• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bệnh nhân điều trị viêm gan C được bảo hiểm y tế “gỡ khó”

Việt Nam có tỉ lệ viêm gan C cao, ước tính hơn 1 triệu người nhiễm Viêm gan C, gây nên gánh nặng cho toàn xã hội. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay, khoảng 90% người nhiễm viêm gan C không biết mình đang nhiễm bệnh,..

Việt Nam có tỉ lệ viêm gan C cao, ước tính hơn 1 triệu người nhiễm Viêm gan C, gây nên gánh nặng cho toàn xã hội. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay, khoảng 90% người nhiễm viêm gan C không biết mình đang nhiễm bệnh, bởi bệnh diễn ra âm thầm, không có triệu chứng gì cho đến khi gây ra những tổn hại nghiêm trọng đến gan. Bệnh viêm gan C để lại những hậu quả rất nặng nề, tuy vậy vẫn còn ít được quan tâm. Ở nước ta, hiện nay có hàng trăm nghìn người không có khả năng điều trị do chi phí quá cao.

Trước đây, các loại thuốc của phác đồ cũ điều trị viêm gan C có nhiều tác dụng phụ, tỷ lệ điều trị thành công chiếm thấp, chỉ khoảng 50%. Kể từ năm 2016, phác đồ điều trị viêm gan C được thay bằng các loại thuốc thế hệ mới, đó là DAA (kháng virus trực tiếp) đã được Bộ Y tế cho phép áp dụng điều trị tại Việt Nam, và đã chứng minh có kết quả tốt có tỷ lệ điều trị khỏi lên đến hơn 95 - 97%, ít tác dụng phụ và thời gian điều trị cho đa số bệnh nhân rất ngắn, đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh.

Tuy nhiên, loại thuốc này có giá thành ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân. Các thuốc này cũng chưa nằm trong danh mục thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả nên rất ít người có thể được điều trị bằng các thuốc mới này. Do đó có tới 90% bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị. Đây là thách thức lớn trong việc hỗ trợ, chăm sóc và điều trị cho người bệnh nhiễm viêm gan C.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo đang tư vấn điều trị cho bệnh nhân

Bác sỹ CKI  Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh chia sẻ: theo phác đồ điều trị mới, mỗi tháng bệnh nhân viêm gan C phải chi trả từ 10-15 triệu đồng cho liệu trình điều trị 3-6 tháng. Hiệu quả điều trị nếu áp  dụng đúng và đủ liệu trình rất cao nhưng chi phí quá lớn nên bệnh nhân hầu như đều có tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc giữa chừng.

Nói về chặng đường chữa bệnh viêm gan C đầy gian khó và gánh nặng chi phí, anh Phan Văn T (48 tuổi, Hương Sơn) cho biết, điều trị viêm gan C rất tốn kém. Để có thể chữa bệnh tôi đã phải nhờ tới sự hỗ trợ của tất cả gia đình, bạn bè, thậm chí còn vay mượn thêm vẫn không đủ. Điều tôi buồn nhất là dù có thẻ BHYT nhưng tôi lại không được hỗ trợ, hay chi trả một phần nào” – anh T.  kể.

Tuy nhiên, một tin vui cho bệnh nhân viêm gan C là kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, theo Thông tư 30/2018/TT-BYT, bệnh nhân viêm gan C sẽ được bảo hiểm y tế chi trả 50% tiền thuốc kháng vi rút trực tiếp DAA. Với việc áp dụng chính sách mới này, nhiều bệnh nhân viêm gan C sẽ được tiếp cận với các thuốc chữa khỏi bệnh và sẽ có nhiều bệnh nhân được chữa trị hơn. Ung thư gan và tử vong do viêm gan C gây ra có thể được ngăn chặn.

Anh Phan Hoàng Q. (39 tuổi, Cẩm Xuyên) là người đã được chẩn đoán dương tính với rirus viêm gan C và không thể điều trị do chi phí quá cao. Gia đình kinh tế khó khăn nên việc mỗi tháng bỏ ra 10-15 triệu điều trị là điều không tưởng đối với anh Q. Anh chia sẻ: Khi biết mình bị viêm gan C tôi đã nghĩ là mình sẽ không thể chữa được vì nhà tôi nghèo, không đủ tiền “theo” được. Nếu BHYT hỗ trợ thanh toán 50% chi phí thì tôi nghĩ không chỉ tôi mà rất nhiều bệnh nhân viêm gan C khác sẽ rất vui và có thêm hi vọng về căn bệnh của mình”.

Việc Bộ Y tế đưa thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được BHYT chi trả với tỷ lệ chi trả hợp lý sẽ giúp hàng trăm nghìn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi, góp phần thanh toán bệnh viêm gan vào năm 2030 như mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã đề ra.

Để phòng bệnh viêm gan C (hiện chưa có vaccine viêm gan C), người dân cần tránh tiêm không cần thiết và không an toàn; tránh các sản phẩm máu không an toàn; tránh thu gom và xử lý chất thải sắc nhọn không an toàn; tránh sử dụng ma túy trái phép và dùng chung dụng cụ tiêm chích; tránh quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm virút viêm gan C; tránh dùng chung các vật dụng cá nhân sắc nhọn có thể bị nhiễm bẩn với máu bị nhiễm vi rút; tránh xăm trổ hoặc xâu khuyên và châm cứu bằng các dụng cụ nhiễm bẩn...

Thanh Nhàn


Nguồn: soyte.hatinh.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 360
Tháng 12 : 34.694
Năm 2024 : 2.835.283
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.633.797