• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Trước đây, các bệnh lý của đĩa đệm, cột sống và nhất là thoát vị đĩa đệm hay gặp ở những người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay tỉ lệ trẻ hóa bệnh lý đĩa đệm tương đối phổ biến với độ tuổi từ 20 đến 30.

1. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.

Theo ghi nhận những bệnh nhân mắc thoát vị đĩa đệm do một trong những nguyên nhân sau đây:

  • Làm việc, vận động quá sức cơ thể. Vận động sai tư thế khiến đĩa đệm và cột sống bị ảnh hưởng xấu.

  • Tuổi tác được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thoát vị đĩa đệm. Khi cơ thể bị lão hóa, đĩa đệm và cột sống mất nhiều nước, thoái hóa xơ cứng và dễ bị tác động.

  • Gặp chấn thương ở lưng.

  • Mắc các bệnh bẩm sinh như gù lưng, thoái hóa cột sống…

  • Do di truyền.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý những yếu tố nguy cơ gây bệnh như:

Cân nặng cơ thể: Nếu cơ thể có số cân nặng quá lớn sẽ tạo thêm gánh nặng cho đĩa đệm cột sống, chủ yếu là vùng thắt lưng.

Nghề nghiệp: Những người làm công việc chân tay, khuân vác nặng hay sai tư thế đều có khả năng bị thoát vị đĩa đệm.

Thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi.

2. Biểu hiện thoát vị đĩa đệm

Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống, khi đó người bệnh thường có các biểu hiện như:

Đau nhức ở tay và chân: Người bệnh thường gặp những cơn đau bất chợt ở vị trí cổ, thắt lưng, vai... Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ trong khoảng vài ngày, vài tuần hoặc dài hơn. Sau đó người bệnh cảm thấy đau dữ dội hơn khi đi lại, làm việc.

Chứng tê bì tay chân: Khi nhân nhầy trong đĩa đệm rơi ra ngoài gây chèn ép lên rễ dây thần kinh khiến cơ thể đau nhức. Khi bị ở cột sống cổ sẽ gây đau và tê bì lan xuống cánh tay, bàn ngón tay. Nếu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thì lan xuống vùng mông, đùi, bẹn và chân… Bệnh nhân có thể bị rối loạn cảm giác, luôn cảm thấy có kiến bò trên người.

Yếu cơ, bại liệt: Triệu chứng này sau thời gian dài mới nhận ra được, khi bệnh đã vào giai đoạn nặng. Lúc này bệnh nhân gặp khó khăn trong việc di chuyển, lao động, khiến chân bị teo cơ, thậm chí là liệt chi phải dùng xe lăn.

Ngay khi quan sát và nhận thấy những triệu chứng sau đây thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh:

  • Đau, tê bì các cơ với mức độ ngày càng nặng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

  • Bị són hoặc bí tiểu.

  • Bị mất cảm giác ở các vị trí như bắp đùi trong, quanh hậu môn…

3. Bệnh thoát vị đĩa đệm có lây không?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên dây chằng và hệ thần kinh liên quan. Nguyên nhân là do quá trình lão hóa, hoạt động sai tư thế, tai nạn lao động… nên không phải là bệnh lây nhiễm.

Thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống.

4. Cách phòng thoát vị đĩa đệm

Thông thường khó có thể phòng ngừa để hoàn toàn không bao giờ bị thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên có một số việc chúng ta có thể làm để giảm thiểu nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm:

  • Sử dụng những kỹ thuật phù hợp khi nâng các vật nặng. Không được khom lưng. Hãy hạ thấp cơ thể bằng cách gập nhẹ gối, trong khi vẫn cố gắng giữ thẳng lưng và sử dụng sức mạnh của các cơ vùng chân để chịu lực.

  • Duy trì cân nặng hợp lý, quá cân sẽ làm gia tăng sức ép lên các đốt sống và đĩa đệm vùng thắt lưng.

  • Tập luyện các tư thế làm việc đúng khi đi, đứng, ngồi, nằm. Ví dụ như giữ lưng thẳng, không cúi cổ nhiều khi đứng, ngồi, khi ngồi gối gập một góc 90 độ với lòng bàn chân phải tiếp xúc được toàn bộ trên mặt đất, hạn chế đứng hoặc ngồi liên tục quá lâu, khi ngủ không nằm võng hay nằm nệm lún.

  • Tập các động tác căng dãn lưng nhẹ nhàng khi ngồi thời gian dài.

  • Không nên mang giày cao gót.

  • Tập thể dục thường xuyên để duy trì độ dẻo dai của cột sống, nâng cao sức mạnh các cơ vùng lưng, vùng bụng và chân.

  • Không hút thuốc.

  • Chế độ ăn dinh dưỡng đủ chất, hạn chế nguy cơ bị loãng xương.

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường như đau, tê vùng mông, đùi, chân, đi tiểu khó hoặc tay chân đột ngột yếu đi…

5. Cách điều trị thoát vị đĩa đệm

  • Điều trị nội khoa được chỉ định cho những trường hợp mới bị thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ mới xuất hiện mà không có các dấu hiệu nguy hiểm cũng như không cần phải phẫu thuật khẩn cấp.

  • Nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nặng, ngồi lâu, khom người, cúi cổ hoặc vặn cổ, vặn lưng quá mức.

  • Tập luyện các bài tập thể dục để tăng cường độ dẻo dai và sức mạnh của các khối cơ cạnh cột sống.

  • Vật lý trị liệu, có thể kèm kéo nắn cột sống.

  • Dùng thuốc để giảm đau giảm tê.

  • Các thủ thuật điều trị có thể ứng dụng để làm giảm đau:

Nếu điều trị đúng chỉ định và đúng phương pháp thì tỉ lệ thành công tới 95%. Với mục đích là giảm đau, hết dị cảm, phục hồi chức năng vận động và tạo điều kiện cho phần đĩa đệm bị thoát vị co bớt lại, làm giảm chèn ép thần kinh.

Điều trị thông thường qua từng giai đoạn bệnh:

- Giai đoạn 1: Giảm đau kết hợp chống viêm non-steroid, thuốc chống co cứng cơ hoặc corticoid đường uống.

- Giai đoạn 2: Tiêm ngoài màng cứng, tiêm quanh rễ thần kinh và các biện pháp khác (vật lý trị liệu, xoa bóp, kéo giãn cột sống, đai lưng…).

Trong một số trường hợp có thể sử dụng thủ thuật phong bế rễ thần kinh chọn lọc hay tiêm ngoài màng cứng (thường dùng Hydrocortisol) để làm giảm đau thần kinh bị chèn ép. Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ, sử dụng màng tăng sáng. Mỗi lần thực hiện có thể có hiệu quả trong 3 – 4 tháng.

Khi triệu chứng đau cấp cải thiện, cần tập chương trình phục hồi để dự phòng các tổn thương về sau. Bao gồm các bài tập để điều chỉnh tư thế, làm khỏe các cơ nâng đỡ cho lưng và cải thiện tính mềm dẻo uyển chuyển. Có thể kết hợp với các phương pháp đông y như châm cứu, bấm huyệt…

Điều trị phẫu thuật cần được chỉ định khi thoát vị đĩa đệm nặng gây ra các vấn đề như rối loạn chức năng đi tiểu, yếu chân, mất cảm giác chân, khi bị đau dữ dội mà người bệnh không muốn điều trị bằng phương pháp nội khoa, hoặc các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả. Tùy trường hợp cụ thể, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp tối ưu tùy theo tính chất tổn thương và chi phí kinh tế.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.386
Tháng 07 : 130.720
Năm 2024 : 1.270.027
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 10.068.541