• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Sốt rét: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị

Sốt rét có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi Anopheles đốt, đây cũng là trường hợp thường gặp nhất. Ngoài ra, sốt rét có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai, do nguồn máu được truyền có chứa ký sinh trùng gây ra bệnh sốt rét, sử dụng chung bơm kim tiêm có chứa ký sinh trùng sốt rét.

1. Nguyên nhân sốt rét

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát thành dịch và gây tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Sốt rét do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium gây nên. Bệnh lây truyền qua đường máu, chủ yếu do muỗi Anopheles mang ký sinh trùng đốt. Khi muỗi Anopheles hút máu của người bệnh sẽ mang theo cả ký sinh trùng sốt rét ở tuyến nước bọt của muỗi. Lúc này muỗi mang mầm bệnh đốt người lành và truyền ký sinh trùng sang người lành. 

Ký sinh trùng Plasmodium vào cơ thể, xâm nhập vào tế bào gan và phân chia, giải phóng ra các merozoites rồi tiếp theo xâm nhập vào các tế bào hồng cầu. Tại tế bào hồng cầu, ký sinh trùng phân chia vô tính làm phá vỡ tế bào hồng cầu rồi ký sinh trùng lại xâm nhập các tế bào hồng cầu mới. Chu kỳ phân chia vô tính hồng cầu này lặp đi lặp lại trong suốt quá trình bị bệnh sốt sét (Biểu hiện là những cơn sốt).

Có 5 chủng ký sinh trùng sốt rét chủ yếu ở người (P. falciparum; P. vivax; P. ovalae; P. malariae; P. knowlesi) gây nên những bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.

Sốt rét: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị- Ảnh 1.

BS. Nguyễn Ngọc Chìu - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8.

2. Triệu chứng sốt rét

Thời gian từ khi người bị muỗi Anopheles mang mầm bệnh đốt đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng được gọi là thời gian ủ bệnh, có thể kéo dài 7-21 ngày, trung bình khoảng 9-14 ngày.

Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể gặp các biểu hiện như:

  • Sốt cao 39 – 40 độ C, kéo dài 30 phút đến 2 giờ
  • Ớn lạnh
  • Vã mồ hôi
  • Nhức mỏi
  • Buồn nôn, nôn

Các triệu chứng trên có thể lặp đi lặp lại trong khoảng 48 - 72h tùy vào từng chủng ký sinh trùng sốt rét, thể trạng người bệnh và mức độ nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Với những trường hợp mắc sốt rét có thể chia làm 2 loại là sốt rét thể thông thường và sốt rét thể ác tính.

Với sốt rét thể thường: Là trường hợp mắc sốt rét xác định, không có dấu hiệu đe dọa tính mạng người bệnh, có thể có triệu chứng lâm sàng hoặc không. Triệu chứng lâm sàng:

  • Cơn sốt rét điển hình có 3 giai đoạn: rét run - sốt - vã mồ hôi, có tính chu kỳ.
  • Cơn sốt rét không điển hình như: sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét (hay gặp ở người sống lâu trong vùng sót rét lưu hành), sốt liên tục hoặc dao động (hay gặp ở trẻ em, người bệnh bị sốt rét lần đầu).
  • Những dấu hiệu khác: Thiếu máu, lách to, gan to...
  • Xét nghiệm: Có ký sinh trùng sốt rét.

Với sốt rét thể ác tính: Sốt rét ác tính là trường hợp sốt rét có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh. Người bệnh có các dấu hiệu trở nặng đe dọa đến tính mạng với các biểu hiện đặc biệt như:

  • Sốt cao liên tục từ 39 – 41 độ C
  • Rối loạn ý thức (ngủ li bì, mơ sảng, nói lẩm bẩm,...)
  • Hội chứng tâm thần- thần kinh: Hôn mê (Đột ngột hay từ từ chìm vào hôn mê sâu), co giật, rối loạn cơ vòng, giãn đồng tử.
  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng cấp, ói mửa.
  • Có thể xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội.
  • Cơ thể có biểu hiện thiếu máu nhiều: Da xanh tái, niêm mạc nhợt, ánh nhìn lờ đờ.
  • Xét nghiệm cho thấy mật độ ký sinh trùng thể vô tính cao (P. falciparum ++++ hoặc ≥ 100.000 KST/µl máu);

Lúc này người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Sốt rét ác tính có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Sốt rét: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị- Ảnh 2.

