Người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ điều trị và quy định phòng dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe
Người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) dễ mắc COVID-19, do hệ thống miễn dịch của người bệnh vốn đã bị tổn hại, khiến việc chống lại vi rút khó khăn hơn và khả năng phục hồi cũng lâu hơn. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, những người bị bệnh ĐTĐ cần tuân thủ phác đồ điều trị và quy định phòng dịch COVID-19.
Bệnh nhân Trần Quốc Thắng, 64 tuổi, ở Phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh vào bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh điều trị trong tình trạng dịch tràn gan, phổi, phải hỗ trợ ô xi để thở. Bà Nguyễn Thị Nga, vợ của bệnh nhân Thắng bộc bạch: “Ông bị ĐTĐ 11 năm rồi, sức khỏe yếu, nếu không may bị nhiễm COVID-19 thì bệnh sẽ nặng thêm. Nên gia đình tôi, nhất là bản thân ông phải tuân thủ phòng dịch, luôn đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác và thực hiện rửa tay, sát khuẩn thường xuyên”.
Tại bệnh viện đa khoa tỉnh, mỗi ngày có từ 50 đến 60 bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại khoa Nội tiết, trong đó hầu hết là có biến chứng. Theo bác sĩ Thái Thọ, Trưởng khoa Nội tiết, bệnh viện đa khoa tỉnh: “Trong số bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại Khoa Nội tiết có đến hơn 90% bệnh nhân ĐTĐ bị các chứng kèm theo như: nhồi máu cơ tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não, tắc mạch chi, có nhiều bệnh nhân bị tràn dịch màn phổi… Do đó, nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì bệnh diễn biến nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn, khả năng hồi phục cũng khó khăn hơn so với người bình thường”.
Hiện nay, bệnh ĐTĐ rất phổ biến, ngoài những bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú tại khoa Nội tiết (bệnh viện Đa khoa tỉnh) thì còn có gần 4.000 bệnh nhân ĐTĐ đang điều trị ngoại trú tại Phòng khám ngoại trú Nội tiết – ĐTĐ (bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Ngoài ra, trên toàn tỉnh còn có 12 Trung tâm y tế, Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện đã thành lập Đơn vị quản lý, điều trị ngoại trú bệnh nhân ĐTĐ và tăng huyết áp, đến nay đã quản lý và điều trị cho trên 10.000 bệnh nhân ĐTĐ.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung, 83 tuổi, ở xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn cho biết: “Tôi bị bệnh ĐTĐ đã nhiều năm, nay đã có biến chứng sang mắt và tim. Trước nguy cơ dịch COVID-19 tôi luôn thực hiện 5K theo khuyến cáo của ngành Y tế để giữ sức khỏe cho bản thân”.
Hiện nay, toàn tỉnh có 111/216 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai khám, quản lý, điều trị ngoại trú bệnh nhân ĐTĐ. Hiện đang quản lý, điều trị ngoại trú cho 5.938 bệnh nhân ĐTĐ, trong đó số bệnh nhân ĐTĐ có đường huyết đạt mục tiêu là 2.147 người. “Tôi phát hiện ra mình bị bệnh ĐTĐ khi đến Trạm Y tế khám chữa bệnh, may được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên đường huyết luôn giữ được mục tiêu từ 6.8 đến 7.5”, bệnh nhân Nguyễn Thị Hải, 69 tuổi, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn chia sẻ.
Theo bác sĩ Thái Thọ, Trưởng khoa Nội Tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Virus SARS-CoV-2 có thể phát triển mạnh hơn trong môi trường đường huyết tăng cao. Hơn nữa, khi nhiễm virus SARS-CoV-2 cơ thể cố gắng chống lại bệnh bằng cách giải phóng đường dự trữ để cung cấp năng lượng do đó đường trong máu tăng lên, khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hơn. Một minh chứng là thời gian qua, tại Việt Nam, đa số bệnh nhân tử vong do COVID-19 có tiền sử mắc các bệnh nền, trong đó có bệnh lý về ĐTĐ.
Vì thế, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người trên 40 tuổi cần định kỳ kiểm tra đường huyết phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đặc biệt, với những người ĐTĐ có các triệu chứng khá rõ như: khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân… nhưng chưa đi khám bệnh, thì cần phải đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng.
Với bệnh nhân ĐTĐ cần tuân thủ uống thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ trực tiếp điều trị hướng dẫn. Đồng thời, cần thực hiện chế độ ăn hợp lý, vận động hàng ngày để giữ đường huyết đạt mục tiêu. Tuân thủ quy định 5K và các biên pháp phòng lấy nhiễm bệnh như: rửa tay kỹ và thường xuyên bằng xà phòng, nước sát khuẩn; làm sạch và khử trùng mọi bề mặt vật thể thường xuyên chạm vào; cố gắng tránh chạm tay lên mũi, miệng, mắt; không chia sẻ thức ăn, không dùng chung kính, khăn, dụng cụ... Cố gắng tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh về đường hô hấp như ho, hắt hơi, nghi ngờ nhiễm virus. Nếu phải đi ra ngoài tránh sử dụng giao thông công cộng, thay quần áo, rửa tay ngay khi về nhà. Nếu có các triệu chứng giống cúm (ho, hắt hơi, sổ mũi, người mệt mỏi...) hãy liên lạc với số điện thoại cần thiết để được hỗ trợ về y tế, không nên đến ngay phòng khám, bệnh viện… vì có thể lây bệnh cho người khác hoặc bị nhiễm bệnh.
Thanh Loan -Nhật Thắng