Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số
Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới, Cục Dân số - Bộ Y tế đã phát động Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số.
Trong thời gian qua, nhằm khống chế tốc độ gia tăng dân số, các chính sách dân số của nước ta với các quan điểm và hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là giảm mức sinh, giảm tỷ lệ gia tăng dân số, giảm sức ép của dân số đến quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 và duy trì đến nay.
Hiện nay, Việt Nam chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung truyền thông trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới đó là: Tuyên truyền, vận động để thể hiện rõ quan điểm của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”.
Tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể; vận động các tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ và các mục tiêu của công tác dân số trong tình hình mới là phải toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số.
Đẩy mạnh truyền thông về những vấn đề dân số tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước: Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng và nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già là thách thức lớn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội; tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; chất lượng dân số, nhất là tại vùng khó khăn còn hạn chế và một số nội dung quan trọng khác sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.
Trước đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 Logo trong các giai đoạn hình thành Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác Logo ngành Dân số mới thay thế cho Logo về Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Trên cơ sở đó, sáng tác Logo ngành dân số để tuyên truyền vận động và truyền thông giáo dục nhằm “thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Cuộc thi nhằm chọn 1 (một) Logo ngành dân số phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thể hiện nét đặc trưng, tính khái quát cao về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và đối với phát triển bền vững của đất nước.
Ý nghĩa Logo ngành dân số phải thể hiện tính biểu tượng của ngành dân số, phản ánh tính đặc trưng của công tác dân số. Mỗi giai đoạn sẽ có một Logo khác nhau phản ánh nội dung hoạt động và mục tiêu của giai đoạn đó.
Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trước đây mục tiêu chủ yếu là giảm sinh, nhưng hiện nay nội dung yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới là “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.
Đối tượng dự thi gồm: Công dân Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; người nước ngoài đang học tập, công tác tại Việt Nam; các tổ chức trong và ngoài nước đều có quyền tham gia cuộc thi. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, học viên, sinh viên chuyên ngành thiết kế biểu trưng, đồ họa, mỹ thuật, kiến trúc, quảng cáo. Độ tuổi thí sinh không hạn chế; trường hợp dưới 18 tuổi phải có người giám hộ hợp pháp làm đại diện đủ năng lực, hành vi dân sự trước pháp luật.
Các tác giả có thể dự thi theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm tác giả. Thành viên Ban tổ chức, Ban giám khảo, Tổ thư ký của cuộc thi và người thân (bố, mẹ đẻ; bố mẹ bên vợ (chồng); vợ (chồng); con) không được phép dự thi.
Về yêu cầu tác phẩm dự thi:
Về nội dung:
Logo ngành dân số đáp ứng được nội dung, yêu cầu và bối cảnh của công tác dân số trong tình hình mới. Logo thể hiện và lan tỏa được trách nhiệm của hệ thống chính trị và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân nhằm sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Logo phù hợp khi được sử dụng chính thức trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của mỗi địa phương; Logo dự thi không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam, không vi phạm quy định, điều ước của quốc tế Logo độc quyền và không sao chép ý tưởng từ Logo dân số trước hay đơn vị nào khác; không trùng lặp với bất kỳ hình ảnh Logo của tác giả nào ở trong và ngoài nước.
Logo dự thi phải là tác phẩm chưa được công bố trên bất kỳ phưong tiện thông tin đại chúng nào (bao gồm báo hình, báo giấy, báo điện tử, diễn đàn mạng, triển lãm...); chưa từng tham dự bất cứ cuộc thi nào.
Bản thuyết minh ý tưởng: Mỗi mẫu Logo phải có bản thuyết minh kèm theo, không quá 300 từ trên khổ giấy A4 (nếu là bản tiếng nước ngoài phải gửi kèm bản dịch ra tiếng Việt); trong đó, nêu rõ ý tưởng sáng tác, ý nghĩa tác phẩm.
Trên bản thuyết minh không ghi họ tên của tác giả; bên góc trái phía trên có hình mẫu logo dự thi thu nhỏ có màu giống như mẫu lớn (3cm); bên góc phải phía trên là mã số dự thi của mẫu chính trên bài thi.
Về kỹ thuật:
Logo ngành dân số có tính đặc trưng, kế thừa, sáng tạo, nghệ thuật, không trùng lặp, tương tự, gây nhầm lẫn với bất cứ Logo nào khác, không vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.
Tác phẩm dự thi thể hiện trên khổ giấy A4 (29,7cm x 21cm). Logo phóng to đặt giữa, phía trên tờ giấy khổ A4, kích thước không quá 15cm x 15cm. Bên dưới có 2 mẫu thu nhỏ (kích thước mỗi Logo thu nhỏ là 3cm), một mẫu có màu giống như mẫu lớn (bên trái), một mẫu chỉ có màu đen trắng, có sắc độ đúng với màu logo gốc dự thi (bên phải). Phía dưới cùng để 2 ô; 1 ô bên trái tác giả ghi chỉ số màu, 1 ô bên phải để ghi mã số dự thi.
Tác giả ghi mã số tự chọn gồm CDS và 5 chữ số (Ví dụ: CDS01234) (Trường hợp tác giả có nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi; mỗi tác phẩm dự thi phải ghi rõ mã số riêng, không trùng mã số với tác phẩm khác). Trên mặt trước và mặt sau tờ giấy vẽ mẫu dự thi không ghi thông tin cá nhân, không ký tên, không được sử dụng bất kỳ ký hiệu nhận biết nào khác.
Hình dạng: Có hình dạng không hạn chế, thể hiện là một khối thống nhất. Màu sắc: Tối đa 4 (bốn) màu (không kể màu trắng). Chữ thể hiện trên Logo: Dân số và Phát triển.
Logo phải đảm bảo khả năng sử dụng trên các phương tiện thông tin khác nhau; sắc nét khi thể hiện trên màn hình thiết bị điện tử, thuận tiện trong việc in ấn, thu phóng, đắp nổi, gia công trên mọi chất liệu và đảm bảo tính sử dụng lâu dài.
Logo được lựa chọn phải đạt tiêu chuẩn là một tác phẩm mỹ thuật, đáp ứng được những yêu cầu về thẩm mỹ, có tính sáng tạo, đơn giản, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng. Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa không quá 3 tác phẩm tham dự cuộc thi phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu.
Tác phẩm dự thi được gửi trực tiếp về Cục Dân số (Ban tổ chức cuộc thi) hoặc gửi theo đường bưu điện. Hồ sơ dự thi được đóng kín trong 1 phong bì khổ lớn (kích thước 32cm x 42cm), ghi rõ thông tin nơi nhận: Ban tổ chức cuộc thi sáng tác Logo Dân số và Phát triển, Cục Dân số, Bộ Y tế, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Gửi hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ email cuocthilogodanso@gmail.com
Ban Tổ chức tiếp nhận bài dự thi của các cá nhân, tổ chức bắt đầu từ ngày ban hành Thể lệ của cuộc thi đến hết ngày 30 tháng 11 năm 2024.
Thời gian tính tiếp nhận theo dấu bưu điện hoặc theo thời gian thể hiện trên thư điện tử (email) gửi đến Ban Tổ chức.