Đối tượng nào dễ bị viêm màng não mô cầu?
Vừa qua một gia đình ở Bắc Kạn có 2 người bị tử vong, 2 người phải nhập viện. Bước đầu được chẩn đoán do viêm màng não mô cầu. Vậy căn bệnh này ai sẽ là người dễ mắc phải?
Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Triệu chứng của bệnh thường khởi phát đột ngột, tiến triển nhanh chóng, nên nhiều trường hợp thường cấp cứu chậm trễ, điều này khiến bệnh nhân có thể tử vong hoặc gặp phải những di chứng nặng nề.
Nguyên nhân gây viêm màng não mô cầu
Là do vi khuẩn Neisseria meningitidis, hay còn gọi là Meningococcus. Dựa vào kháng nguyên Polyozit, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính: A, B, C và D. Trong đó, vi khuẩn não mô cầu nhóm B, C là thường gặp nhất. Ngoài ra, còn có các nhóm vi khuẩn não mô cầu khác như W-135, X, Y và Z. Vi khuẩn trong nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực hơn, nhưng vẫn gây bệnh nặng.
Viêm não mô cầu có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ mắc viêm màng não mô cầu nhất bao gồm:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
- Thanh thiếu niên và thanh niên.
- Những người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá hoặc doanh trại quân đội.
- Những người suy dinh dưỡng kéo dài do bất thường hệ tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng hấp thụ đường ruột.
- Người du lịch đến các khu vực dịch tễ lưu hành như Châu Phi.
- Nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu.
- Những người có thể tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu trong ổ dịch.
Ngoài ra, một số yếu tố, lối sống của bộ phận thanh thiếu niên cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Điều kiện sống đông đúc.
- Học cùng với những học sinh chuyển từ vùng có dịch tễ lưu hành đến.
- Rối loạn chu kỳ thức ngủ.
- Hút thuốc chủ động hay bị động.
- Tập trung nơi đông người.
Biến chứng của bệnh viêm màng não mô cầu
Viêm màng não là một bệnh lý có diễn tiến nhanh chóng, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tử vong ở trẻ.
Hầu hết các trẻ đều nhập viện trong tình trạng nặng, do triệu chứng mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm thông thường khác.
Tuy vậy, bệnh viêm màng não mô cầu nếu được điều trị tốt và kịp thời thì tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 95%. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, điều trị muộn, người bệnh phải đối mặt với nhiều di chứng sức khỏe lâu dài.
Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển nhanh và nguy hiểm. Rất khó phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, vì triệu chứng giống với bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Tuy nhiên, não mô cầu có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật trong vòng 24 giờ.
Nếu may mắn sống sót, người bệnh sẽ phải gánh chịu những di chứng nặng nề như cắt bỏ chi, ngón tay, ngón chân, tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận, các vấn đề về tâm lý...
Lời khuyên thầy thuốc
Bệnh viêm màng não do não mô cầu có khả năng tử vong cao, nên phải cho bệnh nhân nhập viện càng sớm càng tốt, không nhất thiết phải cách ly ngay. Điểu trị bệnh viêm màng não do não mô cầu thường được sử dụng các loại thuốc kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng như: Penicillin, Ampicillin, Cloramphenicol và Ceftriaxone. Dùng kháng sinh chỉ có hiệu quả cao khi tích cực phòng và điều trị các rối loạn khác.
Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ, vaccine được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng cổ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm phòng viêm não mô cầu:
Hiện nay vaccine phòng viêm não mô cầu là vaccine dịch vụ, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy tỷ lệ tiêm phòng vaccine này chưa cao. Trong khi đó không cần phải nằm trong khu vực có dịch bệnh, người dân đặc biệt là trẻ nhỏ có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào.
Vì vậy, bên cạnh việc giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và giữ vệ sinh nơi sinh sống thì tiêm phòng vaccine viêm não mô cầu là cách giúp trẻ phòng tránh bệnh tốt nhất. Thời điểm tiêm như sau:
Vaccine viêm não mô cầu A,C,Y,W cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn đến 55 tuổi, có hai lịch tiêm:
- Trẻ 9 tháng đến 23 tháng tuổi: Tiêm 2 liều, liều thứ 2 cách liều thứ nhất 3 tháng.
- Trẻ tròn 24 tháng và người lớn đến 55 tuổi: Tiêm 1 liều duy nhất.
Vaccine viêm não mô cầu BC – phòng ngừa bệnh não mô cầu do tuýp B và tuýp C: Tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên và người lớn đến 45 tuổi.
- Liều tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi tiêm đầu 6 – 8 tuần.
Bộ Y tế: Theo dõi, giám sát ổ dịch não mô cầu tại Bắc Kạn
Ngày 13/6/2024 Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo tổ chức triển khai tăng cường phòng chống bệnh do não mô cầu.
Theo thông tin giám sát, tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do não mô cầu; đồng thời trên cùng địa bàn cũng ghi nhận trường hợp tử vong, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới bệnh do não mô cầu tại cộng đồng trong khu vực xảy ra ổ dịch; theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, sử dụng thuốc điều trị dự phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 11/6/2024 Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 bệnh nhân đến từ Bắc Kạn, cùng được chẩn đoán: Viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết.
Bệnh nhân Đ.V.D. (38 tuổi) cho biết: Chỉ trong vòng 5 ngày, 2 người trong gia đình anh đều tử vong. Đầu tiên là con gái (22 tháng tuổi) xuất hiện sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng liên tục, kèm theo nổi ban xuất huyết vùng gối và mặt sau lan ra toàn thân, lơ mơ, ăn uống kém. Gia đình đưa bé đến Trung tâm Y tế gần nhà khám và điều trị. Sau đó bé được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và BV Trung ương Thái Nguyên và đã tử vong sau đó.
3 ngày sau, mẹ của bệnh nhân D. xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng nhiều lần kèm theo nổi ban xuất huyết. Bà nhập viện và điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và tử vong sau vài giờ vào viện.
Sau cái chết của mẹ và con gái, bệnh nhân D. và con trai (11 tuổi) cũng xuất hiện biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn sau ăn, không đại tiện phân lỏng. Ngày 10/6/2024 bệnh nhân D. vào nhập viện ở BV Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, được chẩn đoán viêm màng não. Bệnh nhân và con trai đã được chuyển tuyến lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Theo ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu – BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: 2 bệnh nhân đều đã được chọc dịch não tủy, cho thấy dịch đục. Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm màng não do não mô cầu. Sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, 2 bệnh nhân tạm thời ổn định, tỉnh táo, ăn được, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Theo bác sĩ Bắc, đối với 2 người đã tử vong trong gia đình bệnh nhân D. đều chưa xác định được căn nguyên, nhưng nguy cơ cao có thể do nhiễm não mô cầu.