Nhiễm vi khuẩn HP (H.Pylori) dùng thuốc như thế nào?
Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori hay H.Pylori) là nguyên nhân chính gây loét dạ dày, tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhưng nhiều người nhiễm H.Pylori không biết mình mắc bệnh, vì thường không có triệu chứng ban đầu…
Điều trị vi khuẩn H.Pylori giúp chữa lành mọi vết loét do nhiễm trùng gây ra và giảm nguy cơ biến chứng cũng như bệnh tật trong tương lai. Các loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm axit là phương pháp điều trị hàng đầu nhiễm vi khuẩn H.Pylori. Mặc dù có thể phải mất nhiều đợt điều trị nhưng nhiễm trùng H.Pylori có thể được chữa khỏi.
1. Thuốc dùng trong điều trị nhiễm vi khuẩn H.Pylori
Thuốc là phương pháp điều trị chính khi nhiễm vi khuẩn H.Pylori vì đây là một bệnh nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn. Không thể tiêu diệt vi khuẩn bằng chế độ ăn kiêng hoặc tập thể dục, thay đổi lối sống hoặc các liệu pháp khác.
Mục tiêu của việc điều trị bằng thuốc gồm: Loại bỏ vi khuẩn H.Pylori và chữa lành các phần dạ dày bị tổn thương do vi khuẩn (nơi một hoặc nhiều vết loét đã hình thành). Điều này được thực hiện thông qua sự kết hợp của thuốc kháng sinh, thuốc giảm axit và đôi khi phối hợp với thuốc chống tiêu chảy...
Nhiễm vi khuẩn H.Pylori có thể gây loét dạ dày và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
1.1 Thuốc kháng sinh
Mỗi phác đồ điều trị vi khuẩn H.Pylori sẽ bao gồm hai loại kháng sinh. Do tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến và khó loại bỏ vi khuẩn H.Pylori, dùng hai loại kháng sinh sẽ mang lại cho người bệnh cơ hội tốt nhất để loại bỏ nhiễm trùng.
Các loại kháng sinh được kê đơn phổ biến để điều trị vi khuẩn H.Pylori là clarithromycin, amoxicillin và metronidazole. Nếu những loại thuốc kháng sinh này không hiệu quả hoặc người bệnh đã sử dụng các kháng sinh này thường xuyên trong quá khứ hoặc có tiền sử kháng bất kỳ loại thuốc nào trong số này, bác sĩ sẽ lựa chọn sử dụng tetracycline hoặc levofloxacin để thay thế. Một đợt điều trị từ 10-14 ngày với các loại kháng sinh này.
Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Khó chịu ở đường tiêu hóa (như buồn nôn và tiêu chảy) và có vị kim loại trong miệng.
Khi kết thúc điều trị, bác sĩ sẽ xét nghiệm lại vi khuẩn H.Pylori. Khoảng 80% số người không cần điều trị thêm, nhưng khoảng 20% sẽ cần lặp lại việc điều trị với một số thay đổi trong phác đồ. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê một cặp kháng sinh khác, dùng trong 10 đến 14 ngày và có thể bổ sung thêm các loại thuốc khác, như bismuth subsalicylate.
1.2 Thuốc chống tiêu chảy
Bismuth subsalicylate là thuốc chống tiêu chảy thường được bán không cần kê đơn (OTC) với các tên như kaopectate hoặc pepto-bismol… Khi được sử dụng như một phần của phác đồ điều trị vi khuẩn H.Pylori, thuốc có tác dụng bảo vệ tế bào trên niêm mạc đường tiêu hóa; giảm và ức chế vi khuẩn, giúp loại bỏ vi khuẩn trong dạ dày và thúc đẩy quá trình lành vết thương ở vùng bị ảnh hưởng bởi vết loét dạ dày.
Bismuth subsalicylate thường không được sử dụng như một phần của phương pháp điều trị đầu tiên đối với vi khuẩn H.Pylori, nhưng nó có thể là một thành phần quan trọng đối với những người cần điều trị lại, giúp làm tăng cơ hội loại bỏ nhiễm trùng.
1.3 Thuốc giảm axit dạ dày
Cùng với hai loại thuốc kháng sinh, hầu hết những người được điều trị vi khuẩn H.Pylori sẽ dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI), để làm giảm axit dạ dày. PPI làm giảm lượng axit do dạ dày tạo ra, thường được sử dụng trong 14 ngày (một đợt điều trị).
Những loại thuốc này không có bất kỳ tác dụng nào đối với vi khuẩn nhưng chúng giúp vết loét dạ dày mau lành.
Một số PPI có sẵn theo toa và một số có thể mua không cần đơn (OTC). Các PPI phổ biến bao gồm:
- Prilosec (omeprazole)
- Nexium (esomeprazole)
- Prevcid (lansoprazole)
- Protonix (pantoprazole)
Một số tác dụng phụ của các thuốc PPI như đau đầu hoặc khó chịu ở đường tiêu hóa. Sử dụng kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.
