• :
  • :
CHUYÊN NGHIỆP - TRÁCH NHIỆM - NĂNG ĐỘNG - MINH BẠCH - HIỆU QUẢ !
|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết: Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu quyết liệt phòng chống

Báo cáo của các địa phương cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. Đến nay đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết đang là cao điểm mùa dịch, tăng cả số mắc và tử vong

Trong văn bản gửi Viện trưởng các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Pasteur TP Hồ Chí Minh; Pasteur Nha Trang và Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết  Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).

Đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết: Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu quyết liệt phòng chống - Ảnh 1.

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

 So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Trong đó, số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. 

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch  số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Các Viện đầu ngành lập ngay các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương phòng chống sốt xuất huyết

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng đề nghị lãnh đạo các Viện trên thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất huyết. 

Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các tỉnh thành phố thuộc khu vực phụ trách. Kịp thời báo cáo và chủ động tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. 

Hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. 

 Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông cao điểm trong tháng 6-7/2022 hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, vận động người dân lật úp các dụng cụ chứa nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng và diệt muỗi, lăng quăng bọ gậy phòng chống bệnh sốt xuất huyết và vận động cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tham gia và phối hợp tốt với cơ quan y tế trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương. 

Đồng thời các Viện phải tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giảm sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng.

Thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Trước đó, Cục Y tế dự phòng cũng có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phòng chống sốt xuất huyết và hưởng ứng ASEAN Dengue Day. Tại văn bản này, Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề "Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết". 

Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết. Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. 

Tổ chức tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến đồng thời tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch... cho cán bộ y tế dự phòng. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca. Trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Theo HCDC, hiện nay TP.HCM đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi…

Người dân cần đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng. Người dân cũng cần sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.


Nguồn: Báo SKĐS
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Khảo sát
Bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ y tế do ngành Y tế Hà Tĩnh cung cấp như thế nào?
BẢN ĐỒ TỈNH HÀ TĨNH
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.510
Tháng 09 : 280.837
Năm 2024 : 2.246.053
Năm trước : 2.326.488
Tổng số : 11.044.567