• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế

Hôm nay, 31/5 là Ngày Thế giới không thuốc lá với chủ đề là "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá". Bộ Y tế kêu gọi, phát động chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng...

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi tăng

Sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ: Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Chủ tịch Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe; Kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ; Bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số.

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.

Sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế- Ảnh 2.

Chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay 31/5 là "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá".

Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13–15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.

Tại Việt Nam, theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội.

"Việc xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ sẽ phá bỏ những thành tựu mà chúng ta đã đạt được qua 10 năm thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá"- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Dẫn chứng thực tiễn, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

2 khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới: Việt Nam cần cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tăng thuế thuốc lá

Sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế- Ảnh 3.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng

Theo Tổ chức Y tế thế giới ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường. Trong thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ vị thành niên khi sử dụng có thể vật vã, khó chịu.

Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.

Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Tổ chức Y tế thế giới cũng nêu rõ, chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá.

Bộ Y tế cho biết thống kê từ các cơ sở khám chũa bệnh cho thấy, trong thời gian qua đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.

"Tại Việt Nam, chúng tôi tập trung kêu gọi, phát động chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng bởi những mối nguy hại không thể bàn cãi từ những sản phẩm thuốc lá mới này"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh thông tin này trong lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 do Bộ Y tế phối hợp với Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế- Ảnh 4.

Tổ chức Y tế thế giới nêu 2 khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam: Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tăng thuế thuốc lá – sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và các cam kết quốc tế đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ, việc Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng không chỉ là một lời kêu gọi, mà còn là một hành động cụ thể nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

"Chúng ta sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử, đồng thời khuyến khích các bậc phụ huynh, nhà trường và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ"- GS.TS Trần Văn Thuấn nói.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh 2 khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam:

Thứ nhất, liên quan đến các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới. Những sản phẩm này rất có hại cho sức khỏe.

"Các sản phẩm này khiến những người trẻ tuổi làm quen với nicotine và khiến họ bị lôi cuốn, có nguy cơ nghiện lâu dài và gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của những người trẻ tuổi.

Tất cả các bằng chứng đều chỉ ra tỷ lệ sử dụng ngày càng tăng mạnh trong giới trẻ Việt Nam. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để ngăn chặn điều này, trước khi quá muộn"- TS Angela Pratt nói.

Thứ hai, tăng thuế thuốc lá chính là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để đạt được điều này.

Theo TS Angela Pratt, hai hành động: Cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tăng thuế thuốc lá – sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và các cam kết quốc tế đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

"Nhưng quan trọng hơn, nó sẽ để lại một di sản lâu dài, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người trên khắp đất nước hiện nay và cho các thế hệ mai sau - bằng cách giúp mọi trẻ em ở Việt Nam có cơ hội sống lâu, khỏe mạnh và hạnh phúc"- TS Angela Pratt nói.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 311
Tháng 12 : 167.140
Năm 2024 : 2.967.728
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.766.242