Một bệnh nhân sốt rét điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8.

3. Sốt rét có lây không?

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường máu. Có 4 phương thức lây thường gặp:

  • Có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi Anopheles đốt (Chiếm đại đa số các ca mắc sốt rét).
  • Lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai.
  • Do nguồn máu được truyền có chứa ký sinh trùng gây ra bệnh sốt rét.
  • Sử dụng chung bơm kim tiêm có chứa ký sinh trùng sốt rét.

 

4. Phòng tránh sốt rét

Bệnh sốt rét có thể gây được miễn dịch nhưng không đặc hiệu và không tuyệt đối. Bất kể ai cũng có thể mắc sốt rét nếu sống hoặc đi qua nơi có sốt rét lưu hành và bị muỗi Anopheles đốt. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh sốt rét. Do vậy để phòng bệnh sốt rét, người dân cần cập nhật và thực hiện các biện pháp phòng tránh sốt rét tại nhà nhất là những người sống ở khu vực rừng núi, khu vực có độ ẩm cao, mưa nhiều…

  • Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, không để nhà cửa ẩm ướt, tối tăm nhằm ngăn chặn muỗi phát triển nhất. Người dân cần phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, không để vũng nước đọng cho muỗi, bọ gậy phát triển.
  • Phun thuốc diệt muỗi, xịt côn trùng. Nếu có điều kiện nên lắp lưới chống muỗi quanh nhà
  • Dùng màn khi đi ngủ, nếu ở khu vực có nhiều muỗi nên mặc quần áo dài để hạn chế muỗi đốt. Có thể sử dụng kem chống muỗi, thuốc đuổi muỗi…
  • Nếu đi vào vùng có dịch sốt rét cần thận trọng và lưu lại thông tin di chuyển. uống thuốc dự phòng trước khi vào vùng dịch sốt rét lưu hành
  • An toàn truyền máu, đặc biệt với người có tiền sử sốt rét hoặc sống trong vùng sốt rét lưu hành.
  • Khi bản thân hoặc người nhà có dấu hiệu nghi ngờ sốt rét cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để làm xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Sốt rét: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị- Ảnh 3.

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường máu.

5. Điều trị bệnh sốt rét

Bệnh sốt rét có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh có thể phòng chống được. Khi người bệnh được chẩn đoán sốt rét, các bác sĩ sẽ căn cứ vào loại ký sinh trùng gây bệnh để phối hợp các loại thuốc với nhau và tránh tình trạng kháng thuốc. Nguyên tắc điều trị bệnh sốt rét là kết hợp điều trị thuốc sốt rét đặc hiệu với điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng. Một số trường hợp đặc biệt khi điều trị sốt rét là:

  • Với những trường hợp điều trị sốt rét ở người bệnh có bệnh lý kèm theo thì phải điều trị kết hợp bệnh lý kèm theo.
  • Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ chuyển thành sốt rét ác tính, vì vậy việc điều trị phải nhanh chóng và hiệu quả. Khi phụ nữ có thai khi bị sốt rét ác tính có thể dẫn đến sảy thai, đẻ non, thai chết lưu và tử vong. Do vậy, phải tích cực điều trị diệt ký sinh trùng sốt rét kết hợp điều trị triệu chứng, biến chứng.
  • Phụ nữ đang cho con bú bị sốt rét, thuốc điều trị cắt cơn với phác đồ được sử dụng như điều trị phụ nữ có thai trên 3 tháng bị sốt rét.
  • Trong quá trình điều trị sốt rét người bệnh cần được theo dõi sát khả năng đáp ứng với thuốc, uống thuốc đúng, đủ theo lộ trình điều trị và tái khám, xét nghiệm theo lịch để theo dõi ký sinh trùng sốt rét.

Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.465
Tháng 11 : 130.663
Năm 2024 : 2.712.165
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.510.679