• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Viêm não Nhật Bản và những triệu chứng ở từng giai đoạn

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay, bệnh nhân là một bé trai 12 tuổi (ở huyện Phúc Thọ).

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nguy hiểm, vì các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và mùa hè là thời điểm dễ bùng phát thành dịch nhất. Đối tượng nhiễm chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là những bé từ 5 đến 7 tuổi.

Có hơn 30 loài muỗi trung gian truyền bệnh virus viêm não Nhật Bản, đặc biệt là Culex Tritaeniorhynchus. C. Tritaeniorhynchus thường sinh sản trên ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác. Đây là muỗi cắn vào buổi tối và ban đêm.

Nguy cơ nhiễm virus viêm não Nhật Bản cao nhất là ở các vùng nông thôn, nông nghiệp. Một số trường hợp viêm não Nhật Bản đôi khi được báo cáo từ các khu vực thành thị.

Biểu hiện của viêm não Nhật Bản ở từng giai đoạn

Sau khi virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể, thì não và hệ thần kinh trung ương của người bệnh sẽ xuất hiện nhiều tổn thương. Đặc biệt, nhiều triệu chứng không mong muốn có thể xảy ra theo từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Sau khi virus viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ trải qua thời gian ủ bệnh trong khoảng thời gian từ 5 đến 14 ngày. Ở giai đoạn này thường chưa xảy ra bất kỳ triệu chứng nào.

Giai đoạn khởi phát

Sau quá trình ủ bệnh, virus viêm não sẽ bắt đầu tấn công vào mạch máu não, gây ra tình trạng phù não. Những triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện đột ngột như sốt cao trên 39 độ C. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy đau đầu, buồn nôn hoặc nôn.

Trong 1 đến 2 ngày đầu phát bệnh, người mắc viêm não Nhật Bản có thể gặp những triệu chứng điển hình như cứng gáy, mất ý thức, tăng trương lực cơ hoặc vận động của nhãn cầu bị rối loạn… Đặc biệt, ở trẻ nhỏ khi bị mắc bệnh này thường sẽ xuất hiện những triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn với ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn và đi phân lỏng.

Viêm não Nhật Bản và những triệu chứng ở từng giai đoạn- Ảnh 2.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh vô cùng nguy hiểm.

Giai đoạn toàn phát

Đây là giai đoạn xuất hiện những triệu chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh viêm não. Đó chính là những tổn thương về não nói chung và thần kinh khu trú nói riêng như bị liệt chi, liệt cơ mặt hoặc lác mắt. Tình trạng bệnh không giảm đi mà càng ngày càng nặng hơn. Bệnh nhân sẽ bị mê sảng rồi dần rơi vào tình trạng hôn mê sâu.

Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện nhiều triệu chứng của thần kinh thực vật như bị tiết mồ hôi rất nhiều, mạch đập nhanh, huyết áp tăng cao và rối loạn nhịp thở. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong của người mắc viêm não Nhật Bản là rất cao nếu như không được điều trị kịp thời, nhất là đối với trẻ em.

Giai đoạn lui bệnh

Sau tầm 7 đến 8 ngày, nếu không xảy ra tình trạng bội nhiễm, nhiệt độ của cơ thể người bệnh sẽ giảm dần và không còn bị sốt cao nữa. Bên cạnh đó, những hội chứng về não cũng như tình trạng rối loạn thần kinh sẽ cải thiện hơn nhiều nếu như nhận được sự điều trị kịp thời và đúng cách.

Tuy nhiên, bệnh lý viêm não này sẽ để lại những di chứng về thần kinh như liệt chi hoặc các dây thần kinh. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Hơn nữa, những biến chứng nguy hiểm cũng là điều không thể tránh khỏi.

Tiên lượng bệnh viêm não Nhật Bản

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm não Nhật Bản và hiện nay chỉ điều trị hỗ trợ. Chính vì vậy, khi bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản thì tỉ lệ tử vong cao và sẽ để lại di chứng về thần kinh sau này.

Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân thể viêm não nhập viện khoảng 20 – 30%, thường xảy ra sau một thời gian hôn mê kéo dài. Trong số những người sống sót, di chứng thần kinh xảy ra trong ít nhất 30 – 50%.

Các di chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Các vấn đề tâm thần và co giật tái phát.
  • Suy giảm nghiêm trọng về nhận thức hoặc ngôn ngữ.
  • Khó khăn trong vấn đề học tập và tiếp xúc với môi trường xã hội khi trở lại với cuộc sống trước khi mắc bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Virus lây qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex. Vì vậy, mọi người cần làm những điều sau để phòng bệnh:

  • Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống chín.
  • Nên ngủ màn cả ban ngày và ban đêm đề phòng muỗi đốt.
  • Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
  • Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Các biện pháp bảo vệ cá nhân để ngăn ngừa muỗi đốt là rất quan trọng, vì điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Việc tiêm vaccine viêm não Nhật Bản là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh tốt nhất.

Theo thống kê và nghiên cứu, trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 – 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cao nhất. Để phòng ngừa một cách tốt nhất thì trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại theo định kỳ 3 năm/lần cho đến khi đủ 15 tuổi.

Bé trai 12 tuổi tại huyện Phúc Thọ trở thành bệnh nhân đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm nay. Bệnh nhi khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt cao, đau đầu. Một ngày sau đó bệnh nhi xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, kết quả xét nghiệm Mac - Elisa dịch não tủy của bệnh nhi dương tính với virus viêm não Nhật Bản.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.025
Tháng 11 : 133.223
Năm 2024 : 2.714.725
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.513.239