Thuốc chẹn histamine (H2) như cimetidine, nizatidine… giúp giảm axit dạ dày, nhưng chỉ nên sử dụng khi không thể dùng các thuốc PPI.
1.4 Thuốc bổ sung và thay thế
Phần lớn, thuốc kháng sinh và thuốc giảm axit là phương pháp điều trị duy nhất cho H.Pylori, nhưng do tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng, nên các nhà khoa học đã nghiên cứu tác dụng của men vi sinh đối với H.Pylori.
Mặc dù không có nghiên cứu nào ủng hộ việc sử dụng men vi sinh thay thế cho phương pháp điều trị tiêu chuẩn bằng kháng sinh và PPI, nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung men vi sinh vào chế độ điều trị của có thể cải thiện kết quả.
Probiotic là vi khuẩn sống giúp khôi phục lại sự cân bằng vi khuẩn trong ruột. Các nghiên cứu cho thấy Bifidobacteria và Lactobacillus sp có thể có đặc tính ức chế nhiễm H.Pylori; giảm nguy cơ tác dụng phụ từ điều trị, mặc dù vẫn cần thực hiện các nghiên cứu bổ sung
Như vậy, probiotic không chỉ tăng cường phản ứng miễn dịch trong ruột (làm mồi để chống lại vi khuẩn như H.Pylori tốt hơn), mà còn có tác dụng kháng khuẩn đối với chính vi khuẩn, ức chế sự phát triển của chúng.
Một đánh giá các nghiên cứu năm 2022 cho thấy rằng, việc kết hợp men vi sinh vào phương pháp điều trị H.Pylori tiêu chuẩn có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn tốt hơn, ít tác dụng phụ liên quan đến điều trị hơn (như tiêu chảy) và tuân thủ điều trị tổng thể tốt hơn.
Người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ.
2. Những lưu ý khi dùng thuốc
- Nhiễm vi khuẩn H.Pylori rất khó điều trị. Các phương pháp điều trị hiệu quả nhất thường sử dụng 3 hoặc 4 loại thuốc trong thời gian tối đa 2 tuần. Do đó, bệnh nhân cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ uống thuốc hàng ngày (đầy đủ các thuốc, đúng liều lượng, thời điểm dùng thuốc) và thời gian điều trị là rất quan trọng để điều trị thành công.
- Trong quá trình dùng thuốc cần lắng nghe cơ thể, nếu có các triệu chứng bất thường (có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc tiến triển bệnh xấu đi…) cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết, để có cách xử trí phù hợp, kịp thời.
- Hầu hết các vết loét do H.Pylori gây ra sẽ lành sau vài tuần. Bác sĩ có thể kiểm tra lại H.Pylori cho bạn khoảng 4 tuần sau khi kết thúc điều trị. Do đó, người bệnh bắt buộc phải tái khám để đánh giá lại xem có còn vi khuẩn H.Pylori hay không. Nếu vẫn có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn có thể cần dùng thêm một đợt kháng sinh khác.
- Đau là triệu chứng thường thấy khi nhiễm vi khuẩn H.Pypori. Không dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen và naproxen để giảm đau vì chúng có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày. Nếu bạn cần thuốc giảm đau, hãy trao đổi với bác sĩ để được dùng thuốc thích hợp.
- Các phương pháp điều trị tự nhiên không thể tự chữa khỏi nhiễm trùng H.Pylori, nhưng chúng có thể làm cho các liệu pháp tiêu chuẩn trở nên hiệu quả hơn. Do đó, người bệnh không được tự ý bỏ thuốc để chuyển sang dùng các liệu pháp này.
- Người bệnh cần ngừng hút thuốc (nếu là người đang hút thuốc). Hút thuốc có liên quan đến thất bại trong điều trị vi khuẩn H.Pylori. Do đó, bỏ thuốc là một trong những cách tốt nhất để cải thiện cơ hội thoát khỏi nhiễm trùng.
- Có nhiều yếu tố giúp vi khuẩn H.Pylori tồn tại trong đường tiêu hóa một thời gian dài và vi khuẩn không tự biến mất. Trên thực tế, ngay cả với những phương pháp điều trị tốt nhất, vẫn có tỷ lệ thất bại 10-30%. Đó là lý do tại sao cách tốt nhất để đánh bại loại vi khuẩn này là chọn phương pháp điều trị H.Pylori cá nhân hóa cho từng người bệnh cụ thể. Do đó, người bệnh không được mách bảo nhau dùng thuốc, không được sử dụng đơn thuốc của người khác, cũng như không dùng lại đơn thuốc cũ…
- Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn H.Pylori cần:
+ Xử lý và tiêu dùng thực phẩm an toàn: Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và đồ uống. Tránh dùng chung thức ăn hoặc đồ dùng với người khác - đặc biệt nếu họ đã biết hoặc nghi ngờ nhiễm vi khuẩn H.Pylori.
+ Xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh: Các nghiên cứu cho thấy ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp ích cho chức năng miễn dịch.