàn tỉnh, tỷ lệ phát hiện, thu dung, điều trị bệnh nhân lao năm 2021 giảm 17% so với năm 2020. Đây là điều đáng lo ngại vì số người mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguồn lây lan cho cộng đồng. Nếu những người này, không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng cao.

Giám sát, quản lý, theo dõi sức khỏe bệnh nhân lao tại cộng đồng

Để phòng, chống bệnh lao trong bối cảnh hiện nay, theo bác sỹ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi: “Khi xuất hiện triệu chứng hô hấp bất thường, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K của Bộ Y tế, liên hệ ngay với các bác sỹ chuyên khoa để được hướng dẫn, tư vấn kịp thời. Khi bị bệnh lao, cần tuân thủ uống thuốc theo phác đồ; thực hiện uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sỹ. Bên cạnh đó, người bị bệnh lao cần tiêm vắc xin phòng COVID-19; hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác nhằm phòng tránh lây nhiễm COVID-19; tăng cường đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ. Trẻ em tháng đầu sau sinh cần được tiêm phòng vắc xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao”.

COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài, âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan trong cộng đồng.

“Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”, là chủ đề của ngày phòng, chống lao Thế giới 24/3/2022. Chủ đề nhằm thúc đẩy việc chủ động, tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao; trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao.

Thanh Loan


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.529
Tháng 04 : 184.781
Năm 2024 : 682.000
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 9.480.514